Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị Chính phủ với địa phương

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để nhìn lại những kết quả đã đạt được qua 1 năm công tác, đánh giá những kết quả đã đạt được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để qua đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các bộ trưởng, trưởng ngành; bí thư các tỉnh, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị.
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Quốc Hùng;Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành dự hội nghị.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương được tổ chức hàng năm để nhìn lại kết quả kinh tế - xã hội năm qua và kế hoạch năm tới. Sự kiện năm nay kéo dài trong 1,5 ngày. Trong 1,5 ngày 30-31/12, hội nghị sẽ tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, đây là hội nghị rất quan trọng, được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ủy viên Trung ương Đảng.

Sự kiện năm nay sẽ có sự tham sự của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bí thư các tỉnh, thành ủy và chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố...

“Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số vấn đề lớn là nguyên nhân, hệ quả của những gì đạt được hôm nay cũng như năm 2020 và xa hơn.

Theo đó, những thành quả kinh tế-xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Đó là quy mô càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này đã không đúng. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.

“Tôi xin khẳng định điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được”, Thủ tướng nói.

 Toàn cảnh hội nghị

Chứng minh việc phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô chưa hẳn đúng, Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD – những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.

Thủ tướng cũng chỉ ra không phải lúc nào cũng đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững. Các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Một số quan điểm cho rằng các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội. Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là Kinh tế-Xã hội và Môi trường.

“Rất nhiều địa phương thời gian qua cũng đã lồng ghép 3 trụ cột phát triển này và thực tiễn cho thấy 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển toàn diện cho đất nước”, Thủ tướng phát biểu. “Nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại: Điều này cũng đã không đúng”.

Theo Thủ tướng, trong khi các thành phố đầu tàu truyền thống vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước. Thực tiễn đã chứng minh, địa phương kém phát triển hơn khi tăng tốc không hề làm suy yếu cơ hội của địa phương phát triển hơn và ngược lại. “Những thành quả kinh tế-xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm 2019 cho thấy: Nông thôn mới và đô thị hóa không phải là câu chuyện lựa chọn, nó là câu chuyện phát triển bền vững và hài hòa theo các nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương. Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến từng người dân, từng công chức, viên chức ở mọi vị trí đã tận tụy làm việc trong năm qua.

 Các đại biểu dự hội nghị

Đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ hơn 108 triệu người, tăng thêm khoảng 12 triệu người trong vòng 25 năm tới, đồng thời tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người. Trước mắt, năm 2020 chúng ta phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người; tính chung từ nay đến 2025 là gần 5,5 triệu người – tương đương dân số Singapore. Đây sẽ là một thách thức rất lớn mà Chính phủ, chính quyền địa phương phải giải quyết. Tuy nhiên, nhìn ở mặt ngược lại, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm không ai khác hơn chính là nhóm lao động tăng thêm này. Theo Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển.

Việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 – cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm. “Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”," Thủ tướng bày tỏ. Chính phủ luôn ý thức được chức năng kiến tạo, thúc đẩy, tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất cho tất cả các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân.

Tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn được nghe ý kiến của nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những vấn đề khó khăn, vướng mắc; những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành cần có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà các địa phương nêu.

Gợi mở 9 nhóm vấn đề lớn

Thủ tướng đề nghị thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung Dự thảo các Nghị quyết cho năm 2020 sẽ được trình bày, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn mang tính gợi mở.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc

Thứ nhất, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong năm 2019. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.

Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật. Nhất là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).

Thứ ba, khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt” v.v…

Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số. Hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch,…

Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới. Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới?

Thứ sáu, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương?

Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Từ thực tiễn địa phương cơ sở cho thấy cần bổ sung giải pháp nào? Nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả nào? Làm thế nào thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”? Các chỉ tiêu, kịch bản đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đã phù hợp chưa?

Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào?

Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức.

Giảm hẳn tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2019 tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Theo Báo cáo, với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ tập trung vào 4 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính phủ nhận diện rõ các điểm nghẽn, những vướng mắc, bất cập của chính sách từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp tục cải cách, đổi mới, khai thông, giải phóng tối đa, huy động mọi nguồn lực mang đến động lực tăng trưởng mới và tạo thêm dư địa cho phát triển. Xử lý những vấn đề trọng tâm, lâu dài gắn với giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, dư luận xã hội quan tâm.

 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin cho, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo; thực hiện nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, minh bạch, dân chủ, hiện đại, liêm chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Chính phủ thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và nguyên tắc làm việc của Chính phủ; phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với việc đề cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ.

Bám sát Nghị quyết của Trung ương, kiên trì, kiên quyết, đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sát sao thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, cơ sở để chỉ đạo thực hiện mục tiêu kế hoạch và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Chính phủ đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, quyết sách của Quốc hội bằng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện và đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình.

Xác định đúng vai trò thể chế là then chốt, là khâu đột phá quyết định hiệu quả nền kinh tế, Chính phủ coi hoàn thiện pháp luật là ưu tiên hàng đầu, là nền tảng quan trọng, để từ đó đặt ra quan điểm xây dựng chính sách bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đạo rà soát sự chồng chéo của các quy định để tiến hành sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo tinh thần một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, ban hành văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ.

Đối với những vấn đề cấp thiết, Chính phủ đã chủ động đề xuất giải thích pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, điển hình là trong triển khai Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đổi mới tư duy chính sách từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tăng cường tham vấn chính sách, tham gia phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân; thí điểm các mô hình mới để kiểm chứng trong thực tiễn, làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện chính sách.

Tích cực triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, Chính phủ ưu tiên thời gian cho xây dựng chính sách, pháp luật.

Ngoài việc thảo luận tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên chuyên đề xây dựng pháp luật và thường xuyên đôn đốc kiểm điểm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chuyển biến vượt bậc, khẳng định thành quả của sự nỗ lực bền bỉ, quyết tâm cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông, khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, thiết thực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, tháo gỡ thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt bỏ kiểm tra chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Giải quyết thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông với tỷ lệ đúng hẹn đạt 95,8% mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, giảm hẳn tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh liên tục tăng điểm, thứ hạng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, giai đoạn 2016-2019, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta (theo đánh giá của quốc tế) liên tục cải thiện về điểm số (thể hiện chất lượng) và thứ hạng.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Cụ thể, năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 cải thiện vượt trội với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018 (hiện đứng thứ 67). Chỉ số môi trường kinh doanh liên tục tăng điểm, thể hiện cải cách có hiệu quả và chất lượng được cải thiện. Năm 2017, môi trường kinh doanh được ghi nhận cải cách vượt trội. Năm 2018, chất lượng môi trường kinh doanh tăng 0,43 điểm, năm 2019 tăng 1,44 điểm. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, mỗi năm giảm một bậc thứ hạng (hiện đứng thứ 70), chứng tỏ chúng ta có cải cách nhưng đi chậm hơn so với các quốc gia khác. Các chỉ số dù chúng ta đã nỗ lực cải thiện thứ bậc nhưng vẫn đứng dưới thứ hạng 100 là Khởi sự kinh doanh, Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42), Việt Nam xếp đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (xếp hạng 2 năm một lần) liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 0,3 điểm và 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75 lên thứ 63) với 11/14 trụ cột tăng bậc.

Chỉ số Hiệu quả logistics (xếp hạng 2 năm một lần) trong năm 2018 tăng mạnh (25 bậc), từ thứ hạng 64 lên thứ 39 với 6/6 chỉ tiêu cải thiện vượt trội. Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi và truy xuất lô hàng giúp chỉ tiêu này tăng mạnh 41 bậc (từ thứ 75/160 lên thứ 34/160); cơ sở hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin) tăng 23 bậc (từ thứ 70 lên thứ 47); hiệu quả thông quan tăng 23 bậc (từ thứ 64 lên thứ 41). Tuy vậy, chi phí cao vẫn là trở ngại lớn của ngành logistics ở nước ta.

Chỉ số Chính phủ điện tử (công bố 2 năm một lần), năm 2019, Việt Nam tăng 50 bậc, lên vị trí thứ 50 (từ vị trí 100 năm 2017).

Dưới góc nhìn ở trong nước, theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả hơn; thân thiện hơn; thủ tục giấy tờ đơn giản hơn; phí, lệ phí công khai tốt hơn

Tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức năm 2016 là 66% thì năm 2019 giảm còn 55%. Tỉ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức năm 2016 là 11% thì năm 2019 giảm còn 7%.

Tỉ lệ doanh nghiệp trả lời cần có chi phí “lót tay” (đối với thủ tục hành chính giản đơn) năm 2019 là 54,8%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Tỉ lệ doanh nghiệp trả chi phí “lót tay” cho các thủ tục hành chính phức tạp hơn (như thủ tục liên quan tới đất đai) giảm từ 32% năm 2018 xuống còn 30,8% năm 2019.

Ngoài ra, cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, doanh nghiệp cảm nhận việc thanh tra, kiểm tra giảm so với trước và ngày càng minh bạch hơn. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm là 39,8% thì sang đến năm 2019 giảm còn 18,9%.

Tuy vậy, tỉ lệ doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký vẫn chưa giảm, điều ­này cho thấy đây vẫn là trở ngại đối với doanh nghiệp.