Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toàn cảnh bão số 10 tàn phá miền Trung, Hà Tĩnh - Quảng Bình thiệt hại nặng nề

Khang Nhi - N.V.Dũng-Võ Linh-Huong Nguyen-D.Tùng-V.Cúc-V.Kích-T.Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 15/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do bão số 10 gây ra tại các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Theo đó, bão số 10 gây mưa to, gió lớn đã khiến ít nhất 5 người chết (trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế - mỗi địa phương có 1 người). 8 người khác hiện đang bị thương, phải điều trị tại các cơ sở y tế.

Thống kê cũng cho thấy, có trên 24.000 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, hư hỏng, tốc mái. Số nhà dân bị ngập cũng lên tới 5.489 nhà (chủ yếu tại Hà Tĩnh: 3.989 nhà; Quảng Bình: 1.500 nhà). Nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng chưa có số liệu thống kê.

Bên cạnh công trình dân sinh, 1 cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị gãy đổ; 1.142 cột điện hạ thế bị đổ, gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng. Tổng số khách hàng bị mất điện là 1.307.000 người, đến nay đã khôi phục cấp điện trở lại cho 165.198 khách hàng (đạt 13%). Bão số 10 cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với đê biển. Cụ thể, sạt đê Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dài 50m, nước tràn vào đồn. Vỡ đê biển Tả Nghèn, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh dài 25m và trôi cống Kho Muối. Sạt lở đê biển Cẩm Hà - Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên dài 2.000m. Đê biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở mái phía đồng 2 đoạn dài 1.800m (xã Hải Hòa: 600m; xã Hải Thịnh: 1.200m). Hiện nay tỉnh đang huy động lực lượng trải bạt gia cố mái phía đồng. Sập hệ thống đóng mở cống Đồng Màu, đê hữu sông Mã, xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn.

 Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 10, từ ngày hôm qua (14/09) đến 16 giờ chiều nay (15/09) ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa 200-300mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Tp.Hà Tĩnh 331mm, Tp. Đồng Hới 334mm, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 356mm, Tp. Đông Hà 335mm,…
Tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 11, giật cấp 15; Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Tân Mỹ (Quảng Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 13; Tp. Đồng Hới (Quảng Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14, Cửa Việt (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Hồi 16 giờ chiều nay, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 15/09, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 06 đến 12 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) chiều và tối nay còn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh (Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3); từ đêm nay gió giảm dần. 

Cảnh báo mưa lớn: Trong đêm nay và ngày mai (16/09), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 50-150mm, có nơi trên 200mm. Riêng các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình từ ngày mai mưa giảm nhanh.

Đồ Sơn, Nam Định sóng đánh vào tận nhà

 Cột sóng ở Đồ Sơn. 

Theo Vietnamnet.vn, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh nói với VietNamNet: Lúc 12h trưa nay, triều cường dâng cao gây ngập cục bộ tại khu vực ven biển. Đầu giờ chiều nay, Đồ Sơn có mưa lớn, gió rít mạnh, tạo nên những cột sóng cao từ 4-5m liên tiếp tấn công vào bờ kè. 

 

Ông Vũ Văn Kỳ, Chánh văn phòng UBND huyện Hải Hậu cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 10, triều cường dâng cao hơn 1m gây ngập cục bộ tại các xã, thị trấn ven biển. Tại thị trấn Thịnh Long và một số xã ven biển đã có mưa, gió. 

 Trụ sở một ngân hàng ở huyện Hải Hậu tại thị trấn Thịnh Long ngập sâu trong nước. Ảnh: Trần Đại

Lũ lên nhanh

Do ảnh hưởng của bão số 10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 24 qua ở khu vực Hà Tĩnh phổ biến từ 100-150mm; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị phổ biến từ 150-200mm.

Thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định bị nhấn chìm trong biển nước

Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đang lên. Mực nước lúc 13h/15/9 trên các sông như sau:

- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 10,0m, dưới báo động (BĐ)1 0,5m; tại Hòa Duyệt: 3,22m, dưới BĐ1;

- Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 5,40m, dưới BĐ1;

- Sông La tại Linh Cảm: 2,83m, dưới mức BĐ1;

- Sông Gianh tại Đồng Tâm 10,0m, dưới BĐ2 0,2m; tại Mai Hóa: 3,65m, trên BĐ1 0,65m;

- Sông Kiến Giang tại Kiến Giang 10,73m, dưới BĐ2 0,27m; tại Lệ Thủy 2,08m, dưới BĐ2 0,12m;

- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 2,17m, dưới BĐ1 0,33m;

Trung tâm cũng dự báo, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị tiếp tục lên. Trong 12h tới, mực nước trên các sông có khả năng như sau:

- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 13,5m, ở mức BĐ3; tại Hòa Duyệt lên mức 8,0m, trên BĐ1 0,5m;

- Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 9,0m, dưới BĐ1 1,0m;

- Sông La tại Linh Cảm: 4,2m, dưới BĐ1 0,3m;
 Bất lực nhìn nước dâng

- Sông Gianh tại Đồng Tâm: 14,0m, trên BĐ2 2,0m; tại Mai Hóa: 6,2m, dưới BĐ3: 0,3m;

- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,4m, dưới BĐ3: 0,3m;

- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 3,5m, dưới BĐ2 0,5m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Đặc biệt là các huyện:

Hà Tĩnh: Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ
 

Quảng Bình: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch

Quảng Trị: Đăkrông, Hướng Hoá, Hải Lăng

Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như: thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị).  Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.

Thừa Thiên-Huế khắc phục bão

Theo báo Thừa Thiên-Huế, trong sáng đến chiều 15/9, Ban chỉ huy quân sự huyện huy động hơn 30 chiến sĩ về giúp dân khắc phục hậu quả ở Lăng Cô. 

 Các chiến sĩ giúp dân khắc phục bão số 10.

Trước đó, khoảng 12h trưa tại huyện Phú Lộc, hai người dân ở thị trấn Lăng Cô đang dọn dẹp nhà thị bị mái hiên sập khiến cả hai bị thương, gãy xương vai và xương chân, đang điều trị bệnh viện Lăng Cô.

 Người dân chung tay vệ sinh đường sá khi cơn bão vừa tan. 

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội thị xã Hương Thủy như vậy khi đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lốc xoáy gây tốc mái gần 500 nhà dân và hàng trăm cây xanh gãy, đổ tại 3 xã Thủy Thanh, Thủy Phương, Thủy Dương ngày 15/9.

 Nước khoét vào đường ở đầm Lập An.

Đến từng nhà hỏi thăm, chia sẻ, động viên người dân có nhà bị tốc mái do lốc xoáy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, tỉnh, thị xã và Trung ương sẽ hỗ trợ người dân bị thiệt hại, nhưng trước mắt chính quyền địa phương cần tích cực giúp đỡ, vận động người dân chủ động mua lại các vật dụng cần thiết để sửa chữa, giằng chống, lợp lại mái nhà, kịp thời trú tránh, bão trong thời gian tới.

 Nhà hàng Việt Long ở đầm Lập An bị nước lũ cuốn trôi.

Các địa phương bị hậu quả lốc xoáy khẩn trương rà soát, nắm kỹ số lượng nhà bị tốc mái, những thiệt hại của người dân để có phương án hỗ trợ kịp thời, với quyết tâm cao nhất không để người dân sống trong cảnh màn trời, chiếu đất.

 Lực lượng chức năng kiểm tra thực địa vùng biển Phú Lộc. 

Cả ngàn người hộ đê trong bão ở Nghệ An

Bão đổ bộ, nước triều cường dâng, sóng biển cao gần 10 mét khiến nhiều đoạn đê biển ở vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị tràn, có nguy cơ vỡ. Cả ngàn người đang hộ đê.

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo hộ đê ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Thành Duy.
 
Tuyến đê chắn sóng qua xã Quỳnh Thọ có chiều dài 2,2 km có nguy cơ bị vỡ. Trong sáng nay, địa phương huy động gần 100 lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và người dân ra kè chắn, bảo vệ đê biển. 
 Nước xoáy khủng khiếp đê ở Quỳnh Long, Quỳnh Lưu. 
 Nước tràn vào nhiều gia đình ở Quỳnh Long. Hiện tại ở nhiều tuyến đê nhân dân Quỳnh Lưu vẫn đang tích cực gia cố bằng bao cát.  

Trước khi bão số 10 đổ bộ, TP Vinh, các huyện ven biển và miền núi của tỉnh Nghệ An đã di dời hơn 4 nghìn hộ với hơn 17.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Đường sắt tạm dừng nhiều đoàn tàu do ảnh hưởng của bão

Do ảnh hưởng của bão số 10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã dừng 2 tàu khách SE3 tại ga Mỹ Đức, tàu SE6 tại Ga Đông Hà; Dừng 5 tàu hàng ASY1 (dừng ở ga Vinh); AH1 (dừng ở ga Thanh Hóa); SH3 (dừng ở ga Phúc Trạch); HH8 (ga Sa Lung); SH4 (dừng ở ga Hiền Sĩ).

 Tài khoản Facebook Quy Hoang Vân chia sẻ khung cảnh tan hoang sau cơn bão ở Đồng Hới (Quảng Bình).
 

Trưa và chiều nay (15/9), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục dừng một số đoàn tàu có lịch trình chạy tàu qua khu vực bão số 10.

- Dừng tàu SE7 dự kiến 12h tại ga Vinh.

- Dừng tàu SE5 dự kiến 15h tại ga Vinh.

- Dừng tàu SE10 dự kiến 12h30 tại ga Huế.

- Dừng tàu SE2 dự kiến 12h30 tại ga Đà Nẵng.

- Dừng tàu SE4 dự kiến 14h tại ga Đà Nẵng.

Việc dừng tàu khiến gần 200 hành khách kẹt ở Đà Nẵng, Quảng Trị. Những khách này được phát đồ ăn, đồ uống miễn phí.

Bạn Hoàng Thủy chia sẻ trên Facebook: "Bão ở trong nhà cũng không yên, nghe tiếng đập mạnh như muốn đi luôn mái nhà. Mái tôn nhà hàng xóm bay qua bay lại như muốn khiêu chiến con người. Ngó ra xem sân nhà mình, mái tôn cũng bay hết rồi".

Quảng Bình: 1 người chết, 6 bị thương

 Do ảnh hưởng của bão số 10 Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mất điện. Ngoài những khu vực cần thiết được dùng máy phát điện, các bác sĩ phải dùng đèn pin của điện thoại để chiếu sáng, làm hồ sơ bệnh án. Ảnh: Bác sĩ Phạm Ngọc Hân. 

Đến thời điểm hiện tại, ở Quảng Bình đã có 1 người chết, 6 người bị thương, 13 ngôi nhà sập hoàn toàn, 49.155 ngôi nhà bị tốc mái, 1.500 nhà bị ngập.

Ghi nhận bão số 10 đổ bộ tại Đồng Hới - Quảng Bình. Clip do CTV Vũ Văn Kích cung cấp

Thanh Hóa: 10 thuyền viên bị mất liên lạc trên biển

Từ ngày 13/9 đến nay, 10 thuyền viên trên tàu cá TH 9366 TS thuộc xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn bị mất liên lạc trên biển.

 
 Gió lớn và sóng bốc cao ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Vùng tâm bão là phía nam Đèo Ngang, nối liền 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

 Ảnh mây vệ tinh chụp lúc 12h30 cho thấy tâm bão đã đi vào đất liền Hà Tĩnh - Quảng Bình. Theo đại diện Trung tâm khí tượng, với cường độ bão cũng như vùng mây bao phủ lớn, bão số 10 tan chậm. Người dân vùng tâm bão không nên ra đường trong chiều nay. Ảnh: NCHMF.
 Khu vực đê đồng muối Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị vỡ với chiều dài khoảng 8m khiến nước từ biển Cửa Sót ồ ạt tràn vào lòng sông. Rất đông người dân hiếu kỳ đến khu vực đê bị vỡ để xem bất chấp gió rất mạnh.

Đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14, Cửa Việt (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 11, giật cấp 15; TP Đồng Hới (Quảng Bình) gió giật cấp 12.

 Sóng đánh cao hơn 10m tại Thiên Cầm, Hà Tĩnh

Theo dự báo, khu vực bão đổ bộ sẽ còn có gió mạnh duy trì trong nhiều giờ nữa, sau đó cường độ gió sẽ giảm dần.

Cột phát sóng Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Kỳ Anh cao gần 100m cũng bị cơn bão quật đổ.
 Cột sóng truyền hình cao khoảng 100m bị đổ sập do bão

Từ Thị xã Kỳ Anh, (Hà Tĩnh) cộng tác viên Thiên Trường cho hay: Cột tháp truyền hình Thị xã Kỳ Anh đã đổ sập từ trưa ngày 15/9 do ảnh hưỡng của cơn bão số 10. Hiện tại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Lê Quang Hùng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục.

 Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Lê Quang Hùng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục.

Đến 16h chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc và 105,6 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Trong khi đó lốc xoáy tại Cửa Hội (Nghệ An) làm nhiều nhà bị giật sập. Ảnh: Phạm Hòa.

Trước đó, bão số 10 gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đã khiến đê ngăn mặn tại Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh bị vỡ.

 Một cổng chào ở Đồng Hới bị sập (ảnh báo Quảng Bình)
 

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến 8 giờ sáng nay (15/9), 4 tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị sóng đánh chìm khi đang trên đường tránh bão số 10.

Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10 m
Không gặp lực cản gì lớn, tốc độ di chuyển nhanh 20-25 km/h, bão Doksuri - cơn bão số 10 ở biển Đông - khi tiệm cận bờ vẫn rất mạnh. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, 6h hôm nay, tâm bão cách đèo Ngang khoảng 140 km, sức gió tối đa khoảng 130 km/h (cấp 12), giật cấp 15.
 Đường đi của siêu bão số 10.
Trong vài giờ tới, bão giữ hướng tây tây bắc, tốc độ 20-25 km/h và khoảng trưa đến chiều nay sẽ đi vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 16h, tâm bão trên đất liền các tỉnh này, sức gió mạnh nhất cấp 11 (100 đến 115 km/giờ), giật cấp 14.
 Hà Tĩnh mưa ngút trời trước giờ bão đổ... Ảnh: Nam Nhi 
Nằm trong dải hội tụ nhiệt đới, cường độ mạnh nên phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng. Ảnh mây vệ tinh cho thấy, đuôi bão đã trùm lên các tỉnh Trung Trung Bộ, gây gió mạnh cấp 8-9 ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn). 6 giờ qua, một số nơi có mưa rất to như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 80 mm; Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) trên 100 mm.

Mưa ngút trời tại Hà Tĩnh. Nguồn: Báo Hà Tĩnh điện tử.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sáng nay gió bão tăng lên cấp 10-11, có nơi đạt cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội (cấp độ rủi ro thiên tai 4). Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10 m, vùng ven bờ 5-6 m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng bão có khả năng cao trên 1 m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2 m.

Thanh Hóa nước biển dâng cao chưa từng thấy. Nguồn: Vietnamnet.vn
Trên đất liền, từ sáng nay các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15. Các khu vực sâu hơn có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.
 Bãi biển Thiên Cầm sáng 15/9
Đến hết đêm nay, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An tiếp tục có mưa rất to (100-300 mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm. Nằm ở rìa cơn bão, Thanh Hóa, nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa 50-150 mm, có nơi trên 200 mm.

Mưa to khiến lũ các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi lên cao. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ.

Gió đang rít, mưa đang quần quật và biển đang gầm gừ dữ dội ở Cửa Sót - Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Nguồn: CTV Huong Nguyen

Trả lời VTV1 sáng 15/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đến 6 giờ hơn 18.700 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn, đạt 100%. Các địa phương đã di dời gần hết số dân ở vùng nguy hiểm, sáng nay tiếp tục sơ tán nốt. Tại 3 tỉnh vùng tâm bão là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình khoảng 40% hồ chứa đã đầy nên phải xả trước khi bão vào.

Clip gió thổi bay người ở Foromosa Hà Tĩnh. Nguồn: Vietnamnet.vn
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines, Doksuri đã vượt qua quần đảo này, vào biển Đông sáng 13/9 với sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8). Là cơn bão trẻ, không gặp cản trở lớn, bão tăng cấp rất nhanh.
Ở Thanh Hóa, bãi neo đậu thuyền bị nước biên cuốn trôi. Ngư dân đã phải kéo tàu thuyền lên đường Hồ Xuân Hương tránh bão.
Tại Nghệ An, chiều 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kiểm tra công tác chống ngập úng và di dân ở thành phố Vinh, chỉ đạo: Các phường, xã tích cực kiểm tra tình hình, chủ động trong công tác phòng chống bão. Từng gia đình, khối phố phải cùng thành phố chống bão nhằm đảm bảo an toàn cho chính gia đình mình.

Mưa bão tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Nguồn: Zing.vn
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chống bệnh chủ quan, lơ là, chung chung trong công tác phòng chống bão. Rút kinh nghiệm các cơn bão trước để phòng chống bão số 10 thật tốt, không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc như những cơn bão trước.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 1 người chết, 1 người mất tích, nhiều nhà dân bị tốc mái

Đến thời điểm sáng 15/9, thông tin từ UBND huyện Phong Điền cho hay, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 trên địa bàn huyện có 1 người chết và 1 người mất tích.

 Tại phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, Huế).

Theo đó, Theo đó, người chết là ông Nguyễn Văn H. (trú ở thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) và người mất tích là cháu Nguyễn Viết S. (3 tuổi, trú thôn Mỹ Đức, xã Điền Lộc).Ông H. bị lũ ở suối dâng lên đột ngột và cuốn trôi khi đang vào rừng cạo mủ cao su sáng 14/9. Gia đình tìm thấy thi thể ông H vào lúc 14g chiều cùng ngày và đã tiến hành an táng. Còn cháu S. được cho là đã bị nước biển cuốn trôi vào ngày 13/9, hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích.

 Tại TP Hà Tĩnh có mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh, nhiều cây cối bị gãy đổ 

Cũng trong chiều 14/9, tại thôn Trung Thành (xã Phong Chương) xuất hiện một cơn lốc xoáy mạnh. Cơn lốc này làm tốc mái nhà của 31 hộ dân từ 30-70%. Hiện lực lượng tại chỗ chỉ mới khắc phục được 13 mái nhà, số còn lại do mưa to kèm gió lớn nên chưa thể làm tiếp.

 Biển Cửa Lò sáng 15/9.

Thừa Thiên - Huế đã triển khai công tác di dời người dân đi tránh bão. Theo đó, tiến hành sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977 nhân khẩu. Đến 19 giờ ngày 14.9, hoàn thành việc sơ tán, di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn. Hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100.000 lít xăng, 100.000 lít dầu diesel và 30.000 lít dầu hỏa cũng đã được dự trữ để đối phó với mưa bão. Hiện 100% tàu thuyền hoạt động trên biển của Thừa Thiên - Huế đã vào bờ tránh trú bão.

 Nhà dân ở Cẩm Nhượng, tỉnh Hà Tĩnh bị hư hỏng do bão.

Lốc xoáy quét qua địa bàn 2 phường Thủy Dương và Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, gây thiệt hại nghiệm trọng. Cơn lốc xảy ra khoảng 20h tối 14/9 kèm theo mưa lớn khiến người dân bất ngờ không kịp xoay sở. Lốc xoáy khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng nhiều tài tài sản có giá trị. Rất may, không có thương vong về người.

Mưa bão đã bắt đầu ảnh hưởng đến địa phận xã Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).

Nguồn: Cộng tác viên Nguyễn Văn Dũng từ xã Kỳ Sơn.

Theo thống kê sơ bộ có hàng trăm cây xanh bị đỗ ngã, nhiều nhất là số lượng cây xanh dọc tuyến đường QL 1A, đoạn qua phường Thủy Dương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông của các phương tiện.

 Cây bật gốc vì gió to tại Hà Tĩnh. ẢNh: CTV Thiên Trường

Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, lãnh đạo thị xã và chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng để giúp người dân khắc phục hậu quả, điều tiết phân luồng giao thông.

Bão số 10 gây mưa to, gió giật mạnh ở Quảng Trị. Nguồn: VOV.vn

Tại Thừa Thiên - Huế, vào hồi 6h57, trời vẫn mưa lớn gây ngập úng một số khu vực thấp trũng trong thành phố và các huyện. Đêm qua, Bão số 10 tiến sát bờ gây ra gió giật mạnh khiến nhiều cây cổ thụ bị bật gốc.

Quảng Ngãi - Hà Tĩnh có mưa 100-300 mm
Từ 4h sáng nay, tại Hà Tĩnh có mưa lớn, gió giật mạnh khiến nhiều khiến nhiều cây bên đường gãy đổ.
 Nhiều ngôi nhà bị thổi tung mái tại thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay đến hết đêm 15/9, ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to (100-300 mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400 mm.
 Ngư dân neo đậu tàu thuyền tại Cửa Sót (Hà Tĩnh)
Từ sáng 15 đến hết ngày 16/09, ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150 mm, có nơi trên 200 mm).

Từ nay đến ngày 17/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

Quảng Trị đối mặt với bão số 10. Nguồn: CTV Võ Linh
Tại Quảng Trị, người dân sử dụng dây, bao cát để chằng chống nhà cửa. Các tàu thuyền đang neo đậu ở bờ, hoặc đánh bắt ở ngoài khơi đều di chuyển, đến neo đậu các khu tránh trú bão. Khu tránh trú bão Nam Cửa Việt (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), có hàng trăm chiếc tàu được buộc dây, neo vào các cọc sắt, chạy thành hàng dài. Ngoài tàu thuyền của ngư dân tỉnh Quảng Trị, tàu ở các tỉnh Nghệ An, Bình Định, Quảng Bình... cũng vào đây trú bão. Đến sáng 14.9, 2.258 chiếc tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn, hiện còn 54 tàu vẫn hoạt động xung quanh đảo Cồn Cỏ và khu vực Vịnh Bắc Bộ.
 Một công trình nhà dân bị đổ sập tại Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đại Dương/Dân Trí)
Quảng Trị đã tổ chúc họp khẩn, và lên kế hoạch sơ tán 139.000 người dân thuộc 141 xã, phường, thị trấn ở ven biển. Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - yêu cầu các địa phương triển khai công tác phòng chống bão lụt ngay từ bây giờ phải hết sức khẩn trương. “Lực lượng công an, lực lượng biên phòng, lực lượng quân sự trực sẵn sàng, rà soát lại tất cả phương tiện để khi bão lũ xảy ra sẽ có cứu hộ cứu nạn kịp thời. Cố gắng không xảy ra thiệt hại về tính mạng của người dân” - ông Nguyễn Đức Chính nói.

Sáng 15/9, tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), trời mưa rất to. Đã có một số nhà dân bị tốc mái. Nhiều diện tích cao su bị gãy đổ.

 Lãnh đạo huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục vận động nhân dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đặc biệt, tại các vùng biển như Cửa Việt, Cửa Tùng có gió giật mạnh. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Trị, trong đêm 14/9, rạng sáng 15/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to và rất to, lượng mưa từ 100-200 mm, một số nơi trên 200 mm. Mực nước các sông đang ở báo động cấp 1.

Hiện tại ở Cửa Việt, có hai tàu vận tải 3.000 tấn đang cập cảng. Theo quy định, tàu lớn không được neo đậu tại đây vào thời điểm này nhưng vì tình thế cấp bách nên các đơn vị liên quan đang tìm cách tháo gỡ.

Quảng Bình mưa mỗi lúc một to hơn, cây cối nhiều nơi bật gốc, gãy đổ; cột đèn đường cũng đổ gục.
Ngày 14/9, Ban Chỉ huy TKCN-PCTT tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện vẫn còn 569 tàu cá với 4.641 lao động vẫn đang hoạt động trên biển. Trước đó, đã kêu gọi gần 4.000 tàu thuyền của toàn địa bàn vào các khu neo đậu trú tránh bão an toàn.

Huỷ nhiều chuyến bay vì bão số 10

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10 (có tên quốc tế là Doksuri) tại các khu vực Trung bộ và Bắc Trung bộ, ngày 15.9, Vietnam Airlines không khai thác 13 chuyến bay trên các đường bay giữa Hà Nội/TPHCM - Huế/Đà Nẵng (VN105,110,112,113,117,122,125,140,160,161,163,170,187; 2 chuyến bay giữa Đà Nẵng và Đà Lạt (VN1954/55). Ngoài ra, một số chuyến bay nội địa của hãng cũng sẽ bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền. Tương tự, Jetstar Pacific thông báo trong ngày 15.9, có 12 chuyến bay ngừng khai thác bao gồm BL482 / BL483 / BL582 / BL583 / BL233 / BL232 / BL520 / BL521 / BL350 / BL351 / BL431 / BL430, giữa TPHCM - Thanh Hóa / Huế / Vinh / Đồng Hới và giữa Huế - Đà Lạt, Đồng Hới - Chiang Mai.
Hà Nội: Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ ứng phó với bão số 10
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, khi xảy ra mưa lũ, thiệt hại là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các đơn vị sở ngành, các địa phương cần cố gắng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do bão số 10 có thể gây ra cho Hà Nội.

Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành; Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội; Công ty TNHH Một thành viên Cây xanh Hà Nội; các Công ty Thủy lợi: Sông Nhuệ, Hà Nội, Mê Linh, Sông Đáy và Sông Tích; Tổng Công ty Điện lực thành phố… theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10 và tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công).

Nhằm phòng tránh tình trạng ngập úng tại Hà Nội trong những ngày bão số 10 đổ bộ vào đất liền, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lên kế hoạch và sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với cơn bão. Đơn vị này cho biết, vào thời điểm 17h ngày 13/9, mực nước tại các hồ điều hòa ở mức ổn định, cụ thể Yên Sở 2.01, Linh Đàm 2.41, Hồ Tây 5.94, Trúc Bạch 6.02, Bảy Mẫu 3.86, Giảng Võ 3.73, Đống Đa 3.54... Các cửa đập điều tiết như Thanh Liệt, hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu... được kiểm tra đảm bảo vận hành trơn tru, các cửa phai hồ điều hòa đã được mở 100% để đưa nước vào hồ khi có mưa.

Các kho vật tư dự phòng phòng chống thiên tai tại cụm công trình đầu mối Yên Sở và Bắc Thăng long Vân trì được kiểm tra, sẵn sàng sử dụng khi cần huy động. Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng 20.000 bao tải cát, 10.000 m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng, 15 động cơ... sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Toàn thể công ty chuyển sang chế độ trực ban 24/24h kể từ 10h30 ngày 13/9. Công ty bố trí 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ/công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới đảm bảo sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước khi có mưa lớn tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu của BCH phòng chống thiên tai Thành phố. Các xe bơm di động, xe hút, téc đã sẵn sàng khi có mưa di chuyển đến các điểm ứng trực.

Các đơn vị cũng rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công. Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước. Đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương. Tổ chức thu dọn tấm chắn, vật cản trên các ga thu...

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô, CATP Hà Nội cũng chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, giữ gìn trật tự trị an khi có tình huống xảy ra trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Giao thông vận tải phân luồng giao thông khi có tình huống úng, ngập xảy ra, đặc biệt là khu vực nội thành. Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố theo quy định.

Trước tình hình diễn biến thời tiết, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các Xí nghiệp, Đội trực thuộc thực hiện kiểm tra, dỡ bỏ các vật cản, công trình đang thi công làm ảnh hưởng đến dòng chảy, các cửa cống trên các sông, mương tiêu để tăng cường khả năng tiêu thoát nước như các công trình cống hóa trên mương Thụy Khuê, Ngọc Hà, Vĩnh Tuy, Tây Sơn, Ngọc Khánh... Thu dọn toàn bộ các tấm chắn, vật cản trên các ga thu. Bơm hạ mực nước theo quy định.

Phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương cho biết, Công ty đã sử dụng thiết bị cơ giới nạo vét các điểm ách tắc trên hệ thống, với 18 điểm có nguy cơ úng ngập, hệ thống đã được kiểm soát, các miệng ga thu, hàm ếch, cống ngang, cống ngầm đã được nạo vét, đảm bảo khả năng tiêu thoát, thu nước của hệ thống tốt nhất...

Ông Sương cho biết thêm, đến thời điểm 7 giờ ngày 15/9, trên địa bàn TP chưa xuất hiện mưa, hệ thống thoát nước vận hành an toàn. Mực nước trên hệ thống đã được kiểm soát. 100% lực lượng với hơn 2.000 cán bộ-công nhân viên Công ty vẫn đang thực hiện ứng trực. 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới sẵn sàng phục vụ giải thoát nước tại các vị trí được phân công theo phương án thoát nước mùa mưa và phòng chống thiên tai năm 2017.

Bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng mở cửa điều tiết A, B tăng cường khi mực nước trên kênh bao cao, tăng khả năng đưa nước vào hồ điều hòa Yên Sở. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, II…sẵn sàng vận hành hết công suất để hạ mực nước trên hệ thống, chủ động đối phó với diễn biến của mưa bão.
Hải quân vượt sóng to, gió lớn cứu 12 ngư dân gặp nạn trước bão số 10

Thông tin trên trang Zing.vn, khuya 14/9, tàu Hải quân 360 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã đưa 12 ngư dân Quảng Ngãi về đến Đà Nẵng an toàn.

 Các ngư dân đã về đến Vùng 3 an toàn.

Cùng ngày, khi đang chạy vào đất liền tránh bão thì 2 tàu cá QNg 98687 và QNg 94628 cùng 9 ngư dân (đều là ngư dân thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị nạn, trôi dạt trên biển.

Lúc này, nước tràn vào tàu, lương thực bị cuốn trôi, ngư dân rơi vào tình thế nguy hiểm. Không thể khắc phục sự cố hỏng tàu, các ngư dân phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp.

Nhận được tin báo, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 3 hải quân phối hợp với lực lượng Kiểm ngư kêu gọi các tàu cá trong khu vực đến ứng cứu. Sau đó, lãnh đạo Vùng 3 đã lệnh cho cán bộ, chiến sĩ thuộc tàu Hải quân 360 lên đường cứu hộ.

Thông qua hệ thống định vị, các chiến sĩ đã xác định được vị trí tàu gặp nạn. Khi đến hiện trường, sóng lớn và mưa to nên chỉ huy tàu Hải quân 360 quyết định bỏ lại tàu cá để cứu người.

Trên đường vào đất liền, tàu Hải quân gặp tàu cá Qng 44011 cùng 3 thuyền viên cũng gặp nạn. Tàu cá này cũng bị hỏng máy, trôi dạt tự do trên biển. Sau khi đưa các ngư dân lên tàu, các chiến sĩ Hải quân đã chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các thuyền viên.

Do ảnh hưởng của bão nên ngoài khơi gió giật cấp 8 - cấp 9, sóng cao hơn 4 m nên phải mất gần 10 giờ, tàu Hải quân mới đưa các thuyền viên về đến đất liền. Dự kiến, ngày mai các ngư dân sẽ hoàn tất thủ tục giấy tờ để trở về quê hương Quảng Ngãi.

 

Tại Quảng Ninh, khoảng 9h sáng, tàu xi măng lưới thép của ông Hà Văn Quân (SN 1979, trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) bị chìm khi đang neo đậu. Trên tàu có 7 người sau đó đều được lực lượng cứu nạn kịp thời ứng cứu đưa vào bờ an toàn. Trên tàu cũng có nhiều máy tàu đang sửa chữa, máy phát điện... chìm cùng tàu, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Trong sáng nay, một tàu du lịch trên đường âu tàu tránh trú qua khu vực cảng Cái Lân (Hạ Long, Quảng Ninh) bị chìm, trên tàu có ba thuyền viên. Ba người này cũng được lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa vào bờ an toàn.