Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. |
FDI góp 72% tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng 2018 Uỷ ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra gửi tới Quốc hội đã lưu ý về sức ép lạm phát do diễn biến phức tạp giá dầu thế giới và từ các chính sách điều chỉnh giá sắp có hiệu lực như tăng lương tối thiểu vùng, giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá thực phẩm... Ngoài ra, sự phụ thuộc quá nhiều của nền kinh tế vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dự kiến cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Cập nhật đến 20/4, tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,06 tỷ USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ 2017; giải ngân FDI ước đạt 5,1 tỷ USD... Tính chung khối FDI góp 72% tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng 2018, còn năm 2017 khu vực này góp 70%. "Kinh tế phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nước ngoài như vậy, khi họ ra đi chúng ta còn lại gì? Trong khi đó sự liên kết giữa khu vực này và doanh nghiệp trong nước rất yếu", đại biểu Trương Trọng Nghĩa quan ngại khi góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 21/5. Liên quan tới đất tại nơi sắp hình thành đặc khu kinh tế như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh), Uỷ ban Kinh tế cho hay, có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định. Uỷ ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ có giải pháp để thị trường bất động sản minh bạch, ổn định, không để có khoảng trống trong quản lý Nhà nước với một số loại hình bất động sản mới như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng... |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017). Và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
"Đã có 80 ĐB đăng ký phát biểu", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay.
Tranh luận mở rộng đấu giá biển số xe đẹp
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) là người phát biểu đầu tiên. ĐB ấn tượng với kết quả tăng trưởng 7,38% quý I/2018. Tuy nhiên, ông góp ý trong xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế, chưa thể hiện nguyện vọng cử tri.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn chứng: Kho số viễn thông, kho số khác là tài sản công, trong đó có biển số xe; nếu triển khai đấu giá biển xe thì hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỷ đồng, song khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì chỉ nêu đấu giá biển số đẹp, chiếm chưa tới 1% kho số.
Theo ĐB Cảnh, trong kho số có hơn 12% biển số xe có thể được xếp vào diện biển đẹp nhưng dự thảo Nghị định khống chế số lượng chưa đến 1%. Ngoài ra, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số tiếp tục với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách. "Từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí", ĐB nhấn mạnh.
Tranh luận với ý kiến của địa biểu Cảnh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho hay, trên thế giới có một số nước thực hiện đấu giá biển số đẹp, nhưng nhiều nước không đấu giá. "Bản chất của biển số đẹp giống như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân là để thực hiện việc quản lý nhà nước, nếu đấu giá phá sẽ phá vỡ hệ thống quản lý", ông nói.
Ngoài ra, theo ông, nhiều cử tri đặt vấn đề "nếu nhà nước tổ chức đấu giá biển số đẹp, công dân có quyền từ chối biển số xấu hay không?". Đại biểu Hồng cũng cho rằng, nhận xét Nhà nước đang lãng phí hàng nghìn tỷ do không đấu giá biển số đẹp là chưa có cơ sở, do giá cả thay đổi theo từng thời kỳ, tâm lý của người dùng.
"Tính bền vững của những yếu tố vĩ mô như thế nào?"
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về KT-XH, cho rằng báo cáo có chiều sâu, số liệu đầy đủ, thuyết phục; khẳng định bức tranh KT-XH năm qua rất sáng, mang lại niềm tin cho cử tri và nhân dân. Chúc mừng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những kết quả đã đạt được, đại biểu nêu một loạt số liệu về công, nông, ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ... đều tăng trưởng vượt bậc để minh chứng cho nhận định của mình.
Bên cạnh đó, đại biểu góp ý một số nội dung nhằm phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm...Tuy nhiên, ông cho rằng, chất lượng tăng trưởng như thế thế nào, đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, cơ cấu xuất khẩu,... cần được phân tích kỹ hơn. "Tính bền vững của những yếu tố vĩ mô như thế nào?", ông đặt câu hỏi.
Về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2018, đại biểu Xuân cho rằng, việc Chính phủ nêu "do những tháng đầu năm vướng nhiều ngày nghỉ lễ" là chưa thoả đáng, cần đánh giá đầy đủ hơn. Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân: "Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới".
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu. |
Vẫn còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản
Góp ý báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, sẽ toàn diện hơn nếu không chỉ đề cập đến số liệu thu chi mà có những đánh giá về chính sách.
Đại biểu Mai cho rằng, về kế hoạch đầu tư công trung hạn gần 2 năm thực hiện vẫn rất khó khăn trong thực hiện, nợ đọng xây dựng cơ bản tại một số địa phương hiện rất lớn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư cơ bản khó khăn. Luật quy định không cho phép vượt tổng mức đầu tư, song thực tế khảo sát nhiều dự án đầu tư lớn, trọng điểm hầu hết đều vượt. Trong khi đó, mức trần ODA hiện đã vượt ngưỡng gần 173.000 tỷ đồng ảnh hưởng an toàn nợ công. Chính phủ nên sớm báo cáo Quốc hội vấn đề này để sớm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn sớm nhất.
"Ước kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa"
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, cho rằng đất nước đã đạt được các kết quả toàn diện và hết sức tích cực khi GDP tăng cao nhất trong 10 năm qua; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả ấn tượng... để đạt được kết quả này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của đồng bào, cộng đồng doanh nghiệp...ĐB Cầu cho rằng trong lĩnh vực xã hội gần đây có "những việc động trời, khó tin" như, một số vụ giết người gây chấn động, thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau... "Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn, giá như kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội như ngày xưa", ĐB Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu góp ý một số giải pháp nhằm nâng cao đạo đức xã hội, bảo đảm nghiêm minh kỷ cương phép nước, đề nghị Chính phủ có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, những hành vi mất nhân tính, vấn nạn hàng giả... xảy ra thời gian qua như: Làm thuốc chữa ung thư bằng than tre, bạo lực học đường, các vụ án giết người dã man...
Cần nâng cao mức tích lũy của nền kinh tế
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khẳng định kinh tế đất nước năm 2017 có sự tăng trưởng ngoạn mục, với nhiều điểm sáng, những thành tựu toàn diện đã đạt được khẳng định quyết tâm rất cao của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và cả hệ thống chính trị... Tuy nhiên đại biểu cũng chỉ ra những khoảng lặng, những khó khăn, thách thức và góp ý một số giải pháp nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững; nâng cao mức tích lũy của nền kinh tế;...
Ngay sau đó, các đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Trần Công Thuật (Quảng Bình), Trần Thị Hồng (Bắc Ninh), Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng), Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng)... phát biểu một số vấn đề góp phần cùng Chính phủ xây dựng các giải pháp điều hành cho năm 2018 và những năm tiếp theo như: Đảm bảo tăng trưởng bền vững; thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động; tối giản hóa thủ tục hành chính; khắc phục những hạn chế đầu tư công trong nông nghiệp; sửa đổi mức hạn điền, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng chuyên canh lớn trong nông nghiệp; đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; phát triển cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL; các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thời hội nhập; xử lý các dự án thua lỗ; chống khai thác cát trái phép; ngăn chặn nạn phá rừng; giải pháp căn cơ để không còn câu chuyện "nông nghiệp giải cứu", "nông nghiệp từ thiện"; phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, bảo đảm phát triển đồng đều và phát triển những khu kinh tế động lực của đất nước...
"Những khoảng lặng của tăng trưởng"
Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng".
ĐB Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.
"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm nói.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng: Trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng. |
Ngoài ra, theo ông Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng ỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu.
"Mối liên kết cũng như việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với trong nước chưa đạt như mong muốn", ĐB Hàm nhấn mạnh.
Đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra trong báo cáo "căn cơ, toàn diện", nhưng ông Hàm cho rằng, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cần có ưu tiên, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...
Tranh luận về tăng trưởng kinh tế phụ thuộc khai khoáng
Đại biểu Trần Quang Chiểu đã đăng đàn tranh luận với ý kiến của ĐB Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách.
Giơ cao tập báo cáo Chính phủ, ông Chiểu nói khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn.
Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.
"Đây là số liệu Chính phủ gửi đại biểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ", ông Chiểu nói và nhấn mạnh quan điểm của mình là, "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".
Trao đổi lại với đại biểu Chiểu, ĐB Hoàng Quang Hàm nói bản thân cũng thống nhất với báo cáo Chính phủ về việc đã "giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, dầu thô trong tăng trưởng".
Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5, theo đó sản lượng khai thác dầu cả năm 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn; "nghĩa là chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP".
ĐB Hàm nhấn mạnh: "Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành", song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất".
không nên bắt người dân nộp phí 10%
Phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thanh Quang cho rằng, những sai phạm kéo dài ở nhiều địa phương trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, công tác cán bộ,... đang cần được Trung ương, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn. ĐB Quang nhấn mạnh: "Đà Nẵng là một địa phương như thế với sự chậm trễ trong kiện toàn bộ máy, tổ chức như không có Chủ tịch HĐND thành phố, thiếu một Phó chủ tịch HĐND TP, một Phó chủ tịch UBND TP".
Theo ông, năm 2010 chính quyền Đà Nẵng chủ trương trong 60 ngày nếu người dân, doanh nghiệp nộp đủ tiền khi giao đất thì được giảm 10% trên tổng số tiền nộp; khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cho thời hạn sử dụng lâu dài nếu nộp đủ tiền sử dụng.
Đến năm 2012, Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm, yêu cầu thu hồi 10% đã giảm nêu trên, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất… Song có nhiều người dân, doanh nghiệp đã bán đi bán lại phần diện tích đất nêu trên và những người chủ hiện nay vừa phải mua đất theo giá thị trường, vừa phải làm theo kết luận thanh tra, vừa phải trả 10% tiền sử dụng đất mà chủ trước đã giảm…
"Người dân cho rằng ai sai, người đó chịu. Sai là ở chính quyền, còn họ làm đúng. Do vậy, chúng ta không nên điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, không nên bắt người dân nộp phí 10% vì hiện còn tới 8.000 người dân còn nợ tiền sử dụng đất", ĐB nói.
Tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên phải thực hiện tốt hơn
Đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô, ĐB Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại & công nghiệp (VCCI) cho hay tăng trưởng GDP 2017 đạt 6,81%; quý I năm nay là 7,38%; mỗi ngày bình quân 300.000 doanh nghiệp mới thành lập; áp lực nợ công vượt trần 65% GDP đã giảm đáng kể so với trước; 1,5 triệu lao động hằng năm có việc làm mới...
"Đây là những thành công bước đầu, nhờ giải pháp ngắn hạn. Nhiều vấn đề cơ cấu nền kinh tế mới ở mức nhận diện, chưa có giải pháp căn cơ", ông nói. Ví dụ, trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng Việt Nam là một trong quốc gia "nói nhiều về cách mạng 4.0", nhưng nếu không có đổi mới tư duy trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới y tế, giáo dục,... thì lấy đâu ra những sáng chế khoa học mới ứng dụng vào khởi nghiệp, sản xuất.
Đại biểu Lộc lưu ý, chính sách tài khóa đã cố gắng cân bằng ngân sách, bán tài sản công, thu từ cổ tức doanh nghiệp Nhà nước,... khi số này cạn kiệt thì chuyển sang tăng thu từ thuế. "Nếu tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên thực hiện tốt hơn thì đã không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc", ông Lộc nêu.
Còn tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, sợ mất quyền lợi
Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, qua 2 năm thực hiện kết luận Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, bên cạnh các kết quả thì tổng số người hưởng lương từ ngân sách còn cao, chi thường xuyên ngày càng tăng trong tổng chi... Nguyên nhân chủ yếu nằm ở yếu tố chủ quan, người đứng dầu quyết tâm chính trị chưa cao, còn tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, sợ mất quyền lợi.
Do đó, đại biểu Thăng đề xuất 6 giải pháp, trong đó có việc Chính phủ cần nêu rõ hơn mục tiêu tinh giản biên chế, công khai các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực này; sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công lập...
Nhiều công nhân trong tình trạng "5 không"
Đề cập tới đời sống của công nhân ở khu công nghiệp, đại biểu Triệu Thế Hùng cho hay, bên cạnh khó khăn vật chất thì văn hóa là điều đáng lo ngại: "Có ý kiến cho rằng, nhiều công nhân đang trong tình trạng 5 không: Không tình yêu, không nhà cửa, không gia đình, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Việc thụ hưởng văn hóa của họ không có gì đáng kể, không được tiếp nhận thường xuyên về tình hình chính trị, xã hội".
Theo đại biểu Hùng, cả nước có 4 triệu công nhân làm ở hơn 300 khu công nghiệp, con số này còn gia tăng, do vậy, Chính phủ cần rà soát chính sách hợp lý để đảm bảo công đoàn hoạt động đủ mạnh, đại diện quyền lợi chính đáng cho công nhân. Do đó, Nhà nước phải có quy định cụ thể để chủ lao động nhận thức được quyền tiếp cận thông tin giải trí, văn hóa, thể thao, thỏa mãn nhu cầu giải trí, hoạt động xã hội của công nhân.
Đại biểu Hùng nhấn mạnh: "Phải tăng mức lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống tối thiểu cho công nhân. Có như thế họ mới nghĩ tới việc thụ hưởng văn hóa và khi đó năng suất lao động sẽ tăng, có lợi cho cả hai bên người lao động và sử dụng lao động, giúp đất nước phát triển bền vững".
Trong phiên thảo luận sáng 25/5, có 25 đại biểu phát biểu; 4 đại biểu phát biểu tranh luận.
Tại phiên khai mạc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới trước Quốc hội. Theo báo cáo, tình hình kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được chỉ đạo quyết liệt, ban hành kết luận, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Chính phủ cũng tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên Internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, Tập đoàn Dầu khí…. Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, khó khăn và thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Việc quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí; phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý nhà, đất, phải xử lý hình sự. Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mạng, chuyển tiền còn bất cập. |