Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội

Tổ chức lao động trị liệu và dạy nghề cho học viên

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi vào Cơ sở Cai nghiện ma túy (CNMT) số 6 Hà Nội, các học viên được chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu để rèn luyện kỹ năng chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Học viên cai nghiện được khám sức khỏe 2 lần/năm

Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội là đơn vị đa chức năng, hiện đang thực hiện cai nghiện bắt buộc cho khoảng 300 học viên và cai nghiện tự nguyện cho 140 học viên. Ngoài ra, Cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone cho 55 học viên. Với đặc thù quản lý đa dạng đối tượng và phần lớn học viên khi mới vào đều có sức khỏe không tốt do ảnh hưởng của việc sử dụng ma túy nên ngay khi tiếp nhận người vào CNMT, Cơ sở thực hiện phân khu quản lý để tiện chăm sóc, điều trị.

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội đang tổ chức cho các học viên lao động trị liệu làm chân phích cắm điện. Ảnh: Trần Oanh
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội đang tổ chức cho các học viên lao động trị liệu làm chân phích cắm điện. Ảnh: Trần Oanh

Chế độ chăm sóc sức khỏe cho học viên được Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Học viên cai nghiện bắt buộc được khám sức khỏe một năm 2 lần từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp. Các học viên sẽ được kiểm tra những bệnh liên quan đến quá trình sử dụng ma túy, ví dụ như hệ hô hấp, hệ tuần hoàn.

Ngoài ra, Cơ sở còn liên hệ với các bệnh viện để tổ chức khám chuyên khoa cho học viên về da liễu, lao. Hàng ngày, nếu học viên có triệu chứng đau ốm thì được đăng ký vào sổ khám, bác sĩ của Cơ sở sẽ xuống tận nơi ở để khám và phát thuốc. Đối với những học viên cần phải điều trị thường xuyên, liên tục sẽ được chuyển xuống khu điều trị của Phòng Y tế để các bác sĩ trực tiếp thăm khám và theo dõi 24/24 giờ.

Học viên cai nghiện bắt buộc và tự nguyện sau thời gian được điều trị cắt cơn, giải độc, các bệnh lý nền khác trong 20 ngày sẽ được trở về các đội để tiếp tục học tập, rèn luyện. Học viên sẽ được tham gia tất cả các hoạt động từ lao động trị liệu, học tập, rèn luyện thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ. Đối với các học viên cai nghiện bắt buộc được hưởng chế độ học nghề miễn phí, thời gian 3 tháng và được cấp chứng chỉ.

Trưởng phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội Vũ Văn Viết cho biết, năm 2023, đơn vị được giao tổ chức dạy nghề cho 130 học viên. Đến thời điểm này, Cơ sở đã tổ chức xong lớp dạy nghề Điện dân dụng; hiện đang triển khai nghề Sửa xe máy và Hàn điện. Trước khi tổ chức dạy 3 nghề này, Cơ sở đã tham khảo thị trường lao động, khảo sát nhu cầu của học viên để bảo đảm sau khi trở về cộng đồng có thể tìm được công việc và sống được với nghề.

Học viên H.Đ.H (sinh năm 1992) đang thực hiện cai nghiện bắt buộc chia sẻ: "Khi mới vào Cơ sở, tôi rất mệt mỏi, chán nản nhưng sau thời gian được các cán bộ điều trị cắt cơn cũng như tham gia lao động trị liệu (làm tóc, làm vỏ điện thoại) đến nay, sức khỏe tôi được cải thiện. Để chuẩn bị cho việc tái hòa nhập cộng đồng, tôi đã đăng ký học nghề Điện dân dụng, với mong muốn sau này sẽ được hỗ trợ tìm việc làm".

Vừa lao động trị liệu và truyền nghề cho học viên

Một trong những yếu tố để góp phần giảm tái nghiện ma túy là người sau cai nghiện phải có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống. Xác định được vấn đề này, Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội đã tổ chức cho các học viên CNMT theo hình thức bắt buộc và tự nguyện đều được lao động trị liệu. Ghi nhận cho thấy, trong Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội có các xưởng sản xuất chính là nơi học viên đang lao động trị liệu 6 tiếng/ngày.

Theo chia sẻ của ông Vũ Văn Viết, đơn vị tổ chức cho học viên lao động trị liệu tại các xưởng cũng là một hình thức truyền nghề. Cơ sở căn cứ vào điều kiện tay nghề của học viên như là lao động phổ thông nên đã chọn những công việc có yếu tố kỹ thuật nhưng đơn giản để thực hiện. Bên cạnh đó, Cơ sở liên kết với các DN để nhận hàng về cho học viên làm như lắp ráp ổ cắm điện, làm tóc giả, gấp túi giấy, hộp giấy… qua đó rèn luyện kỹ năng, tính kỷ luật, giúp họ nhận thấy được giá trị của sức lao động và cải thiện sức khỏe.

Vừa truyền nghề và kiểm tra các học viên CNMT làm các thiết bị điện, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Thiết bị điện Hoa Nam Chung Quang Hùng cho hay: "Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của DN. Vì thế, chúng tôi đã kết hợp với giáo viên dạy nghề cho học viên một cách tỉ mỉ và tuân thủ tác phong lao động. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm bảo đảm, đạt tiêu chuẩn DN đề ra. Hiện nay, chúng tôi có khoảng từ 50 – 70 học viên của Cơ sở gia công các sản phẩm. Ở bên ngoài, chúng tôi cũng có tiếp nhận một số người sau cai nghiện làm việc với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng”.

Nhờ hoạt động dạy nghề, truyền nghề và lao động trị liệu đã giúp cho nhiều học viên cải thiện được sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần, yên tâm cai nghiện. Tuy nhiên, với nhiều học viên trở về cộng đồng rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Vì thế hiện nay, Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội cử cán bộ thường xuyên đi đến các Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy của 4 phường thuộc quận Hoàn Kiếm và 3 phường quận Long Biên để tư vấn những nội dung liên quan. Hàng năm, Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức hội nghị tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi trở về cộng đồng.

Phó Giám đốc Cơ sở CNMT số 6 Hà Nội Đàm Quang Hưng cho biết, hội nghị này rất quan trọng đối với học viên bởi cung cấp thông tin thị trường lao động, những ngành nghề đang cần nhiều người làm. Từ đó, sau khi trở về cộng đồng, các học viên đi đến những sàn giao dịch việc làm gần nơi ở để đăng ký tìm việc làm miễn phí hoặc học nghề.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với nhiều quận, huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm, mở rộng đối tượng và học viên sau cai nghiện ma túy hoàn toàn có cơ hội tìm việc, thu nhập, ổn định cuộc sống.