Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thư ký LHQ ca ngợi phản ứng của Hy Lạp trước khủng hoảng di cư

Tuyết NhungTheo Xinhuanet
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuyến thăm trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở đảo Lesvos, Hy Lạp vừa qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon ca ngợi phản ứng của Hy Lạp trước cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra.

Trong chuyến thăm tới Hy Lạp, người đứng đầu LHQ đã ví Lesvos như một “hòn đảo của sự hòa bình” và Aegean “vùng biển của tình đoàn kết”. Đồng thời bày tỏ sự cảm ơn tới chính phủ Hy Lạp, chính quyền cũng như Nhân dân Lesvos đã có những nỗ lực nhằm giúp đỡ người tị nạn.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thăm trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở đảo Lesvos, Hy Lạp
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở đảo Lesvos, Hy Lạp.
Cùng đi với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon có Bộ trưởng Bộ Chính sách di cư của Hy Lạp Yiannis Mouzalas và quan chức địa phương. Trò chuyện cùng các quan chức địa phương tại trung tâm tiếp nhận người tị nạn Moria và Kara Tepe thuộc Lesvos, ông Ban Ki-moon cho biết, LHQ khẳng định về tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng người tị nạn tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu. Đồng thời lưu ý rằng, vấn đề này sẽ được đưa ra tại Đại hội đồng LHQ diễn ra vào tháng 9 tới.
Trước đó trong ngày, trong cuộc họp báo chung tại Athens với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, ông Ban Ki-moon cũng ca ngợi phản ứng của nước này với cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ cho hàng ngàn người tị nạn. Theo số liệu từ Chính phủ Hy Lạp, hiện nước này đang cưu mang hơn 56.000 người di cư chủ yếu đến từ Trung Đông. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng các trại tị nạn vẫn còn thiếu trang bị và không phù hợp với người di cư ở trong thời gian dài.

Theo số liệu của LHQ, Lesbos đã tiếp nhận khoảng 500.000 lượt người tị nạn trong năm 2015. Hơn một triệu người di cư và đi thuyền tới bờ biển Hy Lạp kể từ tháng Giêng năm 2015, trong đó hàng ngàn người đã bị chết đuối trên biển. Tỷ lệ di cư đã giảm mạnh kể từ tháng 3 năm nay do một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Đồng thời, các nước vùng Balkan, nằm về phía bắc của Hy Lạp, bắt đầu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn người tị nạn.