Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Người truyền lửa cho báo chí cách mạng Việt Nam

Nguyễn Văn Thúy - Nguyên Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, nhiều năm làm công tác trong lĩnh vực báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên khích lệ những người làm báo: “Con đường của chúng ta còn thênh thang rộng mở”...

Tiếp thêm động lực cho người làm báo

Tôi là một trong những người làm báo có may mắn được tham gia tuyên truyền hoạt động của Quốc hội cả hai nhiệm kỳ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII. Chúng tôi được tiếp nhận nhiều câu chuyện ấn tượng, học hỏi được nhiều điều bổ ích của một người đã từng làm báo chuyên nghiệp, từng trưởng thành từ phóng viên, biên tập viên, Tổng biên tập. Khi ở cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục viết báo, quan tâm đặc biệt đến các nhà báo và chỉ đạo sát sao công tác báo chí.

Những nhà báo chuyên trách tuyên truyền về kỳ họp của Quốc hội nhớ mãi buổi gặp thân thương, đầm ấm của dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2010) tổ chức tại Văn phòng Quốc hội. Hôm đó, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với các đại biểu tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với các đại biểu tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam

Ngày 19/6/2010, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII bế mạc. Đúng 9 giờ ngày 20/6/2010, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng đến thăm anh chị em làm công tác báo chí. Có lẽ, sau khi kết thúc công việc ở Đoàn Chủ tịch phiên bế mạc kỳ họp, điểm đến đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội chính là đến thăm các nhà báo.

Khi thấy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bước vào hội trường, mọi người đứng dậy vỗ tay chào đón. Chủ tịch Quốc hội không bước lên bàn chủ tọa, mà đi thẳng xuống phía dưới hội trường, chỗ ngồi của anh chị em phóng viên trẻ. Chủ tịch Quốc hội bắt tay, thăm hỏi thân thiện từng người. Giây phút đó dường như đã vơi đi một chút quy mô của không khí “lễ kỷ niệm”, nhường chỗ cho không gian chân thành và tình cảm.

Chủ tịch Quốc hội hiểu tường tận công việc hàng ngày của phóng viên, biên tập viên; chia sẻ với những khó khăn của từng tòa soạn. Đồng thời thấu hiểu từng bài viết, trang báo, số báo đã xuất bản: “Chúng ta có nhiều bài theo sát các hoạt động của Quốc hội, tuyên truyền kịp thời các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các đại biểu Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Nói chuyện với các nhà báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Báo chí là người thầy, người bạn”; đồng thời băn khoăn, trăn trở: “Viết báo về Quốc hội thì giống và khác các lĩnh vực khác ở chỗ nào? Điều gì làm nên bản sắc của bài báo viết về Quốc hội?” 

Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở: “Với tính chất của Quốc hội, yêu cầu đòi hỏi của Quốc hội thì báo chí chúng ta làm thế nào là phù hợp với chức năng báo chí và làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng đổi mới các hoạt động báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí viết về Quốc hội”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên khích lệ những người làm báo: “Con đường của chúng ta còn thênh thang rộng mở”...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên khích lệ những người làm báo: “Con đường của chúng ta còn thênh thang rộng mở”...

Tại buổi gặp gỡ thân tình ấy, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã truyền lửa cho những người làm báo cách mạng Việt Nam:

“Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc

Thênh thang đường lớn, vượt lên nào”.

Gọi các nhà báo là đồng nghiệp

“Chẳng mấy khi được tâm sự cùng đồng nghiệp”, chúng tôi nhiều lần được nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi là Chủ tịch Quốc hội Khóa XI, XII nói như vậy trong những lần được gặp đồng chí ở hội trường, ở phòng làm việc.

Đồng chí luôn yêu cầu nhà báo phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”.

Khi làm Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nhưng dường như cái "máu nghề báo" vẫn ăn sâu trong tâm trí của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Những lúc được gần đồng chí, chúng tôi được đón nhận những suy tư và hành động của một nhà báo giàu kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm phòng truyền dẫn, phát sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội (Hà Nội, 29/1/2009). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm phòng truyền dẫn, phát sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội (Hà Nội, 29/1/2009). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhớ lại, dịp tháng 8/2008, khi Văn phòng Quốc hội thông báo cho một số cán bộ và phóng viên báo chí chuyên trách tuyên truyền hoạt động của Chủ tịch Quốc hội có mặt ở Ga Hà Nội, tháp tùng Đoàn Chủ tịch Quốc hội đến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi.

Nhận điện, nhiều người ngần ngại: “Chẳng lẽ cán bộ Văn phòng Quốc hội báo nhầm địa chỉ "Sân bay Quốc tế Nội Bài" thành "Ga Hà Nội"?. Nhưng sự thật đúng như vậy. Chuyến đi địa phương lần đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đi bằng tàu hỏa.

Xuống ga Quảng Ngãi, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lên ngay chiếc xe ca đến thăm huyện Tây Trà - huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi - cũng là huyện khó khăn nhất của Việt Nam. Đồng bào các dân tộc huyện Tây Trà ào ra chiếc xe con để đón, không ngờ đồng chí Nguyễn Phú Trọng lại bước xuống từ chiếc xe ca 24 chỗ ngồi.

Một người làm báo khiêm tốn, tâm huyết

Được phục vụ đồng chí Nguyễn Phú Trọng cả hai nhiệm kỳ khi là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí luôn trao đổi nhỏ nhẹ, nhưng có sức mạnh, lắng đọng trong tâm khảm người nghe.

Những lần đồng chí Nguyễn Phú Trọng tới thăm cơ quan báo chí, các nhà báo cảm nhận khi ấy giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với anh em làm báo không có khoảng cách. Đồng chí bắt tay chân tình và hỏi han rất gần gũi mọi người. Các nhà báo được đón nhận một nhân cách lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ẩn sâu bên trong người lãnh đạo bình dị và gần gũi.

Nhiều nhà báo lão thành nhớ mãi hình ảnh người phóng viên, biên tập viên Nguyễn Phú Trọng cần mẫn, tâm huyết với nghề báo.

Là nhà báo giỏi, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khiêm tốn trong nghề. Đồng chí căn dặn: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn”.

Tin tưởng vào sự trưởng thành của báo chí nước nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn báo chí tiếp tục truyền cảm hứng cho các tầng lớp Nhân dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất Việt…