Tổng thống nước này Emmanuel Macron đã phải tuyên cáo như vậy, sau khi một số phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở ngoại ô thủ đô Paris và ở thành phố Nice.
Phong toả và cách ly xã hội vì dịch bệnh vốn đã rất đặc biệt, nhưng hiện lại chẳng khác gì đang khá phổ biến ở các nước châu Âu. Tình trạng đất nước bị tấn công thì lại hoàn toàn khác trong cả bản chất lẫn trên danh nghĩa chính thức.
Tuyên cáo kia của ông Macron khiến thiên hạ không thể không liên tưởng đến tuyên cáo của Tổng thống Mỹ Geore W. Bush là "Nước Mỹ bị tấn công" sau sự kiện xảy ra ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Hệ luỵ đối nội cũng như đối ngoại, chính trị quốc gia cũng như chính trị thế giới của phát ngôn ấy rất nghiêm trọng.
Một khi đã phát biểu như thế, ông Macron bây giờ giống như ông Bush khi xưa không thể không chính thức tuyên chiến với khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Chống khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vốn đã là một trong những định hướng chính sách cầm quyền của ông Macron ở Pháp, nhưng chính thức tuyên chiến với khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lại là chuyện khác bởi như thế có nghĩa là đặt đất nước vào trong tình trạng chiến tranh.
Vì phải tiến hành cuộc chiến tranh này mà mọi cái từ nay sẽ không thể còn được như trước nữa đối với chính phủ và người dân ở Pháp. Luật pháp rồi sẽ thay đổi hoặc được sửa đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và trách nhiệm của nhà nước cũng như người dân.
Pháp là thành viên EU và NATO. Vì thế, Pháp có quyền yêu cầu EU và NATO hậu thuẫn và 2 tổ chức kia có trách nhiệm phải thực hiện cam kết giúp đảm bảo an ninh cho thành viên. Hai tổ chức này cũng bị đẩy vào tình trạng đặc biệt khi chẳng khác gì phải gián tiếp chính thức tuyên chiến và tiến hành chiến tranh với khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.