Về vấn đề này, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Bích, trường Đại học Luật Hà Nội.
- Thưa bà, tại sao Hà Nội cần có những quy định đặc thù, vượt trội về tổ chức bộ máy, biên chế cũng như thu hút, trọng dụng nhân tài?
- TS Nguyễn Ngọc Bích: Từ Pháp lệnh Thủ đô năm 2000 và Luật Thủ đô năm 2012, Hà Nội đã được trao nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhằm xứng đáng là Thủ đô của cả nước với các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao; là trung tâm kinh tế, văn hóa của phía Bắc, cũng như của cả nước. Tuy nhiên, bộ máy cũng như nhân sự để thực hiện các chính sách, pháp luật, nhiệm vụ phát triển Thủ đô lại được thực hiện giống như các địa phương khác nên đã nảy sinh những bất cập, hạn chế.
Các quy định về bộ máy, biên chế đặc thù cho Hà Nội nhằm:
Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện các chính sách, các quy định pháp luật và hoàn thành các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội. So với các địa phương khác, yêu cầu quản lý Nhà nước tại Hà Nội vừa phức tạp hơn, vừa đòi hỏi giải quyết nhanh hơn lại dễ nhạy cảm về chính trị, xã hội.
Thứ hai, nguồn nhân lực tại Hà Nội rất dồi dào với chất lượng cao nhưng nhu cầu sử dụng, thu hút cũng rất lớn, tạo ra sự cạnh tranh về nhân lực với khu vực công. Nếu không có chính sách thu hút hợp lý, rất dễ xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám tại chỗ” làm cho các cơ quan, đơn vị của Hà Nội không có đủ nguồn lực tốt nhất. Thứ ba, giải quyết, khắc phục những hạn chế trong tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự của pháp luật nói chung, các quy định cho Hà Nội nói riêng.
- Các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện những chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội về bộ máy, biên chế và thu hút, trọng dụng nhân tài như thế nào, bà có thể chia sẻ?
- TS Nguyễn Ngọc Bích: Từ các quy định của Dự thảo đã thể hiện được 2 chính sách cơ bản được xác định trong Luật Thủ đô là tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô. Các chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội về bộ máy, biên chế và thu hút, trọng dụng nhân tài được thể hiện dưới hai góc độ:
Một là, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cấp chính quyền tại TP Hà Nội về tổ chức bộ máy trên cơ sở vẫn bảo đảm các cấp chính quyền tại TP Hà Nội có các nhiệm vụ, quyền hạn như các địa phương khác theo các quy định chung thống nhất của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể:
HĐND TP được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã (Điều 9).
UBND TP được quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã; được điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội; UBND quận, huyện, thị xã (Điều 10). Được thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho tổ chức hành chính thuộc UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới.
Hai là, các quy định đặc thù về biên chế và công tác cán bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể hiện sự chủ động của chính quyền tại TP Hà Nội. Cụ thể:
UBND TP được đề xuất tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức (Điều 10). Việc tăng biên chế giúp Hà Nội có thể chủ động được nhân lực cho các yêu cầu thực tế trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, yêu cầu phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
TP được thực hiện thống nhất chế độ công vụ, công chức đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thuộc TP Hà Nội (Điều 16).
TP được thực hiện thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu, điều kiện của Hà Nội (Điều 17) và thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị thuộc TP Hà Nội (Điều 18).
- Bà có thể cho biết, các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô và đòi hỏi thực tiễn?
- TS Nguyễn Ngọc Bích: Có thể thấy, tổ chức bộ máy biên chế là nội dung Dự thảo quy định thể hiện phân quyền, tạo chủ động cho các cấp chính quyền TP Hà Nội mạnh mẽ hơn cả. Đây chính là tiền đề bảo đảm cho Hà Nội có bộ máy chính quyền phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cũng như phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh hợp lý nhất với yêu cầu phát triển Thủ đô. Vào thời điểm này, các quy định của Dự thảo được dự báo đáp ứng tốt yêu cầu vì các quy định của Dự thảo đã được đánh giá tác động rất kỳ công, khách quan, khoa học. Những quy định này cũng xuất phát từ những hạn chế thực tế đã nảy sinh để khắc phục những hạn chế đó.
Dự thảo hiện nay chỉ quy định thu hút người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng làm việc để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp. Nhưng Hà Nội cũng cần thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài vào thực hiện những hoạt động có yêu cầu cao về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ hay tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực thông qua việc ký kết các hợp đồng.
- Trân trọng cảm ơn bà về những nội dung đã chia sẻ!