Toàn cảnh Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” bắt đầu vào 7h30 sáng 27/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 1, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố; các vị đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học; đặc biệt là hơn 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn - Phó Bí thư Thành ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Tham dự Hội nghị còn có 1.850 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương và TP Hà Nội; lãnh đạo 25 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các quận, huyện của TP, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô; 29 đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, 8 tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế; cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem thiết kế mô phỏng Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP Hà Nội đến năm 2030 bên lề Hội nghị.
Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” khẳng định, Hà Nội là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, thể hiện việc Hà Nội tiếp tục quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch trong năm 2020.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, về mặt kinh tế, mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,5% dân số nhưng Hà Nội là một động lực phát triển hàng đầu của vùng đồng bằng Sông Hồng cũng như cả nước. Hà Nội hiện đóng góp 16,7% GDP và gần 19% thu ngân sách của cả nước. Trong giai đoạn 2016-2019, kinh tế Thủ đô có mức tăng trưởng cao với bình quân 7,3-7,5%/năm; quy mô GRDP hiện nay đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD (bằng 1,8 lần so với bình quân cả nước).
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô. Theo đó, giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 3,39% - là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của IMF. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng cho biết, việc TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” là nhằm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 5/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đồng thời, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường liên kết kinh tế giữa các tỉnh, TP với Thủ đô Hà Nội để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch Civid-19 để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các năm tiếp theo; thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII.
Các đại biểu dự Hội nghị

Ngoài ra, hội nghị cũng là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền TP Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, TP tham dự với các nhà đầu tư, DN cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối đưa nhà đầu tư, DN đến với TP nói riêng và Việt Nam nói chung.

“Việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của T.Ư về thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khẳng định, Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, qua hội nghị, TP Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020. Đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2020. Cụ thể, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, sáng tạo, là nơi đáng sống

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, được sự đồng ý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Đây là một trong các nội dung công việc quan trọng nhất, trong nhiều nội dung, mà TP Hà Nội đã triển khai, nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, do tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là một trong chuỗi, các sự kiện, hoạt động của TP, để lập thành tích chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô đã thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch”. Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung báo cáo kết quả thu hút đầu tư

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhắc lại, vào tối ngày 6/3/2020, tại phố Trúc Bạch, Ba Đình, là nơi xảy ra ổ dịch, ca nhiễm đầu tiên trên cả nước, ở giai đoạn 2. Sau đó, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều ổ dịch. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp sát sao, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành của Trung ương; sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, TP trong cả nước, của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước.

Với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, có nhiều biện pháp đồng bộ, sáng tạo, nên toàn TP chỉ có 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng; 47 ca lây nhiễm được phát hiện cách ly ngay tại sân bay. Các ca nhiễm đều đã được chữa khỏi. Đến ngày hôm nay, đã qua 72 ngày, chưa có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Mọi hoạt động của xã hội đang dần trở lại, trạng thái bình thường mới.

Song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được TP đặc biệt quan tâm. Mọi nội dung công tác nêu trên, đều dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Thành ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân TP.

Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đến tận nhà cho hơn 560.000 người cho cả 2 tháng (4 và 5) đã xong trước ngày 10/5/2020; chi trả hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, người tàn tật, người già,… đã được thực hiện xong từ ngày 02/5/2020, với số kinh phí 474,2 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho, số lao động tự do, người dân gặp khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch với kinh phí 495,6 tỷ đồng.

HĐND TP đã kịp thời ban hành 5 nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn TP. Cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân đã đóng góp 170 tỷ đồng, trên 700 tấn gạo và nhiều nông sản, thực phẩm để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch và các gia đình chính sách, người dân gặp khó khăn. Đã bổ sung nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP 1.020 tỷ đồng để cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay với mức lãi suất 0%, để phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch.

Đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước. Đồng thời, triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngay trong bối cảnh từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển. TP Hà Nội luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.

Từ ngày 01/01/2020 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính, giấy phép con. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến ngày 30/6/2020 đạt 100%. Phấn đấu đến ngày 30/9/2020, 100% doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng hóa đơn điện tử. Đã đưa 249/249 (đạt 100%) dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số PCI hai năm liên tiếp (2018, 2019) đứng thứ 9. Chỉ số gia nhập thị trường tăng 53 bậc so với năm 2015. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số về đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số; xây dựng TP hướng tới là Thành phố thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt. Thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động,…

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh giải ngân trong đầu tư công. Cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên. Phấn đấu hết năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên của TP xuống dưới 50%. Giảm tỷ lệ nợ công của Thành phố dưới 14%. Tăng quỹ cải cách tiền lương lên trên 38%. Tăng quỹ dự trữ tài chính lên trên 19%.

Quang cảnh hội nghị

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, TP đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành T.Ư tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/2020); 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2020) và nhiều sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn TP. Là thành phố đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành, thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - Một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều đổi mới và tiến bộ. Phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực và thế giới. Tỷ lệ bảo hiểm y tế hiện đã bao phủ trên 88,5% dân số, phấn đấu đạt 90% vào cuối năm 2020.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân Thủ đô được nâng cao. Các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Hoàn thành chương trình xây nhà ở cho người có công và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện toàn Thành phố còn 0,42%, hoàn thành sớm 2 năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, theo chuẩn nghèo, đa chiều của Trung ương.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,2% năm 2020; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, GRDP tăng 7,39. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1,74 triệu tỷ đồng, bằng 38,6% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách lũy kế đạt trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,4% năm 2015 xuống khoảng 36,7% năm 2019) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài (lần lượt đóng góp 50,6% và 12,7%).

Từ năm 2016 đến nay, TP đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn FDI. Năm 2018, 2019, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 875 dự án trong nước đạt 812,5 nghìn tỷ đồng;

Tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tư nhân phát triển, dần trở thành một động lực quan trọng. Hiện nay, lĩnh vực này đã đóng góp trên 39% trong GRDP, giải quyết 83% tổng số lao động xã hội. Có 112.000 doanh nghiệp được thành lập mới từ năm 2016 đến nay, chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 1989, với số vốn điều lệ là 1,4 triệu tỷ đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, GRDP tăng trưởng đạt 3,39%. Có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175.000 tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI đạt 4 tỷ USD. Thu ngân sách 6 tháng ước xấp xỉ đạt 50% dự toán.

Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc. Đến nay, đã có 10 huyện và 358 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 93%, hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước.

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, xanh và sạch hơn. Các tuyến đường giao thông kết nối; các tuyến đường vành đai; trục đường hướng tâm; một số tuyến đường sắt đô thị; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông được tập trung đầu tư. Tập trung chuẩn bị các điều kiện để thành lập các quận mới: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng. Nhiều khu đô thị mới, khu đô thị thông minh, vùng đô thị mở rộng ra khu vực phía bắc sông Hồng; triển khai và hoàn thành 4,6/6,2 triệu m2 nhà ở xã hội theo kế hoạch Trung ương giao; các khu nhà ở đã và đang xây dựng theo hướng đồng bộ, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô.

Các nguồn lực được tập trung để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân như: Hoàn thành chương trình trồng mới 1,6 triệu cây xanh đô thị; đầu tư cấp nước sạch cho người dân khu vực ngoại thành đến nay đạt 78%, hướng tới mục tiêu 100% vào cuối năm 2020; một số công viên - khu vui chơi giải trí được xây dựng mới; triển khai các dự án xử lý rác thải, nước thải theo công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường đang được triển khai quyết liệt;...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các lãnh đạo TP Hà Nội.

TP đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mở rộng không gian liên kết kinh tế vùng, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Đến nay, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 58/62 các tỉnh, TP trên cả nước nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: giao thông, du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư, văn hóa, xã hội,… Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển tiếp tục được mở rộng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt, công tác an ninh - quốc phòng được đặc biệt quan tâm. Các lực lượng chuyên môn đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các vị trí, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa. Đây chính là điểm sáng của Thủ đô, để tiếp tục giữ vững danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Công tác giám sát của Hội đồng nhân dân TP có nhiều điểm mới, được triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đô thị. Ban hành được nhiều cơ chế chính sách phù hợp, nên đã có tác động lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Từ các giải pháp, biện pháp đồng bộ nêu trên, đã giúp cho kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của Thủ đô, trong những năm qua và trong thời gian tới, phát triển đúng hướng, tương đối toàn diện và bền vững.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, những kết quả đạt được của TP, có dấu ấn của sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt những năm vừa qua; sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô và Nhân dân cả nước. Sự đồng hành này, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với TP. Đồng hành cùng TP quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”. Phấn đấu năm 2020, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần mức trung bình của cả nước; và thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao là 285.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông báo: TP sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó: 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.

Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8ha; 800.000m2 nhà ở xã hội; 3 khu đô thị; Du lịch - dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa - xã hội; Tài chính - Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông;…

229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (Những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong quý III/2020); nhóm 107 dự án đầu tư công của TP đang được 5 Ban quản lý dự án TP và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết quý III khởi công toàn bộ số các dự án đầu tư công của của TP. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án.

Đồng thời cũng tại Hội nghị này, TP cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).

Hướng tới mục tiêu, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thành phố thông minh, TP sáng tạo, là nơi đáng sống, phát triển năng động, có sức cạnh tranh cao; tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Hội nghị, Chủ tịch giới thiệu danh mục 282 dự án TP mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.

Hà Nội - nơi tiên phong, đi đầu trong sự thành công chống dịch, phát triển kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PT NT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ rất mừng với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, chúng ta đã có kết quả rất ấn tượng trong việc chống dịch Covid và tiến tới phát triển kinh tế thận trọng, bền vững. TP Hà Nội là một nơi tiên phong đi đầu trong sự thành công này.

TP Hà Nội được Chính phủ chọn là nơi đầu tiên tái khởi động nền kinh tế, quyết định tăng trưởng 1,3% so với các tỉnh thành, không chỉ góp cho vào kinh tế của Hà Nội mà còn lan toả tới cả nước vì GDP Hà Nội chiếm 16% GDP và 19% ngân sách của cả nước.

Theo Bộ trưởng, Hội nghị Hà Nội 2020 được tổ chức rất ấn tượng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyên nghiệp rất cao và tính cầu thị quyết tâm. Việc xúc tiến thu hút đầu tư của Hà Nội vào nông nghiệp rất tiềm năng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.

"Chúng tôi sẽ phối hợp cùng Hà Nội phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hàng hoá của Thủ đô đóng góp vào bức tranh chung với toàn quốc.

Đặc biệt, năm nay Hà Nội phấn đấu tăng tỷ trọng tăng trưởng nông nghiệp 6,25% đây là sự cố gắng rất tích cực góp phần để nền nông nghiệp nước ta hoàn thành trong hoàn cảnh rất khó khăn", Bộ trưởng chia sẻ.

Đẩy mạnh nguồn nhân lực CNTTT

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu, khuyến nghị TP Hà Nội tới đây để phục vụ cho dự án phát triển của TP, xem xét đề án tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT, đây là nguồn lực phát triển công nghệ số của Thủ đô, thứ hai kết nối với các trường đào tạo CNTT.

Bộ GD&ĐT ban hành cơ chế thí điểm đào tạo CNTT trên cơ sở chuẩn đầu ra, khi sinh viên tốt nghiệp CNTT đáp ứng được nhu cầu tối thiểu; xây dựng cơ sở dữ liệu để cân đối trong quá trình chỉ đạo đào tạo.

Ngoài ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khuyến nghị TP Hà Nội tăng cường đào tạo kỹ năng mềm là tiếng Anh để nâng cao chất lượng khi ra trường. Về phía DN cần chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo.

Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, Hà Nội là một trong những Thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch Covid-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế. Đó là kỳ tích.

Hà Nội tổ chức hội nghị hôm nay nhằm bắt đầu giai đoạn phát triển mới. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất ở cấp độ địa phương, có tính chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả. Tên Hội nghị “Hợp tác-Đầu tư và Phát triển” thể hiện thông điệp và tầm nhìn của Hà Nội trong hợp tác để phát triển.

“Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Với lợi thế của mình, Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này”, ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng.

Tại hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết, nhiều dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới, và làn sóng này lan tỏa ra cả nước, theo Chủ tịch VCCI, cần phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có bởi đây là cách xúc tiến quan trọng nhất. Tính tiên phong của lãnh đạo TP Hà Nội luôn ở top dẫn đầu nhưng sự thân thiện của công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Hà Nội nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn có sự hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về du lịch

Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cho rằng, cả thế giới bị chuỗi hệ lụy do dịch Covid-19. Sống và làm việc tại Việt Nam, ông cảm nhận rõ sự khó khăn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, đặc biệt là đối với ngành hàng không, du lịch.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, ông Kim Han Yong đã dẫn câu tục ngữ này để nói lên sự cần thiết đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn hiện nay.

Ông Kim Han Yong đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng dịch Covid-19, minh bạch thông tin về tình hình dịch và đã sớm khống chế được dịch. Do ảnh hưởng của dịch, Việt Nam đã tịch cực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất như cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại, gia hạn nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn Việt Nam có sự hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là doanh nghiệp về du lịch.

Hiện nay, nhu cầu của doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý nhập cảnh vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam nên sớm cấp visa và mở đường bay quốc tế trở lại bình thường.

Ông Kim Han Yong cho hay, Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam về việc chuyển đổi kỹ thuật số để Việt Nam trở thành xã hội kỹ thuật số; đồng thời khẳng định doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chung tay, đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội.

WB tại Việt Nam luôn sát cánh hỗ trợ Hà Nội phát triển mạnh hơn

Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 gây ra hậu quả khôn lường về sức khỏe và đời sống nhưng lại mang lại sự phát triển chưa từng có cho TP Hà Nội bởi đây là địa phương khống chế được dịch Covid-19 trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất. Tin rằng sự dịch chuyển hướng tới sự đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia mang đến cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuyệt vời cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói chung.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Tuy nhiên vấn đề là làm thế nào để biến thành hiện thực? để thu hút đầu tư TP Hà Nội cần xây dựng chính sách khuyến khích FDI thông qua việc cải cách hành chính và đào tạo nhân lực, chuẩn bị nhân lực thông qua tiếp thu kiến thức và kỹ năng, cần tăng cường hợp tác công và tư, kỹ năng có tính phức hợp cao.

Hà Nội có thể thành lập đơn vị chuyên trách để phát triển các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng đô thị và ngân hàng hàng thế giới tại Việt Nam luôn sát cánh hỗ trợ Hà Nội phát triển mạnh hơn.

"Chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp chính quyền Hà Nội"

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam chia sẻ, trong suốt quá trình phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt trong việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Cụ thể: Thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để lên phương án phòng chống dịch cũng như chuẩn bị đầy đủ hàng hoá phục vụ người dân trong mọi tình huống diễn biếncủa dịch bệnh; hỗ trợ mở thêm nhiều điểm bán hàng lưu động, vừa để tăng tổng doanh thu bán lẻ cho TP, cũng như đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô...

Đặc biệt sau dịch Covid-19, TP Hà Nội đã ngay lập tức tái khởi động tổ chức các tuần hàng kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các tỉnh thành trên cả nước. Có thể khẳng định, ngay khi cả nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”, Hà Nội lập tức phát huy vai trò đầu tàu bằng việc tích cực trở thành đầu mối giao thương, đầu ra chủ lực để thúc đẩy kinh tế vùng.

Trong suốt quá trình đầu tư và hoạt động tại TP Hà Nội chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp chính quyền thành phố, đến nay chúng tôi đã có 7 TTTM , siêu thị Big C/GO đã trở đơn vị bán lẻ có mức doanh thu và nộp ngân sách cao của TP Hà Nội.

Với mong muốn được đồng hành cùng TP, thời gian tới Central Retail tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và phát triển hạ tầng thương mại, để người tiêu dùng có thể tiếp cận mạng lưới bán lẻ hiện đại. Kết nối tiêu thụ sản phẩm đầu cho ra của Hà Nội, phân phối, quảng bá tại toàn bộ Hệ thống Siêu thị Central trên toàn quốc cũng như các đơn vị thành viên thuộc tập đoàn trên toàn cầu.

Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công thương và phát huy tinh thần người Việt Nam tự hào về hàng Việt Nam, vào quý 3 năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức Tuần hàng Made in Vietnam tại Hà Nội (với tên gọi Tinh hoa Việt Nam) nhằm nêu cao giá trị tự hào hàng Việt Nam - tự hào tinh hoa dân tộc và thúc đẩy phát triển tiêu thụ trong nước.

Hà Nội hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

“Ngay trong dịch Covdi-19 Chính phủ đã cùng với Hà Nội giải quyết các vấn đề và đây cũng là lần thứ 4 Thủ tướng Chính phủ, các phó Thủ tướng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội, nói lên sự quan tâm đặc biệt với Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta”- Thủ tướng mở đầu bài phát biểu trước toàn thể các khách mời tại Hội nghị.

Hội nghị họp có 4 tiếng thôi nhưng Hà Nội đã chuẩn bị 4 tháng đặc biệt có nhiều khách quốc tế, đại sứ, nhiều tổ chức tài chính lớn, rất đông DN phát biểu rất tuyệt vời, Thủ tướng biểu dương.

Vui mừng với thành công của Hà Nội với 229 dự án, đủ các loại hình đầu tư tổng mức đầu tư 405 nghìn tỷ đồng, Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ cần 60% dự án đi vào thực hiện là Hà Nội đã thành công rất lớn.

Hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Thứ nhất, chúng ta biết hiện nay Covid 19 sự đứt gãy nền kinh tế toàn cầu hết sức nặng nề, tháng trước IMF đánh giá kinh tế thế giới 3,9% mới đây dự báo âm 4,9%. Các nước trong nền kinh tế ASEAN bị âm 2% nhưng IMF đánh giá từ 6% theo dự báo xuống 2,7% là mức thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm qua nhưng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Thứ hai, trong trạng thái bình thường mới, gặp nhiều khó khăn, ý nghĩa của việc thực hiện mục tiêu kép rất quan trọng. Việt Nam đưa ra mấy mục tiêu kép: ngăn chặn thành công Covid 19, đến nay Việt Nam đã 75 ngày không có ca nhiễm mới, không có người tử vong vì Covid 19, rơi rớt mấy ca về Việt Nam đang cách ly. Quý I GDP của Việt Nam đạt 3,82%, mặc dù các nước Nhật bản, Châu u, Bắc Á đều gặp nhiều khó khăn. Việt Nam với truyền thống quyết liệt khó khăn sẽ không dừng lại con số tăng trưởng trên. Nên nhiệm vụ rất cấp bách.

Thứ ba, đặt ra an sinh xã hội giải quyết cuộc sống cho người dân, trong đó Hà Nội đã giải quyết kịp thời với sự giám sát của Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, đảm bảo không để lại ai phía sau.

Nhấn mạnh Hà Nội và nhìn rộng ra Vùng Thủ đô không chỉ là môi trường chính trị, kinh tế mà là một môi trường an toàn dịch bệnh, một chính quyền năng động. Thủ tướng cho rằng, Hội nghị “Hà Nội 2020, hợp tác, phát triển” với quan điểm chân thành hợp tác, hài hoà giữa Nhà nước, DN và người dân đây là điểm quan trọng với Hà Nội với niềm tin “Hà Nội thiên thời, địa lợi nhân hoà” cho các nhà đầu tư.

Về thiên thời, địa lợi, Hà Nội đang có định hướng cụ thể Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị với tinh thần các bên cùng phát triển, cùng có lợi. Đây cũng là sự kiện quan trọng chào mừng 75 năm quốc khánh, 130 năm kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến tới đại hội lần thứ 13 của Đảng và nhiều sự kiện khác… trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn.

“Trong thời điểm khó khăn nhất của dịch Covid 19 tôi như thấy lại Hà Nội tổng khởi nghĩa, niềm tin vào Đảng, Chính phủ, Chính quyền địa pưhong. Hà Nội là một trong số những thủ đô không nhiều làm tốt công tác chống dịch, thủ đô 10 triệu dân. Qua nhiều năm đổi mới phát triển của Thủ đô, vai trò tiên phong của Hà Nội, Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tháo gỡ tạo mọi điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, tôn vinh DN hợp tác tháo gỡ, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành, một hệ thống chính trị liêm chính hành động vì người dân, DN.

Hà Nội thu hút nhiều dự án FDI, nhiều tập đoàn và quốc gia lớn trên thế giới, nhiều NĐT NN từ châu u, Trung Quốc, các nước ASEAN… và nhiều NĐT trong nước trong khí thế mới, quyết tâm mới. Đặc biệt là những Tập đoàn hạ tầng, công nghệ để triển khai Nghị quyết về thu hút FDI. Mục tiêu của Hà Nội phải vươn tâm cạnh tranh với các TP trong khu vực như Bang Cốc, Jakattar, Malila, Thượng Hải … đang đặt ra cho cấp uỷ chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Làm sao hiện thực hoá tầm nhìn đó phải gây dựng được 3 yêu tố thiên thời địa lợi nhân hoà. Phải có thể chế tốt, tranh thủ cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô, Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là mới đây Quốc hội quyết định một số cơ chế tài chính cho Hà Nội để Hà Nội phát triển nhanh bền vững. Đồng thời Hà Nội cần tận dụng thời cơ thị trường chuyển dịch chuỗi toàn cầu, các FTA thế hệ mới đang mở ra.

Chính quyền, cộng đồng DN tận dụng như một yếu tố thiên thời như Hà Nội, tận dụng tối đa Vùng Thủ đô, xem các địa phương trong vùng là đối tác. “Đặc biệt Hà Nội có các cổ đông đó là DN tốt, người giàu, người giỏi, giới khoa học công nghệ, đó chính là cổ đông chiến lược của Hà Nội. Hôm nay là cơ hội Hà Nội tìm cổ đông chiến lược và các DN tìm cơ hội vào vùng đất Rồng bay này”- Thủ tướng nói.
 Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

Về nhân hoà, Thủ tướng nhấn mạnh là yếu tố then chốt nhất với Hà Nội. Đó là ứng xử của Hà Nội, tinh thần của Hà Nội trong chống dịch và nếu 20 năm trước Hà Nội được nhân danh hiệu của UNESSCO TP vì hoà bình, thì đến nay phải tiếp tục phát huy.. Cần xây dựng 3 trụ cột: kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh, môi trường kinh doanh hiệu quả, chất lượng điều hành, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống tài chính. Hai là, một môi trường không khí tốt, một hệ thống giáo dục, y tế tuyệt vời, một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, không chỉ 10 triệu dân Thủ đô mà các NĐT kỳ vọng vào Hà Nội như vậy. Làm sao để tạo cho Hà Nội trong trí nhớ trái tim của mọi người. Nếu như TP Boston của Mỹ êm đềm, TP Viên (Italy) là TP âm nhạc, NewYorl là trung tâm tài chính, Hà Nội phải là TP vì hoà bình.

“Nhớ mãi những bài hát về Hà Nội, dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội, sẽ là vốn liếng quý giá thúc đẩy thu hút đầu tư. Các vị đã đi rất nhiều TP mỗi TP có một bản sắc riêng, phải xây dựng mang bản sắc riêng, phát huy văn hiến ngàn năm của Hà Nội”- Thủ tướng chia sẻ.

Trụ cột thứ ba của nhân hoà tinh là thần đổi mới sáng tạo gắn với KHCN, CM 4.0. Kinh tế số cần xem là động lực quan trọng cho HN trong phát triển kinh tế.

Xây dựng đội ngũ cán bộ inh thông trong công việc - tinh nhuệ trong hành động - tinh gọn bộ máy - tinh túy về chất cán bộ và tinh ý hiểu người dân, doanh nghiệp đang cần gì để hành động.

Việt Nam đã chuyển qua giai đoạn khó khăn thách thức nhưng chúng ta kiên cường vượt qua, đã vượt qua bước đầu, Hà Nội có nhiều sáng tạo, cách làm hay, có sự đóng góp quan trọng của bộ máy chính quyền, nhân dân Thủ đô.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thành quả to lớn, nhưng Thủ tướng nêu hạn chế: chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững, áp lực cạnh tranh với nhiều thủ đô khác. Môi trường đầu tư cải thiện nhưng chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư tầm cỡ, cải cách hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước còn bộ lộ hạn chế, công tác phối hợp thực thi công vụ chưa hiệu qủa, cơ sở hạ tầng, dân số…. áp lực môi trường, an toàn VSTP… nên việc trao các giấy phép đầu tư trung tâm văn hoá lớn lần này sẽ giải quyết được phần nào thách thức.

Biến nguy thành cơ, yêu cầu đặt ra là của khắc phục hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid 19, Thủ tướng bày tỏ, các phát biểu tâm huyết của các vị khách nước ngoài, doanh nhân, mong lãnh đạo TP tiếp thu, đưa ra các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả. Mong muốn TP Hà Nội hành động nhất quán. Và cả hợp tác với các nước, với các địa phương, thu hút không chỉ cho riêng mình, thành công của Hà Nội không chỉ riêng Hà Nội mà với các địa phương, với cả nước để nhấn mạnh “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Vì thế Thủ tướng yêu cầu, một mặt Hà Nội tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn công khai, mặt khác các bộ ngành trung ương phải tạo điều kiện cho Hà Nội, Chính phủ luôn bên cạnh Hà Nội cùng Hà Nội tháo gỡ, thuận lợi hơn.

Hà Nội tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á

Với tinh thần không bỏ lại DN nào phía sau, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang “làm tổ cho đại bàng đẻ, nhưng cũng phải rải thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no” và vì sự phát triển tốt cho Thủ đô theo Thủ tướng, cũng cần phải quan tâm tới hộ cá thể hợp tác xã làng nghề, đặc biệt DN nhỏ và vừa của Thủ đô cũng phải được phát triển tốt. Làng nghề Hà Nội vô cùng phong phú nên đặc biệt cần quan tâm.

Hà Nội có vùng nông thôn rất rộng lớn, Thủ tướng lưu ý Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới (đã đạt 93%), đặc biệt xoá nghèo căn bản xong (còn 0,42%) nên Thành uỷ Hà Nội tiếp tục bơm thêm NHCSXHHN hơn 200 tỷ nữa công tác giảm nghèo là rất đúng đắn làm sao để xoá nghèo gần như cơ bản là mục tiêu mong muốn.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 doanh nghiệp, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác an sinh xã hội và nộp ngân sách Nhà nước.

Trong bối cảnh cả nước nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, Hà Nội cần tạo bước đột phá mới, bản lĩnh chính trị trình độ trí tuệ, truyền thống, bề dày kinh nghiệm lịch sử, sức làm việc năng động sáng tạo, sự phối hợp tích cực giúp đỡ của các bộ ngành, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hưởng ứng của cộng đồng quốc tế, DN, NĐT nhất định Hà Nội sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, góp phần với sự thắng lợi của cả nước.

Thủ tướng rất vui mình khi nghe lãnh đạo Hà Nội cam kết năm 2020- một năm rất khó khăn- năm nay Hà Nội tăng trưởng cao, gấp 1,3 lần bình quân tăng trưởng cả nước, mục tiêu thu NSNN không thay đổi. Đây là một cố gắng, quyết tâm lớn của Hà Nội. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội gần 5500 USD, nếu duy trì mức tăng trưởng 9%/năm, chỉ trong vòng 10 năm tới tức 2030, Hà Nội sẽ chạm ngưỡng thu nhập cao, mục tiêu là Hà Nội cán đích thu nhập cao trước năm 2045.

Đây là đầu bài Thủ tướng đề nghị với Hà Nội, đặc biệt vai trò các NĐT sẽ đóng góp vào để Thủ đô đi trước. Các thành phần kinh tế, NĐT NN đóng góp quan trọng cho Việt Nam và Hà Nội, tin tưởng trong tương lai không xa, Hà Nội không phải là trung tâm kinh tế chính trị, văn hoá giáo dục của Vùng Thủ đô nữa, mà Hà Nội tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á, và Đông Á.

Quyết tâm thực hiện 100% dự án được trao chứng nhận đầu tư

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, thành công của hội nghị không chỉ bởi các dự án được trao chứng nhận đầu tư, các biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, mà lớn nhất là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, đầu tư phát triển. Hội nghị có ý nghĩa biểu tượng lan toả mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

“Đây không chỉ là cơ hội hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các nhà đầu tư mà còn là nơi để tăng cường hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế...”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội phải đưa vào thực hiện được ít nhất 60% các dự án được trao chứng nhận đầu tư tại hội nghị, nhưng thành phố phấn đấu sẽ thực hiện 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết bức xúc của nhân dân Thủ đô như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường; các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề...

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tặng Cờ thi đua của thành phố cho 9 doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thuế, an sinh xã hội.

Nhấn mạnh Hà Nội sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư, đồng chí Vương Đình Huệ chia sẻ, có câu muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu, Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhà nhỏ...

Ngoài ra, sau hội nghị này, thành phố sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn nữa để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp, có công nghệ tiên tiến, các dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, các dự án sẵn sàng kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu...

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000 -14.000 USD; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao. Đây là chiến lược rất tham vọng và nhiều thách thức, nhưng thành phố sẽ quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực ngay từ bây giờ.

Trước mắt, thành phố sẽ tập trung thể chế hóa các cơ chế đặc thù, về dài hạn, thành phố sẽ tổng kết và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô; kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với yêu cầu phát triển; tập trung phủ kín quy hoạch phân khu trên địa bàn, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng.

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho các dự án.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; sự tham vấn kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp của các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà đầu tư, doanh nhân, các chuyên gia trong nước và quốc tế; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông; đặc biệt là sự hợp tác của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng và Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho các dự án. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, các cấp các ngành thành phố cùng với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ đoàn kết, cùng nhau thi đua để hội nghị sớm phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế -xã hội Thủ đô và đất nước.

*Tiếp đó, tại hội nghị, Thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. 229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; Nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (Những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong Quý III/2020); Nhóm 107 dự án đầu tư công của Thành phố đang được 05 Ban quản lý dự án Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng.