Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Mỹ và thông điệp biểu tượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/12, Tổng thống Mỹ đã có bài phát biểu quan trọng tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng về chiến lược chống khủng bố.

Động thái hiếm hoi này được giới phân tích cho là thông điệp mang tính biểu tượng cho quyết tâm chống khủng bố của nước Mỹ.

Thay đổi phương thức khủng bố

Theo đó, Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng chiến lược hiệu quả gắn liền với các giá trị của quốc gia.
Tổng thống Mỹ đã phải thay đổi chiến lược lãnh đạo trong năm cuối của nhiệm kỳ.
Tổng thống Mỹ đã phải thay đổi chiến lược lãnh đạo trong năm cuối của nhiệm kỳ.
Bài phát biểu của ông Obama diễn ra sau khi vụ thảm sát khiến 14 người thiệt mạng tại TP San Bernadino, California hôm 2/12 có khả năng là vụ tấn công tồi tệ nhất vào nước Mỹ có liên quan đến lực lượng Hồi giáo cực đoan kể từ vụ tấn công 11/9/2001.

Theo Tổng thống Obama, vụ xả súng tại San Bernadino đã cho thấy chủ nghĩa khủng bố đã chuyển sang một giai đoạn mới. Thay vì những kế hoạch tấn công phức tạp và quy mô lớn như vụ 11/9/2001, các phần tử khủng bố bắt đầu thực hiện những hành động bạo lực đơn giản hơn như xả súng mà điển hình là vụ việc tại Fort Hood năm 2009, Chattanooga đầu năm nay và gần đây nhất là San Bernadino.

Ông Obama cảnh báo, với sự trỗi dậy của IS tại Iraq và Syria cũng như sự phổ biến của mạng internet, các nhóm khủng bố đang tìm cách đầu độc tư tưởng của những kẻ cực đoan, lôi kéo các phần tử quá khích và gián tiếp gây ra những vụ khủng bố tại Mỹ như vụ đánh bom tại Boston năm 2013 và vụ xả súng tại San Bernardino vừa rồi.

Người dân chưa hài lòng

Đề cập đến chiến lược chống IS trong thời gian tới, Tổng thống Obama cho biết, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa xem xét lại chương trình miễn thị thực nhập cảnh để ngăn ngừa những phần tử như nữ sát thủ trong vụ xả súng tại San Bernadino có thể thâm nhập vào Mỹ. Để hạn chế vũ khí rơi vào tay các phần tử cực đoan, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ cấm tất cả những đối tượng nằm trong danh sách cấm bay được phép sở hữu súng, đồng thời siết chặt quy định mua vũ khí có khả năng gây sát thương cao như loại tiểu liên bán tự động được sử dụng trong vụ thảm sát tại San Bernadino.

Về khả năng triển khai bộ binh tới Iraq và Syria, Tổng thống Obama nhấn mạnh, Mỹ sẽ không sa lầy vào một cuộc chiến trên bộ lâu dài và tốn kém tại các nước này.

Tuy nhiên, thực tế là trước sự đe dọa ngày một rõ rệt của chủ nghĩa khủng bố, người dân Mỹ vẫn chưa hài lòng với cách xử lý của ông Obama. Một cuộc khảo sát tiến hành qua điện thoại từ 27/11 - 1/12 với 1.020 người trưởng thành cho thấy, người Mỹ tỏ ra ngày càng không hài lòng với việc xử lý của Tổng thống về vấn đề khủng bố và sẵn sàng gửi lính bộ binh Mỹ tham gia cuộc chiến chống IS.

Cụ thể, lần đầu tiên, phần lớn người Mỹ (53%) cho rằng, chính quyền Washington nên gửi lính bộ binh đến Iraq hoặc Syria để chiến đấu chống IS. Cùng lúc đó, khoảng 6/10 người được hỏi bất đồng với cách giải quyết vấn đề khủng bố và 68% người đánh giá, quân đội Mỹ đáp lại các nhóm khủng bố vẫn chưa đủ cứng rắn. Cuối cùng, 60% cho rằng hành động của quân đội Mỹ chống lại lực lượng IS tại Iraq và Syria đang kém đi.