Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng công ty Viglacera không "lật kèo" khách hàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mấy ngày gần đây rộ lên thông tin khách hàng "tố" Công ty Đầu tư và Hạ tầng Đô thị Viglacera (Công ty Viglacera) thuộc Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Tổng công ty Viglacera) "lật kèo" khách đầu tư dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương (Từ Liêm - Hà Nội), phóng viên đã có cuộc tiếp xúc với đại diện Tổng công ty Viglacera để tìm hiểu thực hư vấn đề này.

Cao hơn giá thị trường?

Theo ông Đào Đình Thi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera, dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương (Từ Liêm - Hà Nội) đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tỷ lệ 1/500. Để tạo một phần kinh phí giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên (CBCNV), Tổng công ty có văn bản số 125/TCT-TCKT ngày 08/02/2007 để huy động tiền gửi từ CBCNV với lãi suất 0,8%/tháng, giá chuyển nhượng dự kiến 8 triệu đồng/m2 và giá hoàn thiện 3,5 triệu đồng/m2, huy động mức tối thiểu tương ứng 20% giá trị căn nhà (khoảng 330 triệu đồng) nếu dự án được thực hiện sẽ ưu đãi CBCNV mua nhà.

Ngày 15/9/2011, Tổng công ty đã thanh lý sổ tiết kiệm, trả cả gốc lẫn lãi và thông báo cho khách hàng nào có nhu cầu đăng ký mua nhà dự án sẽ được ưu đãi chọn căn, chọn hướng.

Mức giá mà Công ty Viglacera đưa ra trung bình 34,9 triệu đồng/m2, xây thô 9,3 triệu đồng/m2. Tính ra, 1 căn nhà liền kề rộng gần 80m2 được chủ đầu tư bán giá hơn 5 tỷ đồng/căn cao gấp 3 lần so với giá cam kết ban đầu.

Sau khi thông báo này được đưa ra, khách hàng đã "tố" Tổng công ty "lật kèo", bán với giá cao hơn các dự án khác cùng thời điểm, không có căn cứ để  xác định giá xây dựng 9,3 triệu đồng/m2, đồng thời lên tiếng về việc chậm tiến độ dự án không có thông báo.

Cần sự thấu hiểu của khách hàng

Trước việc CBCNV phản đối các quyết định của Tổng công ty, ông Đào Đình Thi lý giải, trong quá trình thực hiện có những phát sinh như giải phóng mặt bằng, do quy hoạch chung sáp nhập Hà Nội - Hà Tây, do các chính sách quy định khác của Hà Nội và Bộ Xây dựng về quy hoạch chung nên đã tạm dừng các dự án để rà soát lại.  

Giải thích về mức giá cao hơn so với dự kiến ban đầu, đại diện Tổng công ty nhấn mạnh, quá trình thực hiện có rất nhiều chi phí đã phát sinh. Cụ thể: phát sinh về chi phí di dời, giải phóng mặt bằng 70 tỷ đồng, tiền lãi Tổng công ty phải trả cho khoản vay của CBCNV từ 2007 - 2011 là 75 tỷ đồng. Phát sinh về chi phí sử dụng đất, năm 2007 chi phí này 3 triệu/m2, từ ngày 02/12/2011 đối với đơn giá nhà ở thấp tầng do thành phố Hà Nội quy định hơn 15 triệu đồng/m2 (gấp 5,1 lần so với năm 2007). Phát sinh chi phí đầu tư xây dựng cơ bản do giá cả vật tư, vật liệu trên thị trường biến động 1,64 lần, chi phí nhân công tăng khoảng 1,96 lần.

Ông Thi cung cấp thêm, quá trình dự án chưa triển khai, nhiều người là CBCNV của Tổng công ty đã chuyển nhượng sổ tiết kiệm cho các nhà đầu tư bên ngoài với mức giá chênh lệch từ 200 triệu đồng/sổ cho đến 2 tỷ đồng/sổ. Nên việc họ phản đối cũng là có lý do.

Với các chi phí phát sinh như trên, ông Đào Đình Thi cho rằng, đây là những căn cứ để xây dựng giá kinh doanh tại Dự án trên cơ sở hài hòa giữa chi phí đầu tư, lợi nhuận dự án và giá thị trường, Tổng công ty không "lật kèo" khách hàng.

Vẫn thấp hơn các dự án khác?

Ông Đào Đình Thi đánh giá, so với các dự án khác cùng khu vực, giá bán trung bình của dự án Xuân Phương thấp hơn giá thị trường khá nhiều.  

Bên cạnh đó, tiêu chí của Công ty Viglacera là xây dựng khu đô thị đẹp với thiết kế của Singapore, mang đến cho khách hàng các tiện ích tốt nhất, không gian sống trong lành nhất.

Để kiểm chứng lời ông Thi, trong vai nhà đầu tư, phóng viên đã có cuộc khảo sát một số văn phòng môi giới BĐS trên đường Xuân Phương.

Tại trung tâm giao dịch BĐS Tây Đô Land, anh Nguyễn Duy Tô - trưởng Phòng kinh doanh -  giới thiệu một số dự án mà trung tâm có, tuy nhiên đây là giá thị trường mà các nhà đầu tư ký gửi. Cụ thể:  Dự án dành cho CBCNV Văn phòng Quốc hội có giá 72 triệu/m2 (bao gồm tiền xây thô 4,5 tầng); Dự án của Tasco có diện tích rất lớn từ 200m2 trở lên với giá 35-40 triệu/m2 (chưa có hạ tầng), tuy nhiên dự án này chỉ có biên bản ghi nhớ chứ chưa có hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng kinh tế; Dự án Xuân Phương của Viglacera, 45 – 47 triệu đồng/m2 (bao gồm tiền xây thô)…  

Tương tự, tại văn phòng giao dịch BĐS ngay lối vào cổng khu đô thị Vân Canh, anh Hưng - nhân viên giao dịch ở đây cũng đã giới thiệu một số dự án trên trục đường Xuân Phương - Vân Canh với mức giá tương tự anh Tô giới thiệu.

Như vậy, Trước thắc mắc của phóng viên về giá chênh lệch giữa các lô đất tại các dự án trên cùng một trục đường, đại diện các trung tâm môi giới này giải thích rằng do vị trí đắc địa, hạ tầng, thiết kế của từng dự án khác nhau nên mỗi dự án đều có giá khác nhau. Ngay trong cùng một dự án, với vị trí đường lớn, vị trí đường nhỏ cũng có giá chênh lệch vài triệu/m2 là chuyện bình thường.

"Với mức giá đưa ra như vậy, nhưng hiện nay đã có 92% khách hàng thanh lý sổ tiết kiệm và tiến hành các bước tiếp theo để ký kết hợp đồng. Nếu CBCNV nào không có nhu cầu mua nhà tại dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương hoặc từ chối mua nhà tại thời điểm này, Tổng công ty sẽ hoàn trả lại số tiền lãi + gốc theo thỏa thuận." - ông Đào Đình Thi, Phó Tổng giám đốc, tiết lộ.