Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới. Tuy một số lĩnh vực công nghệ chế biến ở mức độ tiên tiến nhưng chưa nhiều, chỉ tập trung vào các cơ sở chế biến quy mô lớn mới được xây dựng trong những năm gần đây.
Số cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95% số cơ sở. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (chỉ bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác). Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ kỹ lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp.
Theo đánh giá của chuyên gia: Nhìn chung ngành hàng có trình độ công nghệ chế biến trung bình khá trở lên như: Thủy sản, Điều, Gạo, Cao su, Sữa…; ngành hàng có trình độ công nghệ chế biến còn ở mức trung bình thấp và lạc hậu như: Chè, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phân tán…
Đối với bảo quản sau thu hoạch, Bộ NN&PTNT tự đánh giá: Đây là khâu yếu, tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Cụ thể, tùy lĩnh vực ngành hàng nhưng nhìn chung tổn thất nông sản sau thu hoạch giao động từ 10 - 20%.
Cơ sở vật chất như phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp. Công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn. Mức độ tổn thất sau thu hoạch của một số ngành hàng cụ thể như: Rau, quả, sắn khoảng 20 - 30%; Cà phê, tiêu, điều, chè khoảng 10 - 15%; Thủy sản đánh bắt khoảng 15 - 20%; Lúa gạo khoảng 5 - 7%...