Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tại Điện Kremlin hôm 24/10, Tổng thống Putin nói rằng các nước châu Âu sẽ trở thành mục tiêu của Nga nếu họ triển khai tên lửa hạt nhân của Mỹ sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tổng thống Putin nói rằng các nước châu Âu sẽ trở thành mục tiêu của Nga nếu họ triển khai tên lửa hạt nhân của Mỹ. |
Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, ông muốn thảo luận với Tổng thống Donald Trump cái mà ông cho là những "kế hoạch nguy hiểm" của Mỹ khi Washington ngỏ ý rút khỏi INF.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 11/11 tới. Thoả thuận INF được đề ra năm 1987 nhằm loại bỏ tên lửa tầm ngắn và trung tại châu Âu. Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm thoả thuận, điều mà Moscow đã chối bỏ.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với Tổng thống Putin trong cuộc gặp ngày 23/10 tại Moscow rằng, Mỹ sẽ vẫn rút khỏi Hiệp ước INF bất chấp sự phản đối của Nga cũng như một số nước châu Âu.
Trả lời trực tiếp cho câu hỏi rằng Nga có đáp trả nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, Tổng thống Putin khẳng định đanh thép rằng Nga sẽ đáp trả “rất nhanh chóng, rất hiệu quả".
“Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, câu hỏi chính đặt ra là họ sẽ làm gì với những tên lửa tầm trung. Nếu họ đưa chúng tới châu Âu, điều tất nhiên là chúng tôi sẽ có hành động tương tự để đáp trả. Các nước châu Âu đồng ý triển khai tên lửa của Mỹ. Nếu mọi thứ đi quá xa, họ sẽ phải hiểu rằng họ đang đặt lãnh thổ của mình vào nguy cơ bị tấn công đáp trả”, ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga lưu ý rằng các nước châu Âu nào đồng ý cho Mỹ triển khai tên lửa cũng “phải hiểu rằng họ đang đặt chính đất nước họ vào nguy cơ bị tấn công đáp trả".
Tổng thống Putin cũng nói rằng ông không hiểu vì sao nhất thiết phải đặt châu Âu vào vòng nguy hiểm. Đó là điều mà nước Nga đã muốn tránh hết sức có thể.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 24/10 đổ lỗi cho Nga vi phạm hiệp ước, đồng thời bày tỏ ông không tin lời đe dọa của Nga có thể dẫn tới việc Mỹ triển khai thêm tên lửa ở châu Âu. Moscow hiện có thể triển khai tên lửa tầm trung ở vùng Kaliningrad trên biển Baltic - một bước đi đe dọa đặt một loạt quốc gia châu Âu vào trong tầm bắn của tên lửa.
Tổng thống Putin cũng nói rằng ông lo ngại thế giới sắp “trượt” vào một cuộc chạy đua vũ trang và số phận của một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác giữa Nga và Mỹ - Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới, dự kiến hết hạn vào năm 2021, đang dần lu mờ..