Tổng thống Putin tìm cách ngăn doanh nghiệp phương Tây rời bỏ Nga

Hương Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh và hoạt động tại đây," Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nhấn mạnh.

Theo CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng ngăn chặn việc rời bỏ Nga của các doanh nghiệp phương Tây vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Biển báo Tập đoàn năng lượng Shell tại một trạm xăng ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Biển báo Tập đoàn năng lượng Shell tại một trạm xăng ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Một dự thảo sắc lệnh của Tổng thống đang được chuẩn bị nhằm hạn chế tạm thời đối với việc xuất ngoại tài sản của Nga, cảnh báo các công ty phương Tây cần đưa ra các quyết định sáng suốt hơn," Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin công bố ngày 2/3, các cơ quan thông tấn nhà nước TASS và RIA dẫn tin. 

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho rằng các công ty phương Tây đưa ra quyết định rút khỏi Nga vì "áp lực chính trị", và họ sẽ bị ngăn cản việc bán tài sản của Nga cho đến khi áp lực đó giảm bớt.

“Chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh và hoạt động tại đất nước chúng tôi," ông nhấn mạnh.

Tập đoàn dầu khí khổng lồ BP là một trong những nhà đầu tư lớn nhất đã rút khỏi Nga kể từ khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine vào tuần trước. Ngày 27/2, tập đoàn này cho biết họ đang có kế hoạch rút 19,75% cổ phần trong công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, Rosneft, và các liên doanh - tương đương với một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Nga.

Kể từ đó, các tập đoàn năng lượng khác bao gồm Shell (Mỹ) và Equinor (Na Uy) cũng lần lượt rút đầu tư khỏi Nga.

Mới nhất là Exxon Mobil (US) cam kết sẽ rời khỏi dự án dầu khí cuối cùng còn lại (liên doanh Sakhalin-1) ở Nga - một trong những khoản đầu tư trực tiếp quốc tế lớn nhất vào Nga, và sẽ không đầu tư vào những dự án phát triển mới ở quốc gia giàu dầu mỏ này.

Quyết định này được đưa ra ngay sau khi hãng năng lượng Total Energies (Pháp) cho biết họ sẽ không cung cấp vốn mới cho các dự án của Nga và đang đánh giá tác động của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các khoản đầu tư hiện tại của mình ở nước này.

Trong tuần này, hai nhà cung cấp thẻ tín dụng lớn nhất - Visa và Mastercard - cũng đang làm việc để triển khai các lệnh trừng phạt phản đối Nga.

Trong một tuyên bố mới nhất ngày 1/3, Mastercard cho biết họ đã "chặn nhiều tổ chức tài chính" khỏi hệ thống của mình do các lệnh trừng phạt và sẽ "tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý trong những ngày tới."

Các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu cũng đang tham gia cùng các công ty trên tìm cách bán phá giá tài sản của Nga. Thủ tướng Na Uy cho biết ngày 27/2, quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 1,3 nghìn tỷ USD của Na Uy sẽ thoái cổ phần tại 47 công ty Nga cũng như trái phiếu chính phủ Nga.

Nga đã cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính kể từ khi Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các đồng minh phương Tây khác áp đặt các biện pháp trừng phạt lên phần lớn hệ thống ngân hàng của nước này, bao gồm việc đóng băng hàng trăm tỷ đô dự trữ ngoại hối mà Moscow đã tích trữ trong nhiều năm, để bảo toàn cho nền kinh tế Nga và người dân. Các nhà phân tích đánh giá các biện pháp này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Ngày 1/3, đồng rúp giảm khoảng 25% so với đồng USD và hiện có giá trị khoảng một cent USD. Đồng rúp đã giảm khoảng một nửa giá trị kể từ lần đầu tiên Nga triển khai chiến sự tại Ukraine năm 2014, sáp nhập Crimea và đưa ra các biện pháp trừng phạt hạn chế hơn nhiều. Thị trường chứng khoán Nga đã không mở cửa giao dịch trong tuần này, nhưng cổ phiếu của các công ty Nga niêm yết ở nước ngoài đã giảm.

Các quan chức Nga đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để cố gắng ổn định hệ thống tài chính. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất lên đến 20% và tạm thời cấm các công ty môi giới Nga bán chứng khoán do người nước ngoài nắm giữ. Chính phủ đã ra lệnh cho các nhà xuất khẩu đổi 80% doanh thu ngoại tệ của họ lấy đồng rúp, và cấm người dân Nga chuyển khoản ngân hàng bên ngoài nước Nga.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nêu rõ: “Tôi chắc chắn áp lực trừng phạt cuối cùng sẽ giảm xuống và những doanh nghiệp - không cắt giảm đầu tư các dự án của họ ở đất nước chúng tôi, không bị khuất phục trước khẩu hiệu của các chính trị gia nước ngoài - sẽ giành chiến thắng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần