Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm, hằng năm, 100% khu dân cư trên địa bàn huyện tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Riêng năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng huyện Gia Lâm vẫn có hơn 50% khu dân cư tổ chức Ngày hội.
“Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” trên địa bàn huyện Gia Lâm được tổ chức với phần lễ trang trọng, phần hội có nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa như: Văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, hội thi, hội diễn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; phát động trồng cây, hoa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang khu dân cư sạch, đẹp; thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; tổ chức tọa đàm, trao đổi, phát huy sáng kiến của nhân dân về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công, cán bộ Mặt trận các thời kỳ. Đặc biệt, nhiều thôn, tổ dân phố còn tổ chức “bữa cơm đại đoàn kết” do các hộ gia đình tự nguyện đóng góp… giúp phát huy truyền thống quê hương, tình làng, nghĩa xóm thêm gắn bó.
Tham gia Ngày hội, người dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, được thấy trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng huyện Gia Lâm thành quận…
Nhờ vậy, đến nay, Gia Lâm đã đạt được những kết quả quan trọng: Năm 2018, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Nông thôn mới; năm 2020, huyện không còn hộ nghèo; năm 2022, huyện giảm còn 255 hộ cận nghèo (0,32%). Đến nay, toàn huyện đã có 15/20 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và hoàn thành 28/31 tiêu chí xây dựng huyện thành quận. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95,6%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 98,8%; tỷ lệ hoả táng tăng từ 15,6% (năm 2010) lên 82% (năm 2022).
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái, Nhân dân huyện Gia Lâm đã đóng góp hơn 30,5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây sửa 753 nhà ở, tặng 2.687 sổ tiết kiệm cho người có công. Đồng thời, vận động được hơn 42,2 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ xây, sửa 687 nhà; hỗ trợ 184 phương tiện phát triển sản xuất, tặng 45.210 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 5.103 lượt người nghèo, cận nghèo được khám chữa bệnh, con em hộ nghèo được đi học…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao những kết quả huyện Gia Lâm đạt được trong giai đoạn 2003-2023, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp huyện Gia Lâm tiếp tục phát huy vai trò, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc tổ chức Ngày hội để thực sự là “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư.
Ủy ban MTTQ các cấp huyện Gia Lâm cũng cần chú trọng tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của MTTQ Việt Nam; về mục đích, nội dung và ý nghĩa của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Cùng với đó, phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội sát với tình hình thực tế; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là nâng cao chất lượng thực hiện xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện thành quận; chú trọng biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và xã hội...
Nhân dịp này, Huyện ủy, UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, giai đoạn 2003-2023.