Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ chức thi tốt nghiệp THPT: quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sát ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia của kỳ thi một lần nữa quán triệt tinh thần đến tất cả cán bộ làm thi và thí sinh, hướng tới tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn và thân thiện.

Tích cực hỗ trợ thí sinh

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Hiện tất cả các cấp, các ngành, địa phương và từng nhân sự được giao nhiệm vụ làm thi đã và đang nỗ lực trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

So với những năm trước, năm 2024, hệ thống văn bản chỉ đạo kỳ thi năm 2024 đều được ban hành sớm hơn. Qua kiểm tra thực tế, các địa phương đã có sự chuẩn bị cho kỳ thi từ sớm, từ xa, như: chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; thành lập Ban Chỉ đạo thi các cấp; kịp thời phân công, làm rõ trách nhiệm từng bộ phận; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; chủ động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là công tác tập huấn và truyền thông đúng, đủ, kịp thời.

“Một trong những việc mà các địa phương, nhà trường đã làm rất tốt, đó là hỗ trợ thí sinh. Không chỉ hỗ trợ các em về ôn tập, củng cố kiến thức để đạt kết quả mong muốn, mà sự chăm lo còn từ những việc nhỏ như thu thập số điện thoại của nhiều người trong gia đình thí sinh để trong trường hợp thí sinh đến muộn sẽ có phương án đưa đón hay nắm bắt từng thí sinh nhà xa để hỗ trợ đưa đón tới điểm thi. Đặc biệt, với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh yếu thế, các địa phương đều có phương án hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần để các em yên tâm tham gia kỳ thi”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Tới thới điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện. Toàn quốc đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ngăn chặn gian lận thi cử

Về công tác phòng chống gian lận thi cử, nhất là thiết bị công nghệ cao, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay: Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Vì vậy, làm tốt công tác phòng chống là trách nhiệm rất nặng nề.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại Hà Nội
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Hà Nội.

Trong nhiều năm qua, việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao đã được Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các cấp coi là một trong những việc quan trọng phải được thực hiện kỹ từ giai đoạn chuẩn bị; trong đó, vai trò phối hợp tích cực của lực lượng công an đã phát huy rất hiệu quả.

Để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ làm thi. Tiếp đó, Công an các tỉnh/thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.

Ban chỉ đạo quốc gia xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính; trong đó, tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người. Cùng với đó là làm tốt công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và  xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm.

Hiện Bộ Công an và công an 63 tỉnh/thành phố đang phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để làm tốt công tác phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Với một kỳ thi trên diện rộng, phức tạp và nhạy cảm như kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương cùng quán triệt quyết liệt tinh thần không lơi là, chủ quan để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, nội dung, nhiệm vụ và đặc biệt là có kịch bản dự phòng, để trong bất kỳ tình huống nào cũng không bị động.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời nhắc lại tinh thần “4 đúng - 3 không” đã được quán triệt từ kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong kỳ thi năm nay. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: không lơi là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra ngày 27- 28/6 với hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Kết quả thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy, học tại các cơ sở giáo dục. Dự kiến, 8 giờ ngày 17/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi.