Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Liên đoàn lao động đủ pháp nhân để xây nhà ở cho công nhân?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Câu chuyện đề xuất đưa dự thảo quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trở thành chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp (KCN) vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối.

Vậy, nên hay không nên cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ) tham gia đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân?. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thưa ông, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều nội dung quy định về việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động đã được quy định chi tiết hơn. Ông có đánh giá thế nào về những nội dung này?

- Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 – 2022, trong vòng 10 năm, mới chỉ hoàn thành đạt khoảng 42% kế hoạch đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Vướng mắc liên quan đến chính sách đối với NƠXH, doanh nghiệp tư nhân chưa được vay ưu đãi với lãi suất 4,8%; dự án NƠXH cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014 và tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, vì Tổng cục Thuế đã có Văn bản số 4216/2019/TCT-TTHT chỉ cho giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN...

Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang bị thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: Phạm Hùng
Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang bị thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: Phạm Hùng

Điều đó đã dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các KCN. Trước thực trạng nêu trên, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có nhiều nội dung cho khuyến khích tổ chức, DN và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư NƠXH, nhà ở công nhân. Chúng tôi đánh giá rất cao những đổi mới này từ phía cơ quan soạn thảo.

Trên thực tế, thời gian qua nhằm phục vụ cho nhu cầu về chỗ ở của công nhân, người lao động đặc biệt là ở các đô thị mô hình kinh doanh nhà trọ đã nở rộ. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 60.470 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, đã góp phần rất quan trọng giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại chưa quy định rõ về nội dung này.

Về khái niệm “nhà trọ”, cần hiểu rộng là nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân, DN đầu tư xây dựng, kinh doanh theo quy định pháp luật, gồm các phòng trọ để cho thuê phục vụ đối tượng công nhân, người lao động, người thu nhập thấp đô thị có nhu cầu, trừ nhà trọ kinh doanh cho thuê với mục đích du lịch, khách sạn...

Như vậy, luật đang bỏ sót một đối tượng công nhân, người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn. Ngoài ra, cũng đang giới hạn đối tượng là đoàn viên công đoàn đang làm việc tại KCN mới có quyền mua NƠXH còn đoàn viên công đoàn làm việc tại các cụm công nghiệp sẽ không được mua.

Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, Bộ Xây dựng đã đề xuất cho phép Tổng LĐLD Việt Nam tham gia đầu tư các dự án NƠXH và thiết chế công đoàn cho công nhân các KCN. Theo ông, với nội dung này thì cần phải quy định như thế nào cho phù hợp?

­ - Khoản 3 Điều 77 dự thảo Luật Nhà ở có xác định về hình thức phát triển NƠXH. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia phát triển nhà ở cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các KCN, mua, thuê, thuê mua…, có nghĩa là làm NƠXH để bán. Vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam có nên làm NƠXH để bán không hay chỉ nên làm cho người lao động thuê, bởi như quy định này thì Tổng LĐLĐ được xác định như một đơn vị kinh doanh BĐS bình thường, không phải đơn thuần là tổ chức chính trị - xã hội?

Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 78 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với nội dung: Tổng LĐLĐ Việt Nam được thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH, làm việc tại các KCN thuê thì Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn làm chủ đầu tư dự án NƠXH cho công nhân trong KCN hoặc xác định chủ đầu tư, theo đề nghị của Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, theo quy định của luật này và pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Đề xuất Tổng LĐLĐ tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân là phù hợp. Ảnh: Phạm Hùng
Đề xuất Tổng LĐLĐ tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân là phù hợp. Ảnh: Phạm Hùng

Thưa ông, dù là vậy nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư NƠXH cần vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài. Trong khi đề xuất Tổng LĐLĐ tham gia đầu tư là nội dung mới và thực tế cũng chưa có thời gian để đánh giá kết quả, nên tốt nhất là tạm thời dừng lại. Vậy, đâu là giải pháp, thưa ông?

­- Có thể khẳng định, Khoản 4 Điều 78 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH thuê, là phù hợp với vị thế của Tổng LĐLĐ, trong vai trò phối hợp với Chính phủ và các địa phương chỉ đạo phát triển NƠXH, nhà lưu trú công nhân. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ không nên trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án nhà ở này. Các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh BĐS thuộc Tổng TLĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ cấp tỉnh, hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật, có thể được lựa chọn làm chủ đầu tư các dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân trong và ngoài KCN.

Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên công đoàn và công nhân lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH, làm việc tại các KCN, thuê theo cơ chế “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam có tư cách pháp nhân, chức năng kinh doanh BĐS, đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án NƠXH, hoặc “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH cho công nhân trong KCN, tương tự như trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH, UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng, quy định tại khoản 1 Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Xin cảm ơn ông!