Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), ngày 13/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, Iran sẽ duy trì các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân chừng nào thỏa thuận này phục vụ các lợi ích quốc gia của Tehran.
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Rouhani cho biết thỏa thuận hạt nhân quốc tế, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), sẽ vẫn nguyên vẹn, không thay đổi và không thể đàm phán lại.
Ông Rouhani cho biết quyết định của Tổng thống Trump không xác nhận Iran tuân thủ JCPOA sẽ cô lập Mỹ với các bên ký kết vẫn cam kết thực thi thỏa thuận này.
Tổng thống Iran cũng nhấn mạnh không một tổng thống nào có thể hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế.
Ông Rouhani tuyên bố Iran không bao giờ khuất phục trước bất cứ áp lực nước ngoài nào.
Trước đó, hôm 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và sẽ cứng rắn với nước này.
Dư luận thế giới đã có những phản ứng khác nhau xung quanh quyết định của Tổng thống Mỹ không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Bà Federica Mogherini, Cao ủy về chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Mỹ không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận, đồng thời khẳng định, đây không phải là thỏa thuận song phương và châu Âu cũng như cộng đồng quốc tế đều nhận thấy thỏa thuận này vẫn đang được thực thi và sẽ tiếp tục được thực thi.
Bà Moherini cũng khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng chúng tôi có trách nhiệm chung để bảo vệ thỏa thuận này. Thỏa thuận hạt nhân với Iran không phải là vấn đề của riêng nước Mỹ mà là nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Cộng đồng quốc tế và EU thấy rõ thỏa thuận này đang và sẽ tiếp tục được thực thi. EU tiếp tục ủng hộ hòa toàn thỏa thuận và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc tất cả các điều khoản của thỏa thuận. EU cùng với cộng đồng quốc tế cam kết bảo vệ thỏa thuận vì lợi ích của tất cả mọi người, trong đó có người dân Iran.”
Lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức bày tỏ lo ngại và cảnh báo tuyên bố cứng rắn của Mỹ không xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận cũng như áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran có thể làm tổn hại tới việc thực thi thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, tuyên bố của Tổng thống Mỹ không xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân không có nghĩa là thỏa thuận hạt nhân chấm dứt. Pháp và các đối tác châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của họ đối với thỏa thuận này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói rằng, thỏa thuận hạt nhân của Iran đã cho thấy, lần đầu tiên có thể tránh được xung đột thông qua đàm phán.
Ông Gabriel nêu rõ: “Chúng tôi muốn giữ thỏa thuận này. Và mặc dù chúng tôi chỉ trích Iran khi nước này đóng vai trò phức tạp ở Trung Đông, nhưng để ngăn chặn một quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân, thì thỏa thuận này rõ ràng là dấu hiệu hy vọng duy nhất mà chúng tôi có hiện nay. Vì thế, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể trong vài tuần tới để thuyết phục Quốc hội Mỹ tiếp tục thỏa thuận này và cách thức để Iran thay đổi hành động trong lĩnh vực chính trị ở khu vực. Nhưng thỏa thuận hạt nhân cần phải được giữ nguyên”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định "rất đáng lo ngại" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra các nghi vấn vốn được giải quyết khi JCPOA được ký hồi năm 2015. Ông Ryabkov cho biết Nga coi nhiệm vụ chính của nước này giờ đây là ngăn chặn JCPOA đổ vỡ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giữ cam kết đối với thỏa thuận.
Ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng nhắc lại rằng, Iran vẫn đang nằm dưới sự kiểm tra, giám sát hạt nhân chặt chẽ nhất và nước này đã thực thi các cam kết về hạt nhân theo đúng các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.