Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tối hậu thư cho những dự án yếu kém

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Đây cũng là tối hậu thư của người đứng đầu Chính phủ khi mà sau hơn 4 năm xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, đến nay vẫn tồn tại 9/12 dự án còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, đã có 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của Ban Chỉ đạo. Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn; một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động; có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công. Chủ trương của Chính phủ phải tìm phương án giải quyết. Nguyên tắc là tự chủ của DN, theo cơ chế thị trường, không dùng ngân sách để xử lý các dự án thua lỗ này, Nhà nước không cấp thêm vốn, hạn chế thiệt hại và quan tâm tới quyền lợi người lao động. Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh rằng, nhà máy “phải tự cứu mình”.

Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính 6 tháng năm 2020, tổng tài sản của 12 dự án yếu kém ngành công thương là trên 59.100 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả lên đến hơn 63.300 tỷ đồng. Đáng nói, lỗ lũy kế của các dự án này lên đến trên 26.300 tỷ đồng. Với số nợ khổng lồ như trên, càng để các dự án dở dang, cầm chừng, thiệt hại của DN càng lớn. Thực tế cho thấy, lãi suất vay thời điểm triển khai các dự án của ngành công thương có khi lên tới 13%, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng 8% hiện nay.

Trong các giải pháp xử lý, phương án tái cơ cấu để thoái vốn, bán dự án được xem là khả thi hơn cả. Tuy nhiên, tổng hợp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cho biết, những vướng mắc mấu chốt nhất của các dự án tập trung ở 3 nhóm vấn đề: Xử lý dứt điểm tranh chấp, vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán toàn bộ dự án; khó khăn về tài chính, cơ cấu lại nợ, giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; xây dựng phương án thoái vốn.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty tính toán cơ cấu lại các dự án theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật. Tinh thần là không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Cần có quyết sách rõ ràng từng dự án, "cái nào phục hồi, cái nào phá sản". Những dự án nào không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản Nhà nước. Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo đưa ra danh mục dự án không thể khắc phục để xử lý cương quyết.

Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt tập trung xử lý dứt điểm không để tồn tại dai dẳng, là hành động cương quyết của Thủ tướng và Chính phủ trong việc thực thi pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thời gian để xử lý dứt điểm 12 dự án không còn nhiều, đây là lúc phải hạ quyết tâm cao nhất, có phương án mới, cách làm mới chi tiết, cụ thể.
Đối với các dự án không thể cứu vãn, cần dũng cảm cho phá sản theo nguyên tắc thị trường để có cơ hội hồi sinh, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Phát hiện sai đến đâu, xử lý đến đó; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý các dự án này, tạo hình ảnh Chính phủ trong sạch vững mạnh, liêm khiết và có tính cương quyết rất cao.