Trong cuộc điện đàm hôm 18/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh vai trò then chốt của thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới trong việc đảm bảo an ninh tại khu vực Trung Đông.
"Cả hai bên đều nhấn mạnh rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo an ninh ở Trung Đông cũng như duy trì cơ chế không phổ biến hạt nhân", hãng tin Reuters trích dẫn thông báo của Điện Kremlin về nội dung cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Macron và Putin.
Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết tại Vienna năm 2015 giữa Tehran với Nhóm P5+1, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, cùng với Đức.
Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA vào tháng 5 năm ngoái bất chấp những chỉ trích của dư luận quốc tế và việc hiệp ước hạt nhân này đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc phê chuẩn trở thành một nghị quyết. Washington cũng đã tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt chống Iran, một động thái mà nước Cộng hòa Hồi giáo lên án là hành động “khủng bố kinh tế”.
Điện Kremlin cho biết các nguyên thủ quốc gia Pháp và Nga cùng thống nhất quan điểm rằng cần thiết phải tiếp tục duy trì JCPOA, đồng thời cũng cam kết sẽ đẩy mạnh những nỗ lực hết sức để cứu thỏa thuận hạt nhân.
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các cường quốc châu Âu còn lại trong thỏa thuận hạt nhân cần thể hiện quan điểm rõ ràng hơn đối với JCPOA.
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, các nước Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, chính quyền Tehran đã chỉ trích các nước châu Âu chưa tuân thủ các cam kết để tiếp tục duy trì JCPOA, chưa có hành động để giúp nước Cộng hòa Hồi giáo hạn chế các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hồi tháng 5, Iran đã thông báo rút bớt các cam kết trong JCPOA để trả đũa các lệnh cấm vận của Mỹ đối với ngành dầu mỏ và ngân hàng của Tehran. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 8/7 đã xác nhận, Iran đã làm giàu uranium cao hơn giới hạn 3,67% quy định trong JCPOA.
Tuy nhiên, Iran cũng lưu ý rằng nước này có thể đảo ngược quyết định giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân trong trường hợp các bên ký kết JCPOA khác cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tương ứng.