Từ Nghị quyết số 09-NQ/TW
Cách đây gần 20 năm, vào ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Đây cũng là ngày mà vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước.
Năm 1986, kinh tế nước ta và đời sống của người dân khó khăn. Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thời điểm đó như làn gió mùa Xuân đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Nhận thức rõ vai trò của đội ngũ doanh nhân, để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị khóa XI ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Nghị quyết số 09-NQ/TW đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nhân. Cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới hơn 800.000 doanh nghiệp, với khoảng 7 triệu doanh nhân, tạo thành lực lượng hùng hậu góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt.
Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP của cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đặc biệt là tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước. Quy mô GDP của Việt Nam cũng đã nằm trong top 40 thế giới; quy mô thương mại quốc tế cũng nằm trong top 20 toàn cầu.
Đến Nghị quyết số 41-NQ/TW
Trong sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.
Tiếp nối thành công từ Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị khóa XIII ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, với nhiều nội dung mới trong quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp.
Cũng như Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng có bổ sung thêm “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đảng ta và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đây cũng là lần đầu tiên, yếu tố “an toàn, bình đẳng” được đưa vào yêu cầu trong xây dựng môi trường kinh doanh, được giới doanh nhân chào đón.
Đặc biệt là giải pháp “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...” cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, khi đã thấu suốt yêu cầu thực tế đặt ra hiện nay, cũng như phù hợp nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Việc ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia. Đây được xem là tiền đề, tạo động lực quan trọng để hình thành, phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc có quy mô, năng lực và trình độ, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về chương trình hành động, với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, cả nước có tối thiểu 2 triệu doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 65 - 70% GDP của cả nước.