Những ông chủ kể cả có cảm thấy không hài lòng, cũng đều phải chấp nhận vô điều kiện một khi họ đã đặt niềm tin. Bởi xét cho cùng, danh hiệu mới là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá năng lực của một HLV.
Lúc nhận lời dẫn dắt Chelsea, Villas-Boas đã thuộc diện có "số má" với bản lý lịch khá đẹp (VĐQG Bồ Đào Nha, vô địch Europa League dù mới 33 tuổi và hành nghề chưa được bao lâu). Cộng thêm với cá tính mạnh (thế nên mới được ví là "Mou đệ nhị), tất nhiên nhà cầm quân trẻ tuổi này đời nào chuyển đến Chelsea mà không đặt ra điều kiện. Trên thực tế, ngài chủ tịch đầy quyền uy Roman Abramovich đã tuân thủ đúng cam kết và trao cho Villas-Boas toàn quyền tại đội bóng. Ông hay bất cứ một thành viên nào trong ban lãnh đạo không bao giờ đưa ra ý kiến, bình luận liên quan đến các quyết định của Boas. Thế nhưng, giờ đây, với việc gây tác động để đội bóng phải "xử lý" Tommy Langley, dường như "cánh tay quyền lực" của vị HLV này đã vươn ra cả những lĩnh vực mà không hề thuộc phạm vi quyền hạn của ông.
Sự thể bắt đầu từ chuyện Villas-Boas đã không cho phép Nicolas Anelka và Alex được quyền tiếp tục đỗ xe ô tô ở bãi đỗ dành riêng cho các cầu thủ đội 1 sau khi hai gương mặt này chính thức bị gạch tên khỏi danh sách đội bóng và được phép tự do ra đi. Thế là, dưới góc nhìn của một nhà bình luận, Langley đã không ngần ngại mô tả Villas-Boas là một kẻ "độc đoán", "thù vặt" và không có lòng khoan dung ngay trên truyền hình. Langley từng là một cựu cầu thủ của The Blues, khoác áo đội bóng trong 6 năm (1974-1980) và Chelsea chính là CLB ông gắn bó lâu nhất trong sự nghiệp "quần đùi áo số". Sau khi giải nghệ, người đàn ông 53 tuổi này đã theo đuổi nghề bình luận viên nhưng hầu như chỉ chuyên tâm vào đội bóng cũ. Sau khi Chelsea cho ra mắt kênh truyền hình riêng cách đây khoảng 10 năm, Langley lập tức về làm việc và gắn bó cho tới nay. Ấy thế mà, chỉ vì lỡ miệng "chém" Villas-Boas mà ông bị mất việc (tất nhiên, Chelsea phải tìm một lý do khác để giải thích về việc sa thải Langley). Còn nhớ, trước đó không lâu, Villas-Boas từng rất nóng mặt với hai BLV, Gary Neville (cựu cầu thủ MU) và Alan Hansen bởi dám đả kích ông nhưng với hai trường hợp này, Villas-Boas chỉ có thể "đốp chát" lại bằng "võ mồm" chứ làm sao có thể thực hiện hành động tương tự như với Langley.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Càng được "cưng chiều" thì đồng nghĩa sức ép lên Villas-Boas càng lớn. Nếu ông không thể đưa The Blues tới thành công trong mùa giải này hoặc ít ra "gã nhà giàu" thành London phải cho thấy được thực lực, đẳng cấp của mình thì không loại trừ khả năng ông sẽ sớm nói lời chia tay. Và lúc đó, biết đâu đấy, Langley lại được mời trở lại đội bóng để tha hồ "bêu xấu" Villas-Boas mà không lo bị "trảm".