Toà án kiến nghị phục hồi điều tra vụ Đường “nhuệ” siết nợ doanh nghiệp

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm cũng như kiến nghị của Viện KSND cấp cao, mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với hai bị cáo là vợ chồng Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết (chủ Công ty Lâm Quyết ở TP Thái Bình). Trong vụ án này Đường “Nhuệ” là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Theo đó, kết thúc phiên tòa phúc thẩm vụ “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết diễn ra chiều 11/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ.
 Vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết tại phiên xử phúc thẩm. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Cụ thể, xem xét làm rõ tư cách tố tụng của Nguyễn Xuân Đường (Đường “nhuệ”) và con trai nuôi Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”), cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định Đường và Tiến là nhân chứng không phù hợp mà phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cấp sơ thẩm không xem xét tư cách tham gia tố tụng của Công ty Lâm Quyết cũng là không phù hợp quy định pháp luật.
Theo HĐXX, vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết có vay nhiều khoản tiền của nhiều người. Trong đó, vay của Đường hai khoản đều viết giấy thế chấp xe ô tô, có hợp đồng vay tiền và thỏa thuận gia hạn bằng miệng. Sau đó, bị cáo khai đã trả tiền cho Đường và có viết giấy biên nhận tại công ty nhưng do nhóm Đường chiếm giữ đã làm thất lạc giấy tờ này. HĐXX cho rằng, lời khai của hai bị cáo có sự mâu thuẫn. Bị cáo Lẫm khai trả một lần tại công ty và bị cáo Quyết khai trả làm nhiều lần tại công ty.
Ngoài ra, quá trình điều tra, nội dung trả tiền này còn hết sức sơ sài, cần làm rõ thời gian, không gian, địa điểm trả tiền, trả như thế nào, ai làm chứng, cần phải đối chất giữa vợ chồng bị cáo với vợ chồng bị hại. Bị cáo khai không trốn nợ mà sau khi bị Đường chiếm giữ công ty, dọa giết mới phải bỏ trốn sự truy sát của Đường. Vì vậy, cần điều tra làm rõ hai bị cáo đi đâu, làm gì có phải trốn nợ không.
 Nguyễn Xuân Đường (Đường “nhuệ”) tại phiên xử phúc thẩm. (Ảnh: nguoiduatin.vn)
Cũng theo HĐXX, việc thu giữ xe ô tô Camry được xác định là tài sản bị chiếm đoạt có sự nhầm lẫn. Công an TP Thái Bình kiểm tra xe không biển số ở ngoài đường rồi mang về trụ sở là vi phạm hành chính và không thể xác định đây là tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án. Ngoài ra, việc Công an TP Thái Bình không khám nghiệm hiện trường đã ra kết luận không có dấu hiệu tội phạm là không phù hợp. Tại hiện trường có xáo trộn, có dấu hiệu bị đập phá. Nhiều nhân chứng xác nhận Đường cùng đàn em đuổi hết mọi người, chiếm giữ công ty trong 16 ngày.
Bên cạnh đó, chứng cứ là file ghi âm mà bị cáo giao nộp cho CQĐT thể hiện nội dung cuộc điện thoại Đường đã chiếm giữ, ép bị cáo phải gán doanh nghiệp cho Đường nhưng CQĐT đã không tổ chức đối chất làm rõ các nội dung này.
Việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm không đầy đủ nên tòa phúc thẩm không thể khắc phục được. Tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSND tỉnh Thái Bình để điều tra lại. Đồng thời, kiến nghị VKS và CQĐT Công an tỉnh Thái Bình hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhóm Đường "nhuệ" chiếm giữ doanh nghiệp và phục hồi điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Lâm Quyết.