Họ phải thuê những căn phòng trọ bình dân gần BV làm nơi tá túc để chiến đấu với căn bệnh tử thần. Cảm thông với số phận, hoàn cảnh của những người bệnh nghèo, nhiều chủ nhà trọ ở đây đã tìm cách giúp đỡ, sẻ chia...
Những mảnh đời nơi xóm trọ
Theo khảo sát của chúng tôi, phòng trọ quanh khu vực BV rất đa dạng, từ phòng bình dân giá rẻ đến những phòng hạng sang, có điều hòa, vệ sinh riêng.
Khu trọ nhà bà Nguyễn Thị Năm (tổ 15, phường Kiến Hưng) có 4 phòng, chủ yếu là cơi nới, dồn phòng của gia đình để làm chỗ trọ cho người bệnh, phía trước nhà, bà còn tận dụng mở hàng nước chè chén bán cho bệnh nhân. Khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Nụa, 52 tuổi (Phổ Yên, Thái Nguyên), bệnh nhân ung thư vòm họng đang phụ bán quán cho chủ nhà vừa rót nước, trò chuyện.
“Thấy đau họng, tôi tưởng mình bị viêm họng, uống kháng sinh mãi không đỡ, đi khám thì các bác sĩ ở quê khuyên ra Hà Nội xét nghiệm. Không ngờ mình bị ung thư vòm họng” - ông Nụa cho biết. Ông đã nhập viện điều trị hơn một năm nay và đã hóa trị được 4 đợt. Một đợt truyền hóa chất khoảng 15 - 20 ngày.
“Ở quê cuộc sống khó khăn, gia đình làm nông, vài sào ruộng với một ít đất trồng chè, nhưng cứ đến đợt xạ trị lại phải vay nóng anh em, bạn bè. Hiện tại, nợ nần chồng chất, không biết rồi tới đây lấy tiền đâu mà tiếp tục các đợt xạ trị” - ông ngậm ngùi.
Mỗi bệnh nhân trọ ở đây đều có một hoàn cảnh khác nhau, hoàn cảnh của vợ chồng bà Phan Thị Hoa, 61 tuổi - chồng 64 tuổi quê Hải Dương, lại rất đặc biệt. Ông bà tá túc ở nhà trọ bình dân cuối xóm, căn phòng chỉ 5m2. Cả hai vợ chồng bà Hoa phát hiện bị ung thư từ đầu năm 2018 và điều trị ở BV K T.Ư từ đó cho đến nay. Bà bị ung thư vú, còn chồng bà ung thư thực quản. “Không thể ngờ gia đình tôi lại rơi vào hoàn cảnh éo le đến vậy, nhà đã nghèo, cả hai vợ chồng còn mắc bệnh nan y. Thôi thì chống chọi được đến chừng nào hay chừng đó” - bà Hoa thở dài.
Càng vào sâu trong ngõ, càng nhiều phòng trọ cho bệnh nhân, nhà ít cũng vài ba phòng, nhà nhiều 10 - 15 phòng. Có người chỉ ở vài ngày nhưng cũng có người ở vài tháng. “Ở đây, bệnh nhân đều gắn bó với nhau, vì thế, chỉ cần nói tên, quê quán thì mọi người đọc vanh vách hoàn cảnh gia đình, bệnh tật, thời gian điều trị” - anh Nguyễn Văn Triển, một bệnh nhân quê Hưng Yên cho biết.
Sẻ chia với bệnh nhân
Sống chung với người bệnh, chủ nhà cũng hiểu được bệnh tình và hoàn cảnh từng gia đình bệnh nhân, vì vậy, họ luôn tìm cách giúp đỡ, sẻ chia.
Chị Phạm Thị Thu chủ nhà trọ Minh Đức có hơn 20 phòng trọ nhưng chị nắm rõ hoàn cảnh của từng người và luôn tìm cách giúp đỡ họ. Gia đình chị mới đầu tư xây dựng một số phòng mới có điều hòa, giá 150.000 đồng/ngày đêm, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn chị chỉ lấy 80.000 đồng/ngày đêm.
Chị Thu còn xây căn bếp cho người nhà bệnh nhân làm chỗ nấu ăn, sắm xoong nồi cho bệnh nhân mượn nấu nướng. Ngoài ra, chị còn trang bị một tủ lạnh loại to, một tủ cấp đông để người nhà bệnh nhân cất trữ thức ăn, nước uống chị lắp máy lọc, cung cấp miễn phí cho người bệnh.
Cũng như chị Thu, bà Nguyễn Thị Năm cũng giảm một nửa tiền thuê phòng cho những bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, để giúp người bệnh giảm chi phí, bà còn mua gas, bếp, cho mượn xoong nồi để nấu ăn.
Thậm chí, nhiều hôm bệnh nhân ốm quá, người nhà lại lo thủ tục giấy tờ, bà còn bỏ tiền mua đồ ăn, trực tiếp nấu cơm mời họ. Đáp lại tình cảm của chủ nhà, mỗi lần từ quê lên, người nhà bệnh nhân lại mang những đặc sản quê hương như mớ rau, củ khoai, con cá để tặng chủ nhà. Bà Năm nhận hết, nhưng sau đó đem chế biến cho tất cả bệnh nhân khác cùng thưởng thức.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Tổ trưởng tổ an ninh cho biết, cả tổ có khoảng 50 nhà có phòng cho thuê, nhà ít 2 - 3 phòng, nhà nhiều thì 15 - 20 phòng, mỗi phòng từ 2 - 3 người ở. Trung bình mỗi ngày có khoảng 250 người mới đến đăng ký, có ngày nhiều phải hơn 300 người, đa số người nhà và bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
Theo ông Nghĩa, do số lượng người đến, đi mỗi ngày khá lớn nên công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ông đã tạo điều kiện tốt nhất và đảm bảo an ninh khu trọ.
Bác sĩ Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K cho biết, chỉ riêng cơ sở 3, mỗi ngày tiếp nhận gần 300 trường hợp mới đến khám và điều trị. Ngoài ra, còn hàng trăm bệnh nhân đến điều trị theo chu kỳ.
Để hỗ trợ bệnh nhân, BV đã xây dựng nhà lưu trú tại cơ sở 3. Những bệnh nhân thuộc các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ chỗ ở. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân quá đông, BV không thể bố trí hết được. Vì vậy, một số bệnh nhân vẫn phải thuê trọ bên ngoài.