Lễ hội quy tụ 5 ngôi đền thiêng của các địa phương gồm đền Để Xuyên (xã Đại Thắng), đền Hà Đới (xã Tiên Thanh), đền Canh Sơn, đền Bì (xã Đoàn Lập), Đền Gắm (xã Toàn Thắng) và đình Cựu Đôi (thị trấn Tiên Lãng).
Lễ hội Ngũ Linh Từ là lễ hội được sáng tạo và lưu truyền gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Tiên Lãng cũng như đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương. Lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân mà còn góp phần khơi gợi niềm tự hào dân tộc, đề cao khát vọng, ước mong của người dân được sống trong không gian đất trời hòa hợp, mưa thuận gió hòa, sự phản chiếu sinh động bản sắc và truyền thống văn hóa cộng đồng, biểu tượng của tinh thần đoàn kết của con người Tiên Lãng đã được hun đúc qua nhiều thế hệ.
Với những giá trị to lớn đó, ngày 06/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch ban hành Quyết định số 467/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Ngũ Linh Từ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, nông nghiệp (trong đó nghề trồng lúa nước) luôn đóng vai trò chủ đạo. Lấy nông nghiệp làm cốt lõi đã trở thành tập quán sinh sống, thành tư tưởng, ý thức và tình cảm ngấm sâu trong tiềm thức của người dân Tiên Lãng. Thuở sơ khai, do trình độ sản xuất chưa tiến bộ nên phần lớn các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của dân cư lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Những năm gặp hạn hán, người dân tổ chức nghi lễ cầu đảo và bơi thuyền nhằm cầu mong sự phù trợ của trời đất, thần linh, mang lại nguồn nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Đầu thế kỷ XX, vào những năm hạn hán, nhân dân các xã có đền thiêng thực hiện rước Ngũ Linh Từ lên đình Cựu Đôi hội tế, sau đó lại rước trở lại đền Canh Sơn (xã Đoàn Lập) tổ chức cầu đảo và bơi thuyền trên đầm Bì. Với vị trí nằm cạnh Huyện đường, đình Cựu Đôi được coi là trung tâm quy tụ thần sở tại nên được chọn làm nơi thần linh hội về. Việc rước Ngũ Linh Từ lên đình Cựu Đôi là cách người dân hiệp sức các vị thần để tạo nên sức mạnh, mở rộng không gian lễ hội, đồng thời thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân các xã, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm.
Sau năm 1945, do điều kiện lịch sử, đất nước có chiến tranh, Nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, lễ hội Ngũ Linh Từ không được tổ chức. Năm 2013, kế thừa những nét đẹp truyền thống của quê hương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tiến hành phục dựng lần thứ nhất lễ rước Ngũ Linh Từ với quy mô lớn và phục dựng lần thứ hai năm 2018. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhu cầu sử dụng nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất của người dân được đáp ứng, Lễ hội Ngũ Linh Từ không chỉ có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa mà còn là dịp để các địa phương báo cáo tình hình, thành tích trong thời gian qua, đồng thời thể hiện lòng tri ân, biết ơn sâu sắc của Nhân dân đối với các vị tiền nhân có công với dân, với nước.
Lễ hội Ngũ Linh Từ thường được tổ chức trong khoảng 3 ngày, trong không gian của 5 ngôi đền thiêng và đình Cựu Đôi, trong đó đình Cựu Đôi là trung tâm của phần lễ và đầm Bì với hội đua thuyềnlà trung tâm của phần hội.
Buổi sáng trong ngày đầu tiên của lễ hội, các đền tổ chức nghi thức rước nước về đền để làm lễ mộc dục. Tối hôm đó, tại các đền tổ chức liên hoan văn nghệ với các tiết mục dân ca tạo không khí vui tươi, sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Ngày thứ hai, 5 bản đền tiến hành nghi thức rước kiệu long đình và kiệu bát cống về đình Cựu Đôi làm lễ chính. Trong buổi lễ, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đóng vai trò là chủ lễ cùng 2 vị bồi tế làm lễ dâng hương, đọc chúc văn. Nội dung chúc văn là lời ca ngợi công lao của các bậc tiền nhân với non sông, đất nước, cẩn cáo các vị thần linh về tình hình thời gian qua, cầu mong các thần phù hộ cho dân an, vật thịnh.
Cùng với lễ rước độc đáo, vào ngày hội, tại các đền trong hệ thống Ngũ Linh Từ còn diễn ra các trò chơi dân gian như: bơi thuyền, cầu thùm, chọi gà… cùng các môn thể thao như: kéo co, bóng chuyền, bóng đá… mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Đặc biệt hội thi bơi thuyền cầu đảo tại đầm Bì (xã Đoàn Lập)– là phần hội chính được tổ chức vào ngày thứ 2 và thứ 3 của Lễ hội - hoạt động được đông đảo nhân dân mong chờ, tạo không khí vui tươi, sôi động. Sau khi hội đua thuyền kết thúc, các đình, đền tiến hành lễ tạ, người dân Tiên Lãng phấn khởi quay lại nhịp sống thường ngày: cày cấy, gieo trồng, buôn bán… với niềm tin họ đã được các vị thần phù trợ tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục phát huy truyền thống quê hương.