Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toàn cảnh cuộc giải cứu bất hủ tại Chile

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử đã kết thúc có hậu, khi tất cả trở về an toàn để lại bài học về lòng quyết tâm và giá trị của tình đoàn kết.

KTĐT - Cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử đã kết thúc có hậu, khi tất cả trở về an toàn để lại bài học về lòng quyết tâm và giá trị của tình đoàn kết.
Sự kiện 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt dưới độ sâu gần 700 mét trong hơn hai tháng đã khiến cả thế giới quan tâm vì ý chí và lòng tin của họ.

Cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử đã kết thúc có hậu, khi tất cả trở về an toàn để lại bài học về lòng quyết tâm và giá trị của tình đoàn kết.

Lúc 14h địa phương ngày 5/8, đường hầm chính dẫn vào khu mỏ vàng và đồng San Jose ở miền bắc Chile sụp xuống, khiến 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu gần 700 mét. Tổng thống Chile Sebastian Pinera khi đó tuyên bố nước này sẽ tìm mọi cách để cứu các thợ mỏ. Nhưng Bộ hầm mỏ nước này cho rằng khả năng tìm thấy các công nhân còn sống là rất thấp vì các mũi khoan thám sát đều không có kết quả.

Thân nhân những thợ mỏ và đất nước Chile không từ bỏ hy vọng, nhưng sau nhiều ngày mất liên lạc họ đã tính đến khả năng xấu nhất là không có ai sống sót. Nhưng đúng lúc tuyệt vọng nhất, ngày 22/8, một máy khoan đã đưa được ống dò xuống độ sâu 688 mét, nơi các thợ mỏ trú ẩn và họ đã viết một mảnh giấy gửi lên mặt đất để thông báo rằng "Chúng tôi 33 người vẫn ổn trong khu trú ẩn".
 
Toàn cảnh cuộc giải cứu bất hủ tại Chile - Ảnh 1
Tổng thống Chile Sebastian Pinera đón mừng trưởng nhóm thợ mỏ Luis Urzua,
thủ lĩnh và cũng là người cuối cùng được giải cứu. Ảnh: AFP
 
Chiến dịch giải cứu lịch sử

Sau 17 ngày mất liên lạc, lực lượng cứu hộ đã kết nối được với những thợ mỏ mắc kẹt từ ngày 22/8. Ngay ngày hôm sau, cuộc giải cứu các thợ mỏ với quy mô lớn bắt đầu. Cùng lúc đó, mặt đất cũng thiết lập đường tiếp tế cho các thợ mỏ thông qua chiếc ống nhỏ của lỗ khoan thăm dò.

Hàng tiếp tế được gói gọn cho vừa đường ống có tên Pigeon (Chim câu) đã đến kịp lúc nhóm thợ mỏ gần kiệt sức vì không còn đồ ăn để duy trì sự sống. Trong số hàng tiếp tế có thực phẩm đặc biệt dành cho các nhà du hành vũ trụ, các loại thuốc men gồm thuốc chống mất nước và cả những chiếc máy quay video.

Nhờ đó tới ngày 26/8, truyền hình quốc gia Chile đã nhận được và phát hình ảnh đầu tiên về các thợ mỏ do họ tự ghi lại và gửi lên mặt đất bằng đường ống tiếp tế. Ba ngày sau, các thợ mỏ bắt đầu được nói chuyện với thân nhân trên mặt đất thông qua hệ thống điện thoại vô tuyến.

Khi đường liên lạc và tiếp tế giữa mặt đất và các thợ mỏ được thiết lập, hy vọng được cứu sống của họ đã thực sự mở ra. Tuy nhiên, những người sống sót phải đối mặt với khoảng thời gian có thể kéo dài tới 4 tháng dưới "hầm mộ", do việc khoan đường hầm giải cứu vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, sự sống sót thần kỳ của các thợ mỏ đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên khắp thế giới. Các phóng viên bắt đầu đổ về khu mỏ San Jose nằm ở vùng sa mạc hẻo lánh của Chile. Những hình ảnh về những thợ mỏ Chile xuất hiện đều đặn và dày đặc trên các bản tin thời sự.

Chính phủ Chile thì tỏ rõ quyết tâm cứu các thợ mỏ mắc kẹt bằng mọi giá và họ sử dụng những thiết bị hiện đại nhất vào chiến dịch. Trong số đó, công việc quan trọng nhất là khoan một đường hầm thẳng xuống nơi các thợ mỏ đang trú ẩn nằm dưới độ sâu gần 700 mét.
 
Toàn cảnh cuộc giải cứu bất hủ tại Chile - Ảnh 2
33 thợ mỏ chụp ảnh với tổng thống Chile trong bệnh viện sau khi được giải cứu.
Cuộc sống của họ đã hoàn toàn đổi khác sau khi trở thành tâm điểm của cả thế giới.
Ảnh: AFP

Việc khoan đường hầm cứu hộ đầu tiên được thực hiện từ ngày 30/8, sau đó lần lượt có thêm hai mũi khoan khác cùng hoạt động. Đến ngày 20/9, cả 3 mũi khoan cùng vận hành hướng tới các thợ mỏ ở những vị trí khác nhau để đảm bảo đúng tiến độ. Khoảng 350 nhân viên cứu hộ, bác sĩ và lực lượng an ninh túc trực tại hiện trường khu mỏ San Jose. Trong khi hàng trăm thân nhân của các thợ mỏ cũng hạ trại ngay cạnh để chờ tin và khu này được họ gọi là Camp Hope (Trại hy vọng).

Chiến dịch giải cứu đi đến cột mốc quan trọng vào ngày 25/9, khi chiếc lồng cứu hộ đặc biệt mang tên Phoenix (Phượng hoàng), nặng 420 kg được các chuyên gia Chile chế tạo với sự trợ giúp của NASA, được đưa tới hiện trường. Đây là thiết bị đặc biệt sẽ được thả xuống đường hầm cứu hộ và đưa từng người lên mặt đất. Do đó cuộc giải cứu 33 thợ mỏ bắt đầu bước vào giai đoạn quan trọng nhất.

Sau nhiều ngày làm việc không nghỉ, cuối cùng mũi khoan có đường kính đủ rộng một người chui lọt mang tên Drill B đã tới đích trước, khi chạm tới hầm trú ẩn của các thợ mỏ vào ngày 9/10. Cả đất nước Chile vui sướng vì việc giải cứu các thợ mỏ chỉ còn được tính bằng giờ, nhanh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

Khi đó, công việc quan trọng nhất để tiến đến thời khắc bắt đầu đưa các thợ mỏ lên mặt đất là việc gia cố những đoạn hầm cứu hộ không ổn định bằng ống thép và lắp đặt lồng cứu hộ Phượng hoàng vào vị trí. Tới ngày 11/10, các công việc này hoàn tất và các thợ mỏ đã sẵn sàng được đưa lên mặt đất trong sự hồi hộp của không chỉ người dân Chile.

Đêm 12/10 giờ Chile (sáng 13/10 giờ Hà Nội), tất cả các hãng truyền thông lớn thế giới đều truyền trực tiếp cuộc giải cứu thợ mỏ và cả thế giới đã xúc động khi chứng kiến giây phút thợ mỏ đầu tiên trong số 33 người mắc kẹt là Florencio Avalos được kéo lên mặt đất an toàn bằng lồng cứu hộ Phượng hoàng.

Các thợ mỏ sau đó lần lượt được đưa lên mặt đất từng người một trong sự đón chào của những người có mặt tại chỗ, bao gồm Tổng thống Sebastian Pinera, và của người dân trên khắp đất nước Chile. Dự kiến ban đầu cuộc giải cứu kéo dài trong 48 giờ, nhưng chỉ mất 22 giờ toàn bộ 33 thợ mỏ cùng 6 nhân viên cứu hộ được gửi xuống hầm đã trở về mặt đất tuyệt đối an toàn. Tổng thống Pinera đặt chiếc nắp đậy bằng sắt lên miệng hầm cứu hộ vào sáng 14/10, đánh dấu chấm dứt chiến dịch cứu hộ hầm mỏ chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Kể từ khi bị mắc kẹt đến khi bắt đầu được giải cứu đêm 12/10, các thợ mỏ Chile đã sống sót 69 ngày dưới lòng đất, lâu hơn bất cứ sự kiện tương tự nào trong lịch sử thế giới. Cũng chưa bao giờ một cuộc cứu hộ lại nhận được sự quan tâm lớn và kéo dài như vậy của giới truyền thông quốc tế. Sự kiện này trở thành niềm tự hào của Chile và là tác nhân đặc biệt thúc đẩy sự đoàn kết của người dân nước này.
 
Toàn cảnh cuộc giải cứu bất hủ tại Chile - Ảnh 3
Ba mũi khoan hiện đại cùng tham gia cứu hộ, trong đó mũi khoan B mang tên
Schramm T130 đã tới đích và cuộc giải cứu diễn ra từ vị trí này. Ảnh: BBC
 
Điều kiện sống trong ‘hầm mộ’

Mỏ đồng và vàng San Jose có đường hầm chính hình xoắn ốc chạy xuống độ sâu 720 mét dưới lòng đất, trong đó nơi 33 thợ mỏ mắc kẹt sâu gần 700 mét. Các bác sĩ mô tả điều kiện sống của các thợ mỏ là cực kỳ khắc nghiệt do nhiệt độ và độ ẩm lớn. Nhiệt độ trong hầm luôn trên 32 độ C và độ ẩm từ 92 đến 93%, khiến cơ thể thợ mỏ bị mất nước rất nhanh. Kỳ tích của các thợ mỏ là họ đã sống sót qua 17 ngày mất liên lạc đầu tiên với khẩu phần ăn là bánh, sữa và cá hộp mang theo vốn chỉ đủ cho 48 tiếng.

Để giữ được bình tĩnh và nuôi niềm hy vọng, trưởng nhóm thợ mỏ Luis Urzua, 54 tuổi, người sau này được giải cứu cuối cùng, đã đóng vai trò xuất sắc trong việc dẫn dắt mọi người. Chính ông đã khiến cả nhóm dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn vẫn đoàn kết thành một khối, chia lượng thức ăn đủ để cầm cự hơn nửa tháng cho đến khi được mặt đất tiếp tế.

Mặc dù lối ra vào đường hầm bị sập ở nhiều đoạn, các thợ mỏ mắc kẹt vẫn còn khoảng không gian trong hầm dài khoảng 800 mét. Do đó họ đã chọn một điểm làm hầm trú ẩn chung và tổ chức nơi vệ sinh cá nhân ở một đoạn khác của hầm. Thậm chí họ vẫn còn không gian để chạy bộ tập thể dục hàng ngày chờ đến ngày được giải cứu.

Hơn nữa, khu mỏ San Jose bị sập là nơi khai thác vàng và đồng nên lượng khí độc không đậm đặc như mỏ than. Bên cạnh đó sự thông khí tự nhiên đã giúp các thợ mỏ có đủ dưỡng khí để tồn tại được trước khi được mặt đất phát hiện và bơm thêm dưỡng khí. Sau khi được tìm thấy, họ đã được tiếp tế thực phẩm, thuốc men và cả những ống đèn phát sáng đặc biệt qua lỗ hầm nhỏ. Những chiếc đèn này cũng được bật vào thời gian ban ngày và tắt đi vào ban đêm để các thợ mỏ duy trì nhịp sinh học bình thường.

Về đời sống tinh thần, ngoài việc được các chuyên gia hàng đầu tư vấn, các thợ mỏ mắc kẹt còn được lực lượng cứu hộ chuyển xuống máy nghe nhạc, đĩa phim, trò chơi giải trí, màn hình nhỏ để theo dõi tin tức và thể thao, cùng các loại báo chí. Do đó một số người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt trong nhóm đã không bỏ lỡ trận đấu giữa tuyển Chile và Ukraine.

Từ những người thợ mỏ bình thường, vụ sập hầm đã biến 33 thợ mỏ trở thành tâm điểm của cả thế giới. Hàng trăm nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về khu mỏ San Jose để cập nhật tiến độ cứu hộ và tới ngày giải cứu con số phóng viên đã lên tới khoảng 1.000 người. Hình ảnh các thợ mỏ mắc kẹt và tên đất nước Chile đã xuất hiện dày đặc trên tất cả các hãng truyền thông lớn nhỏ của thế giới. Mối quan tâm của công chúng tới các thợ mỏ chắc chắn sẽ còn kéo dài sau khi họ trải qua cuộc giải cứu đầy cảm xúc.
 
Toàn cảnh cuộc giải cứu bất hủ tại Chile - Ảnh 4
Người dân trên khắp Chile đổ ra đường ăn mừng sau khi các thợ mỏ được giải cứu. Ảnh: AFP
 
Tinh hoa thiết bị cứu hộ

Theo lời Tổng thống Chile Sebastian Pinera, chiến dịch cứu hộ các thợ mỏ Chile có chi phí khoảng 20 triệu USD. Nhưng ông nhấn mạnh việc giải cứu "đáng đồng tiền bát gạo" khi mọi chi phi bỏ ra đều xứng đáng và sử dụng hiệu quả. Hơn nữa không chỉ riêng chính phủ gánh chịu chi phí này, vì công ty khai mỏ San Esteban Primera quản lý khu mỏ San Jose cũng sẽ bị trừng phạt và phải chia sẻ khoản tiền cứu hộ.

Chi phí nhiều triệu USD cho cuộc giải cứu phần lớn do chính phủ Chile thể hiện quyết tâm cứu các thợ mỏ bằng cách huy động những thiết bị hiện đại nhất trên thế giới vào cuộc. Trong đó thiết bị đóng vai trò quan trọng nhất là các máy khoan tối tân đến từ nước Mỹ có tốc độ làm việc nhanh nhất hiện nay, như Schramm T130 của nhà chế tạo Schramm Inc có trụ sở tại bang Pennsylvania.

Ngoài ra, các thiết bị phụ trợ nhưng không thể thiếu trong cuộc giải cứu cũng được huy động với chất lượng tốt nhất. Chiếc lồng cứu hộ mang tên Phoenix (Phượng hoàng) được các kỹ sư Chile nghiên cứu chế tạo với sự trợ giúp của Cơ quan không gian Mỹ (NASA), nơi cho ra đời những khoang đổ bộ của những phi hành gia vũ trụ. Các chuyên gia NASA cũng được Chile mời tới để tư vấn tâm lý cho 33 thợ mỏ sống dưới lòng đất.

Loại dây cáp sử dụng để đưa lồng cứu hộ Phượng hoàng xuống hầm và chuyển thợ mỏ lên mặt đất do một nhà sản xuất của Đức cung cấp. Còn các thiết bị video và liên lạc kết nối thợ mỏ với trung tâm cứu hộ được mua từ Nhật Bản.

Trong khi đó, nhà chế tạo kính mắt nổi tiếng Oakley cũng góp mặt khi tặng 35 cặp kích râm có trị giá khoảng 200 USD mỗi chiếc để bảo vệ mắt thợ mỏ khi được đưa lên mặt đất. Theo hãng phân tích Front Row Analytic của Mỹ, với việc các thợ mỏ đeo loại kính này khi xuất hiện trên truyền hình khắp thế giới, hãng Oakley đã được hưởng lợi giá trị quảng cáo tương đương tới 41 triệu USD.
 
Toàn cảnh cuộc giải cứu bất hủ tại Chile - Ảnh 5
Lồng cứu hộ Phượng hoàng giải cứu các thợ mỏ. Ảnh: AFP