Từ hợp tác kinh tế...
Bắt đầu chuyến thăm Moscow, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: "Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác song phương".
Phương tiện truyền thông Iran cho biết, Tổng thống Rouhani sẽ thảo luận một số thỏa thuận hợp tác kinh tế. Và việc thuyết phục và thúc đẩy Nga mua vũ khí cũng như tăng cường đầu tư vào ngành năng lượng của Iran là mục tiêu chính của ông Rouhani trong chuyến thăm Moscow. Chuyến thăm của Tổng thống Iran diễn ra 2 tháng trước cuộc bầu cử cho thấy, việc xây dựng hợp tác kinh tế với Nga là nỗ lực mà ông Rouhani mong muốn thưc hiện trước khi Iran có thể có sự thay đổi nội các sau cuộc bầu cử.
Các công ty của phương Tây phải chờ đợi sự chấp thuận của Mỹ trước khi quyết định đầu tư nào vào Iran. Do đó, cơ hội duy nhất của ông Rouhani là các công ty Nga để có thể ký thỏa thuận trước cuộc bầu cử, Reza Mostafavi Tabatabaei, nhà phân tích năng lượng lý giải. Về mặt năng lượng, Nga đã đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp Iran chấm dứt tình trạng bế tắc của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong bối cảnh các thỏa thuận bị cản trở bởi căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Saudi. Tổng thống Vladimir Putin đã trực tiếp can thiệp với cả 2 Hoàng tử Ả Rập Saudi, dẫn tới một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, giúp Iran được phép tăng sản lượng dầu mỏ trong khi Ả Rập Saudi đồng ý cắt giảm.
Dự kiến, các doanh nghiệp Nga - Iran sẽ ký kết khoảng 10 hợp đồng kinh tế trong chuyến thăm của Tổng thống Iran. Quan hệ kinh tế song phương đã có sự phát triển đáng kể trong khi cả Nga và Iran phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và vẫn đang hứa hẹn tăng trưởng khi thương mại song phương đã tăng gần gấp đôi từ tháng 1/2016 - 1/2017.
... đến hợp tác quốc phòng
Không chỉ dừng lại ở hợp tác kinh tế, Nga và Iran còn có sự gắn kết chiến lược trong vấn đề quốc phòng. Máy bay của Nga đã sử dụng căn cứ không quân ở Iran để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của quân khủng bố ở Syria từ mùa hè năm 2016. Đây là lần đầu tiên Moscow thực hiện một chiến dịch quân sự ở Iran kể từ những năm 1940. Điều này cho thấy, quan hệ chính trị và quân sự giữa Iran và Nga đang ở mức độ phát triển nhất, Ellie Geranmayeh - thành viên chính sách cấp cao của Hội đồng Đối ngoại châu Âu nhận định.
Bên cạnh đó, hợp tác chiến lược giữa Nga và Iran đã giúp cải thiện tình hình chiến sự ở Syria. Hồi đầu năm 2017, Iran - Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập một lệnh ngừng bắn và cam kết sử dụng sức ảnh hưởng để củng cố thoả thuận ngừng bắn tại Syria. Bên cạnh đó là thiết lập cơ chế 3 bên nhằm giám sát việc tuân thủ thoả thuận và ngăn ngừa sự gây hấn. Việc 3 nước xây dựng được thỏa thuận ngừng bắn đã đẩy Mỹ “ra rìa” trong việc gia tăng ảnh hưởng đến cục diện của Trung Đông.
Nhất là trong bối cảnh tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan tâm đến việc trừng phạt Iran hồi tháng 1/2017, việc Moscow và Tehran tăng cường hợp tác có khả năng sẽ đẩy Mỹ bị cô lập và giảm sức ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.