Nâng tầm quảng bá sản phẩm truyền thống, ocop
Chia sẻ niềm vui khi vừa bán được bức tranh thêu tay truyền thống có chủ đề “Quê hương Việt Nam” với giá 18 triệu đồng, chị Ngô Thị Tín – chủ cơ sở trang thêu Tiền Tiến (ở xã Quất Động, huyện Thường Tín) cho biết: “Từng đi rất nhiều các hội chợ, Festival trong Nam ngoài Bắc nhưng chưa bao giờ tôi thấy Festival tầm cỡ quy mô hoành tráng như thế này. Không chỉ tạo mọi điều kiện thuận lợi quảng bá, giới thiệu sản phẩm với trong khu trưng bày kiên cố, trang trí bắt mắt, các thành viên Ban tổ chức còn quan tâm, thường xuyên hỏi han xem tình hình khách tham quan, mua sắm như thế nào? Hôm nay có bán được nhiều sản phẩm không?...”
Tham dự Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022, chị Tín mang đến trưng bày hơn 50 sản phẩm tranh thêu với đa dạng mẫu mã, kích thước, giá bán dao động từ vài trăm nghìn đồng đến 20 triệu đồng. Trong 3 ngày qua, chị Tín đã bán được số lượng khá những tranh thêu có chủ đề về phong cảnh kết hợp với chữ có kích thước vừa tầm.
Tấp nập người ra vào hơn cả là khu trưng bày ngành hàng đồ gỗ mỹ nghệ, dân dụng. Anh Vũ Chí Công, nhân viên bán hàng của cơ sở đồ gỗ Ngọc Điểm (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) cho hay, do đây là thời điểm gần Tết nên nhu cầu mua sắm trang hoàng nhà cửa của người dân tăng cao nên cả ban ngày và buổi tối lượng khách thăm quan gian hàng rất đông.
“Festival là cơ hội quảng bá lớn tới người dân Thủ đô và các tỉnh thành của cơ sở đồ gỗ của tôi cũng như làng nghề gỗ truyền thống Vạn Điểm. Tôi kỳ vọng, từ sự kiện này sẽ có nhiều khách hàng trên cả nước kết nối, đặt hàng những sản phẩm tinh xảo từ các loại gỗ quý (mun, trắc…) của chúng tôi như: Bàn ghế phòng khách, kệ ti vi, đồng hồ, tủ…
Vừa nhanh tay sắp xếp kệ hàng ngăn nắp, vừa luôn miệng giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, chị Nguyễn Thị Duyên, nhân viên marketing Công ty CP phát triển Ong miền núi (quận Thanh Xuân) phấn khởi cho biết, gian hàng tại Festival của công ty luôn thu hút rất đông khách hàng đến thăm quan, dùng thử và chọn mua sản phẩm.
Theo chị Duyên, do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được chú trọng nên trong 3 ngày qua, công ty bán rất chạy các sản phẩm OCOP 4 sao là mật ong hoa bạc hà và sữa ong chúa tươi. Hy vọng, sau tham dự Festival, các sản phẩm của Ong miền núi sẽ “tiếng lành đồn xa”, tăng doanh số bán hàng và tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới.
Những trải nghiệm thú vị cùng nghệ nhân Thủ đô
Hoạt động hấp dẫn, thụ hút sự theo dõi, tham gia đông đảo của khách hàng và người dân tại Festival không thể không kể đến đó là phần trình diễn tay nghề của các nghệ nhân nổi tiếng Hà Nội.
Theo đó, trong suốt những ngày diễn ra Festival, hàng trăm khách hàng và người dân được “mục sở thị” quy trình, thao tác tạo nên các sản phẩm nghệ thuật đa dạng của các nghệ nhân và nhóm nghệ nhân ngành hàng thủ công, mỹ nghệ; đồng thời khách hàng được các nghệ nhân, thợ giỏi “bắt tay chỉ việc” làm nên các sản phẩm thủ công, đồ lưu niệm theo sở thích. Cụ thể:
Ngày 15/12, nhóm nghệ nhân Xuân Cường cùng nghệ nhân mây tre đan Nguyễn Văn Tĩnh, nghệ sĩ tết dây Linh Macrame cùng kết hợp làm vòng dây đeo cổ, vòng tay, hoa tai và một số sản phẩm khác trên các chất liệu sừng, sơn, mây tre, tơ, chỉ mầu để hướng dẫn đồng hành cùng các khách hàng tạo ra 50 -70 sản phẩm phụ kiện thời trang. Trong chương trình có sự trợ giúp và tư vấn làm sản phẩm của chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều.
Ngày 16/12, nghệ nhân Lê Văn Nguyên biểu diễn thêu các sản phẩm quà tặng du lịch trong chương trình. Cùng với đó, nghệ nhân hướng dẫn khách hàng thêu 20 chiếc khăn với các mẫu đơn giản (5 khách trải nghiệm/lượt). Đồng hành còn có nhóm nghệ nhân Nguyễn Tiến Cường biểu diễn làm dép cao su (lốp xe). Khoảng 50 khách hàng đã được nghệ nhân hướng dẫn làm sản phẩm, sau khi hoàn thiện được mang dép về sử dụng.
Ngày 17/12, Nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh biểu diễn đan tết các sản phẩm tiêu dùng, phụ kiện thời trang bằng các chất liệu mây và sừng. Các nghệ nhân đã tặng hơn 30 sản phẩm cho những khách hàng trải nghiệm và hoàn thành sản phẩm. Song song với đó, nhóm nghệ nhân khảm trai sẽ trình diễn và hướng dẫn khách hàng trải nghiệm làm 20 sản phẩm khảm trai là quà tặng lưu niệm.
Là một trong những khách hàng tham dự chương trình đặc sắc này, chị Trương Thị Mai (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất thú vị khi chỉ trong 30 phút đã tự tay thiết kế, tết dây làm nên đôi hoa tai vintage theo sở thích, cá tính của mình. Càng vui hơn khi được nghệ nhân hướng dẫn nhiệt tình và được mang về sản phẩm chính mình làm ra”.
Theo đại diện Ban tổ chức, Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022 có sự góp mặt của 273 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Trong đó gồm: 153 đơn vị của 27 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; 92 đơn vị của 24 tỉnh, TP bạn; 28 đơn vị, DN. Ngoài ra, tại sự kiện còn trưng bày khoảng 500 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của 15 tỉnh, TP phía Bắc.