Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Con số vừa được đưa ra trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ là hiện số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, hàng năm số lượng sinh viên ra trường thiếu việc làm cũng lớn. Vậy theo ông, để giải quyết vấn đề này cần giải pháp gì?
- Việc giải quyết tình trạng thất nghiệp không phải là chuyện riêng của Việt Nam mà là câu chuyện chung của tất cả các nền kinh tế. Để giải quyết tình trạng thất nghiệp thì có nhiều giải pháp. Trước tiên phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Nền kinh tế phải khỏe hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, các lĩnh vực phát triển thì mới thu hút được lực lượng lao động. Cùng với đó, cần thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào quá trình mở rộng sản xuất. Hiện, Chính phủ đang có chủ trương tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp thành lập trong thời gian tới, đây cũng là một giải pháp tôi cho là căn cơ nhất. Một vấn đề nữa cũng cần thấy rõ là thực tế tình trạng nhiều đội ngũ lao động được đào tạo ra nhưng không kiếm được việc làm. Ngoài chuyện nền kinh tế không có nhu cầu để hấp thu hết, mặt khác cũng đặt ra câu hỏi liệu việc đào tạo có đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động không?
Vì có chuyện sinh viên sau đào tạo không tìm được việc làm, nhưng cũng có chuyện doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động mà mình tuyển dụng vào… Rõ ràng đặt ra câu hỏi việc đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thì phải rà soát lại để xem việc đào tạo phù hợp chưa, để điều chỉnh. Ví dụ, trong chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018, Chính phủ đã đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2 luật liên quan đến giáo dục cũng là bước để nâng cao chất lượng giáo dục của ta.Trong khi tình trạng nhiều người thất nghiệp, nhưng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, như vậy có hợp lý, thưa ông?- Đây có lẽ là 2 việc có liên quan nhưng khác nhau. Vì căn cứ để cơ quan bảo hiểm đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu do nguyên nhân vẫn nói là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Đấy cũng là việc phải xem xét, vì một số ngành nghề của ta với điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt như hiện nay thì quả thật 55 đối với nữ, 60 với nam thì lãng phí lao động.
Nhưng tôi cho rằng phải xem xét kỹ lưỡng, một mặt phải giải quyết lao động dôi dư, một mặt phải đảm bảo điều kiện hoạt động bình thường của quỹ bảo hiểm xã hội. Chúng ta phải nghiên cứu để giải quyết một cách song song.Ông có cho rằng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu có lẽ chỉ nên áp dụng cho một số đối tượng đặc thù trong đó nên chú trọng vào đội ngũ có trình độ cao như giáo sư hay phó giáo sư, không nên đại trà?Có những ngành nhiều người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Trong lúc thảo luận Bộ Luật Lao động hiện đang áp dụng, cũng có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chưa có sự đồng thuận cao trong các đại biểu Quốc hội nên vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Quốc hội cũng giao Chính phủ tùy thuộc vào điều kiện của một số ngành nghề, kéo dài tuổi nghỉ hưu ở một số ngành nghề có điều kiện tương đối đặc thù.
Hiện nay, chúng ta cũng có áp dụng với một số đối tượng như các nhà khoa học trong các trường đại học, Viện nghiên cứu. Việc này phải giải quyết hài hòa 2 yếu tố. Một là trách nhiệm của người lao động cho quỹ bảo hiểm xã hội, mặt khác cũng phải đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, phải căn cứ vào bố trí, sử dụng, sắp xếp lao động trong cả nền kinh tế của ta.Xin cảm ơn ông!