Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình.Ảnh: Thanh Hải
Ghi nhận những đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát, song nhiều cử tri quận Ba Đình vẫn bày tỏ mong muốn Quốc hội tiếp tục cải tiến hoạt động tiếp xúc cử tri theo hướng mở rộng đối tượng được tham gia, tránh tình trạng "cử tri chuyên nghiệp", tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Cử tri phường Quán Thánh cho rằng: Những vấn đề dân sinh bức xúc đã được đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn công khai trước diễn đàn Quốc hội, song cần giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết quả thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Đưa ra những băn khoăn lo lắng trước tình trạng tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội, cử tri mong Quốc hội phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát tối cao trong lĩnh vực này. Cử tri Đinh Văn Dung (phường Trúc Bạch) nhận định: Công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai. Dù có nhiều cấp thanh tra nhưng không phát hiện kịp thời để ngăn chặn.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI "Một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng hiện nay" đã được nhiều cử tri quan tâm đề cập và cho rằng kết quả đạt được trong xây dựng chỉnh đốn Đảng mới chỉ là bước đầu. Cử Tri Phan Đức Thuyên (tổ dân phố 22 phường Kim Mã) cho rằng: Trước đây, T.Ư Đảng từng có Nghị quyết về chống tham nhũng nhưng hiệu quả chưa cao bởi còn thiếu quyết tâm chính trị và cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc phát hiện và xử lý các tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước các cấp cần được tiến hành kiên quyết, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Cử tri Phan Đức Thắng cũng bày tỏ: Hy vọng việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm của ĐBQH với các chức vụ do Quốc hội bầu sẽ được thực hiện trong năm tới để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ.
Tại cuộc tiếp xúc, một số vấn đề bất cập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như chương trình đổi mới sách giáo khoa, dạy thêm học thêm, trình độ chuẩn của giáo viên, chế độ thâm niên cho nhà giáo nghỉ hưu cũng được nhiều cử tri đề cập. Cử tri Nguyễn Trọng Chuẩn (phường Cống Vị) cho rằng, nền giáo dục đang tồn tại nhiều bất cập, và nhận định "việc Hội nghị T.Ư 6, khóa XI không ra Nghị quyết về đổi mới giáo dục là đúng, vì chưa chín muồi. Cần thực hiện cải cách giáo dục chứ không phải đổi mới như đang đặt ra".
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai 2003, nhiều cử tri quận Ba đình đã phản ánh những bất cập của chính sách giải phóng mặt bằng và kiến nghị Luật cần điều chỉnh quy định giá đền bù khi thu hồi đất phải sát với giá thị trường, điều kiện sống tái định cư của người dân phải thực sự bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Cùng với đó, vấn đề đời sống dân sinh, vật giá leo thang, điện, xăng, dầu... làm cho lạm phát tăng nhanh cũng được phản ánh rõ.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thu và cảm ơn các ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cử tri quận Ba Đình đối với Quốc hội. Giải đáp các nhóm vấn đề cử tri quan tâm, Tổng Bí thư khẳng định: Trên thực tế, Đảng đã có những đổi mới về phương thức lãnh đạo, đảm bảo định hướng chính trị, tạo sự đồng thuận trong Quốc hội, phát huy dân chủ đúng khi quyết nghị các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng tình với băn khoăn của cử tri về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Quốc hội cũng mong muốn luật ban hành ra được triển khai ngay vào cuộc sống, không còn tình trạng Luật khung, luật ống, nhưng làm được ngay trong điều kiện hiện nay là khó, bởi 2/3 số ĐBQH là kiêm nhiệm. Do đó, cố gắng những Luật nào có thể cụ thể được thì cụ thể, nhưng có những vấn đề chỉ đảm bảo nguyên tắc. Ngay Kỳ họp tới, Quốc hội xem xét 18 luật, trong đó dự kiến thông qua 9 luật, đều là những luật khó như Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng…, nên phải làm rất cẩn thận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Một nội dung mới sẽ được đề cập tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII là việc thông qua đề án lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Đây là vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhưng để triển khai hiệu quả cần phải hiểu đúng thế nào là lấy phiếu tín nhiệm và thế nào là bỏ phiếu tín nhiệm. Về vấn đề này, theo Tổng Bí thư, đây chính là một hình thức giám sát đòi hỏi bản lĩnh của ĐBQH và vai trò giám sát của nhân dân. Tổng Bí thư cũng đồng ý với ý kiến của cử tri về việc cần tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Không chỉ định kỳ, mà cần tiếp xúc cử tri hàng ngày qua cuộc sống, qua nhiều kênh thông tin.
Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình với nhận định đây chỉ là kết quả bước đầu, không chỉ làm một lần là xong, cho xong. Cả quá trình thực hiện còn cần phải thẩm định, cơ quan tham mưu báo cáo, nơi nào chưa đạt yêu cầu thì phải làm lại. Tổng Bí thư khẳng định, đây là lần đầu tiên Đảng tiến hành đợt kiểm điểm dài và kỹ. Nhân dịp này Tổng Bí thư đề nghị chính quyền các cấp TP, quận Ba Đình tiếp thu và khẩn trương xem xét giải quyết các vấn đề cử tri nêu.