Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tốn kém nhưng chưa hiệu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tích cực chỉ đạo thanh tra Bộ cùng các đơn vị cục, vụ tiến hành thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại các địa phương. Mặc dù vậy, hoạt động này chưa thực sự mang lại hiệu quả, bởi sau khi kiểm tra, tình hình vi phạm lại tái diễn.

Cấp phép nhiều,  khó quản lý

 

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư nông nghiệp quan trọng nhất, bởi nó không chỉ gắn liền với hoạt động sản xuất mà còn liên quan tới vấn đề đảm bảo ATTP. Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), trong danh mục thuốc BVTV của nước ta có 1.800 hoạt chất. Hiện cả nước có 97 cơ sở sản xuất và 29.000 cửa hàng, đại lý được đăng ký, cấp chứng chỉ kinh doanh thuốc BVTV, số còn lại buôn bán nhỏ lẻ trong khu dân cư. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 tấn thuốc BVTV lưu thông trên thị trường. Qua kiểm tra, lượng thuốc BVTV kém chất lượng chiếm khoảng 10%. Đáng chú ý, còn có cả thuốc giả, ngoài danh mục vẫn được lưu hành.

 
Kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại huyện Ba Vì.           Ảnh: Quang Thiện
Kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện
Về phân bón, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có trên 7.000 cơ sở sản xuất với khoảng 60.000 đại lý, cung cấp trên 10,5 triệu tấn phân bón mỗi năm. Trong quá trình thanh, kiểm tra, số lượng phân bón giả, kém chất lượng vẫn được tiêu thụ khá nhiều ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, có rất nhiều loại sản phẩm phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… đang lưu hành trên thị trường. "Việc cấp phép cho sản xuất nhiều càng khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Bản thân người đi kiểm tra cũng không nắm được hết các loại trong danh mục thì biết kiểm tra như thế nào?" - ông Định băn khoăn.

 

Kết quả kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo Thông tư 14/2011/TT-BNPTNT của Bộ NN&PTNT trong tháng 10 cũng cho thấy, tình trạng vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, khi tái kiểm tra, số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vẫn xếp loại C (chưa đạt) còn khá cao. Cụ thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi chiếm 97,4%; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y chiếm 57,8%...

 

Quy về một mối

 
Chúng ta có cả "rừng" văn bản pháp luật nhưng không áp dụng được nhiều. Do đó, đề nghị thanh tra Bộ cùng các cục, vụ phân cấp và cấp kinh phí cho các địa phương kiểm tra thường xuyên. Còn cấp cục, bộ chỉ làm công tác hậu kiểm để tránh chồng chéo và đạt hiệu quả cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Đại diện Cục BVTV cho biết, việc thanh kiểm tra hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Có địa phương kiểm tra, lấy mẫu phân tích phải mất 10 ngày mới có kết quả. Khi phát hiện vi phạm, quay trở lại thì người dân hoặc cơ sở vi phạm đã bán hết số hàng đó. Trong khi đó, nếu giữ lại ngay mà thiếu biện pháp xử lý nghiệp vụ, dẫn đến hư hỏng hàng hóa lại xảy ra câu chuyện tương tự như bạch tuộc ở Hải Dương hồi tháng 5/2013.

 

Ngoài ra, theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, hoạt động thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp hiện đang bị chồng chéo. Có những cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra của Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, rồi các đoàn công tác của Bộ NN&PTNT nên cảm thấy phiền hà. Hơn nữa, lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng còn mỏng. Cả nước hiện có 61/63 tỉnh, TP đã thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, trung bình mỗi tỉnh, TP chỉ có 15 thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực này.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định, lúc thanh tra thì các cơ sở vi phạm làm ít hoặc rút vào hoạt động "bí mật", thậm chí nằm im chờ qua đợt thanh tra lại làm tiếp. Do đó, hiệu quả của công tác này không cao, cần phải xem lại cách làm, nếu không vừa tốn tiền, vừa mất thời gian. Điều đáng nói, cơ sở văn bản pháp lý cũng chưa chặt chẽ.