Vỉa hè tan hoang cần xử lý nghiêm
Đây là thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều tuyến đường mới mở. Điển hình, tại tuyến đường Nguyễn Xiển đoạn qua cầu Dậu vào khu đô thị Bắc Linh Đàm. Dù tuyến đường mới hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng toàn bộ cống, rãnh thoát nước sát vỉa hè đã bị sụt lún, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, tạo ra các vũng nước đọng trên mặt đường Nguyễn Xiển. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân của sự hư hỏng này do các xe tải chở vật liệt xây dựng cho các công trình đang xây dựng tại xã Thịnh Liệt, Thanh Trì.
Tương tự, tại đường Lê Văn Lương kéo dài mới được đưa vào sử dụng, do hai bên tuyến có nhiều công trình, khu đô thị mới đang được xây dựng nên hầu hết vỉa hè nơi đây đã xuống cấp nặng do bị những xe trộn bê tông, xe chở vật liệu xây dụng nghiền nát. Ông Nguyễn Văn Hà, thôn Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm bức xúc: Khi đường Lê Văn Lương kéo dài hoàn thành và đi vào sử dụng, người dân vui mừng vì có vỉa hè rộng, sạch sẽ để đi bộ, tập thể dục vào buổi sáng hay chiều tối. Nhưng chỉ ít ngày sau, vỉa hè đã bị hàng loạt xe trọng tải lớn nghiền nát.
Về tình trạng ô tô chạy trên hè gây vỡ gạch lát hè, vỡ nắp cống ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, để chấm dứt việc xe chở vật liệu các công trình xây dựng làm hư hỏng hạ tầng giao thông, Thanh tra Sở GTVT đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công ký cam kết không để các phương tiện được sử dụng vỉa hè làm chỗ đỗ xe hay để đổ vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều đơn vị vi phạm điển hình là tại tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, Thanh tra Sở GTVT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, nếu tái phạm có thể đình chỉ thi công.
Làm nắp cống composite để chống trộm
Trên các tuyến đường mới còn bị mất một số hố ga sát hè hoặc giữa đường, tạo ra những hố sâu gần 1m, rộng 60 - 70cm, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Người dân ven đường đã phải mang cọc tre, cành cây ra cắm xuống đó để báo hiệu cho người đi đường. Tình trạng này xuất hiện thường xuyên trên các tuyến đường như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương kéo dài, Nguyễn Xiển, Nam Trung Yên, Phạm Hùng... Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các hố ga mất nắp do bị kẻ trộm lấy đi và cứ thay nắp mới được thời gian ngắn lại mất. Gần đây dù nắp hố ga được làm bằng xi măng nhưng cũng chỉ được vài ngày lại bị xe tải hạng nặng, xe trộn bê tông làm sập, vỡ. Đã có nhiều người đi xe máy bị ngã xuống hố ga mất nắp, làm người đi xe bị thương, xe thì hỏng.
Ông Nguyễn Công Tuyên, Phó phòng Kỹ thuật Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết, thời gian qua, hiện tượng mất nắp cống xảy ra tập trung tại một số tuyến đường mới thuộc phía đường Vành đai 3. Những nắp cống bị lấy cắp là nắp tròn (nắp cống ngầm) và nắp vuông (là một loại ga cống thường nằm sát vỉa hè). Những nắp cống này thường được làm bằng gang, nên bị kẻ gian lấy cắp để bán sắt vụn, trong khi giá thành công ty đặt mua 2 triệu đồng/nắp cống. Cũng theo ông Tuyên, công ty vẫn nhận được điện báo từ phía người dân về tình trạng trên, nhưng do nhiều tuyến đường không thuộc phạm vi quản lý của công ty, như đường Vành đai 3 (đoạn từ Nguyễn Trãi tới Kim Giang), khu Dịch Vọng, Nam Trung Yên, đường Nguyễn Xiển… nên không thể khắc phục sớm. "Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đã áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để giữ nắp cống đồng thời thí điểm làm nắp cống bằng composite (dùng cho nắp cống trên vỉa hè), một loại vật liệu không tái chế được để hạn chế bị mất cắp" - ông Tuyên nói.