Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh khả năng sáng tạo của phụ nữ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, 2 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cũng là dịp tôn vinh những phụ nữ sáng tạo. Họ đang có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống, khẳng định tài năng, trí tuệ của mình bằng những công trình, việc làm cụ thể.

Những nỗ lực không ngừng
 
Không chỉ phụ nữ làm khoa học, trí thức, mà cả phụ nữ ở nông thôn cũng đang phát huy khả năng sáng tạo của mình trong cuộc sống và công việc. Như lời PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội đồng xét giải VIFOTEC, số lượng công trình phụ nữ tham gia giải thưởng hàng năm cũng đã thể hiện cơ hội và thách thức đối với phụ nữ trong sáng tạo. Trên 700 công trình (trong tổng số 3.535 công trình) tham gia giải thưởng năm 2011 đã chứng tỏ khả năng sáng tạo to lớn của phụ nữ Việt.
 
Mỗi người một quan điểm, một cách làm, nhưng điểm tương đồng dễ nhận thấy là thành công của các chị đều bắt nguồn từ những suy tư khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống, chuyên môn hàng ngày. Khó kể hết những thành quả từ phong trào sáng tạo của phụ nữ, nhưng 140 sản phẩm đã được giới thiệu cũng thể hiện phần nào nỗ lực của họ. Ấy là phần mềm bộ font chữ Thái của chị Lò Mai Cương (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La), góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Thái, là Nghiên cứu công nghệ sản xuất dung môi sinh học từ các nguồn nguyên liệu tái tạo của PGS.TS Vũ Thị Thu Hà và nhóm cộng sự  (Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam), tạo ra các dung môi hữu cơ an toàn hơn cho sức khỏe người sử dụng. Hay nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật y học hạt nhân trong phẫu thuật điều trị ung thư vú của TS Nguyễn Thị Minh Phương (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108), giúp bác sĩ phẫu thuật đánh giá chính xác giai đoạn ung thư, lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp, hạn chế biến chứng…
 
Có những phụ nữ chưa qua trường lớp đào tạo, nhưng bằng kinh nghiệm thực tế cũng sáng tạo ra những sản phẩm giải phóng cho sức lao động của mình. Nhưng nói như TS. Hà Thị Thúy, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, nghèo khổ, thất học, chậm tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các nguồn tài nguyên, cũng chính là hạn chế lớn nhất đối với khả năng sáng tạo của phụ nữ nông thôn.
 
Thúc đẩy khả năng sáng tạo cho phụ nữ
 

TS. Nguyễn Minh Phương Trưởng khoa Huyết học lâm sàng và Ung thư (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108):

Mong muốn mang lại niềm vui sống cho chị em bị ung thư vú

Khi đi học ở nước ngoài được chứng kiến bệnh nhân nữ ung thư vú được hưởng những thành tựu y học hiện đại, tôi và các đồng nghiệp vô cùng trăn trở. Quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi, trợ lực của Bộ KH&CN, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, hợp tác với Trung tâm Ung thư lớn của Hoa Kỳ triển khai ứng dụng sáng tạo và đã xây dựng thành công qui trình kỹ thuật chụp xạ hình và sử dụng đầu dò tia gamma định hướng sinh thiết hạch gác đạt tiêu chuẩn thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tránh cho bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm phải phẫu thuật... Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ là những bông hoa nhỏ xin được góp vào rừng hoa sáng tạo của phụ nữ cả nước.

Ngay tại Hà Nội, phụ nữ chiếm 49,9% lực lượng lao động, với tỉ lệ phụ nữ đã qua đào tạo gần 30%. Họ đã tham gia vào mọi lĩnh vực, từ sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học đến quản lý xã hội. Và sự sáng tạo cũng đồng hành cùng họ trong mỗi lĩnh vực. Nhưng để thúc đẩy phụ nữ sáng tạo hơn, theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch hội Nữ trí thức Việt Nam, điều kiện chủ quan chính là sự đam mê nghề nghiệp, ham muốn tìm tòi khám phá, mong muốn đạt hiệu quả trong công việc; sự thanh thản, tĩnh tâm, đủ tập trung suy nghĩ để sáng tạo. Điều kiện khách quan là sự động viên, khích lệ của gia đình, đồng nghiệp, lãnh đạo và bản thân phụ nữ phải biết cách tổ chức tốt cuộc sống gia đình để an tâm đầu tư thời gian sáng tạo.

TS. Hà Thị Thuý cũng cho rằng, phong trào Phụ nữ sáng tạo cần gắn liền với những yêu cầu của thời đại về bình đẳng giới, về giải phóng và tôn vinh phụ nữ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phụ nữ nông thôn sáng tạo. Do vậy giải pháp đầu tiên để nâng cao sức sáng tạo của phụ nữ là tạo sự bình đẳng trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học. Và để nhân rộng hơn nữa những tấm gương điển hình, để ngày càng có nhiều phụ nữ hăng say sáng tạo, còn cần cả sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các tổ chức xã hội và của cộng đồng. Ấy là điều mà nhiều phụ nữ đặt ra.

 

Chị Đào Thị Thiện (Quang Tiến, Sóc Sơn) vừa đạt Giải thưởng Phụ nữ

Việt Nam năm 2011: Vừa làm, vừa học

Để thoát khỏi cảnh nghèo, tôi suy nghĩ mãi. Một suy nghĩ táo bạo lóe lên: đưa mô hình trồng nấm rơm vào sản xuất. Nhưng nghĩ thì đơn giản, bắt tay vào thực hiện mới thấy thật nhiều khó khăn: vốn mỏng, cơ sở vật chất chật hẹp, bản thân chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm về nghề trồng nấm, ngay cả thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng chưa rành... Tôi lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm trồng nấm từ những cơ sở sản xuất đã thành công, mày mò sưu tầm và đọc những cuốn sách hướng dẫn nuôi trồng nấm rơm…. Đến nay, cơ sở đã phát triển ổn định. Tôi mừng vì mình đã thành công và giúp đỡ được nhiều người cùng thoát nghèo.