Chuyến đi nhằm 2 mục đích chính là tái khẳng định lập trường của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế của cường quốc kinh tế số 1 thế giới này.
Nhà Trắng khẳng định, đây là chuyến công du khu vực dài ngày nhất của một Tổng thống Mỹ kể từ năm 1991 và cũng là chuyến đi có nhiều điểm dừng nhất tại khu vực trong 14 năm qua, kể từ chuyến thăm châu Á năm 2003 của cựu Tổng thống George W. Bush.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/11 đã lên chuyên cơ Air Force One để bắt đầu chuyến công du châu Á 12 ngày. Ảnh: Reuters |
Điểm đến đầu tiên của Tổng thống Trump sẽ là Hawaii, sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines
Đặc biệt, vào phút chót, ông Trump đã quyết định kéo dài chuyến thăm tới châu Á của mình để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ sẽ kéo dài chuyến đi châu Á để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Philippines.
Theo đó, từ ngày 5-14/11, ông Trump sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines trong chuyến công du tới khu vực lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Ngoài việc gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo của các nước, ông Trump cũng sẽ tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Mỹ - ASEAN.
Ngày 3/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không loại trừ khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị APEC sắp diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: “Chúng tôi không loại trừ về khả năng này, hiện cuộc gặp đang được hai bên thỏa thuận."
Mục đích của chuyến thăm châu Á lần này là tạo ra liên minh đối phó với những đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, cũng như trấn an các nhà lãnh đạo trong khu vực về khả năng quốc phòng và hợp tác thương mại của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân Melania Trump bắt đầu thực hiện chuyến công du châu Á 12 ngày. Ảnh: Reuters |
Anne Marie Slaughter, cựu Giám đốc kế hoạch chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump được bắt nguồn từ chương trình nước Mỹ đầu tiên của ông. Vì vậy, bà Slaughter dự đoán ông Trump sẽ cố gắng giành những thỏa thuận tốt nhất khi tới châu Á.
Đối với các chính quyền châu Á, chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ là cơ hội để giải quyết những nghi ngờ bấy lâu nay về sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực.
Theo các nhà phân tích, ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump với chuyến thăm này, đó là tiếp tục xây dựng một sự đồng thuận khu vực đối với chiến lược gia tăng sức ép về kinh tế cũng như ngoại giao chống Triều Tiên.
Tổng thống Trump cũng sẽ phải thúc đẩy việc thực thi các biện pháp trừng phạt mới, đặc biệt là với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên. Người đứng đầu nước Mỹ vẫn luôn cho rằng, Trung Quốc rõ ràng phải làm nhiều hơn nữa.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia có trách nhiệm, đặc biệt là những nước có ảnh hưởng với Triều Tiên cô lập hơn nữa chính quyền nước này về kinh tế và chính trị.
Chặng dừng chân được dư luận đặc biệt quan tâm trong chuyến công du châu Á đầu tiên này của Tổng thống Trump chính là Trung Quốc, với cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc cách đây đúng 2 tuần.
Đối với Mỹ, để Triều Tiên nguyên trạng như hiện nay là không thể chấp nhận được. Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động trao đổi thương mại, đặc biệt là dầu mỏ với Triều Tiên và phải đưa ra nhiều biện pháp cưỡng chế hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc, dù trên thực tế cũng đã gia tăng sức ép kinh tế với chính quyền Triều Tiên song vẫn muốn một cách tiếp cận từng bước hơn. Nước này muốn tránh nguy cơ một sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên có thể gây hậu quả nặng nề với Bán đảo Triều Tiên và ngay cả với Trung Quốc khi có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng.