Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng tiến công Xuân 1968: Đánh địch trên mọi vùng chiến lược

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ở tỉnh Quảng Trị, nhiệm vụ đánh địch ở Đường 9-Khe Sanh chủ yếu là do bộ đội chủ lực đảm nhiệm; còn đánh địch trong thị xã Quảng Trị- trung tâm tỉnh lỵ của ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ và vùng ven, lại có sự phối hợp chặt chẽ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng nhân dân.

Bài 2: Đánh địch từ thành thị đến nông thôn
Theo lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, lúc 2 giờ 30 phút, ngày 31/1, lượng lượng vũ trang cách mạng trên các mặt trận, địa bàn ở Quảng Trị đã vượt lưới lửa dày đặc của địch. Bộ đội địa phương tiến công vào phía Đông Nam thị xã Quảng Trị, gặp Tiểu đoàn dù số 8 của ngụy ở Trí Bưu. Tại đây, quân ta dũng cảm, ngoan cường chiến đấu với địch.
Trong khi đó, đêm 31/1 Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 324, bí mật vượt sông Thạch Hãn, tiến công Ty cảnh sát, Dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị. Ở phía Tây Nam thị xã Quảng Trị, bộ đội chủ lực Trung đoàn 2 đánh các mục tiêu: La Vang Thượng, La Vang Trung, Mộ Ông Chưởng...
Các chiến sĩ giải phóng dũng cảm giữ từng tấc đất của Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trên mặt trận đánh địch ở thị xã Quảng Trị, những người lính trinh sát thuộc Ban An ninh Quảng Hà lúc bấy giờ, là một trong những lực lượng sớm nắm bắt được tình hình quân địch.
Ông Lê Xuân Tánh, 66 tuổi, Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị, nguyên là trinh sát của Ban An ninh Quảng Hà cho biết: "Khi đó, tôi mới bước sang 16 tuổi. Ở độ tuổi này, tôi đã được cấp trên giao cho nhiệm vụ rất quan trọng, là trinh sát các cứ điểm của địch, sau đó dẫn đường cho bộ đội ta đánh địch trong nội thị."
Ông Tánh cho biết thêm, sau khi nắm bắt được tình hình của địch, lính trinh sát của ta đã dẫn Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 320, đi từ phía huyện Hải Lăng, bất ngờ đánh vào thị xã Quảng Trị. Bộ đội ta đã vây đánh địch ở Thạch Hãn, Hành Hoa, Trí Bưu... với tinh thần anh dũng, kiên cường, khiến quân địch phải co cụm phòng thủ.
Tuy nhiên, ở mặt trận thị xã Quảng Trị, quân ta không thể đánh địch dứt điểm được. Lực lượng của ta ở trong thị xã Quảng Trị bị Mỹ ngụy siết chặt vòng vây. Trước tình hình đó, bộ đội ta đã mở "đường máu" để rút ra vùng ngoại ô thị xã Quảng Trị.
Ở vùng ven, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng với nhân dân, đánh địch ở khắp nơi, theo đó, bộ đội địa phương huyện Cam Lộ và du kích hai xã Cam Thủy và Cam Mỹ, bao vây Chi khu Cam Lộ, đánh địch ở cầu Đuồi, Vĩnh An, giải phóng khu tập trung Cùa (nơi tập trung dân để địch quản lý).
Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng nhân dân, đánh chìm 3 tàu và giết hàng chục tên địch, trên tuyến vận tải đường thủy Cửa Việt-Đông Hà-thị xã Quảng Trị. Lực lượng của ta cũng tiến hành bao vây quận lỵ Triệu Phong và Hải Lăng, uy hiếp địch ở Cầu Nhùng, Bến Đá, Đa Nghi...
Được sự hỗ trợ của bộ đội, nhân dân các xã Gio Hà, Gio Mỹ, Gio Lễ, Gio Hải huyện Gio Linh, nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, buộc một số tên tay sai của Mỹ đầu hàng. Nhân dân các xã Cam Mỹ, Cam Chính, Cam Nghĩa huyện Cam Lộ, phối hợp với lực lượng vũ trang, nổi dậy diệt một số tên ác ôn, đấu tranh với Mỹ ngụy đòi giải quyết đời sống, đòi được tự do đi lại làm ăn.

Nhân dân khu tập trung Cửa Việt, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng xã Gio Hải, huyện Gio Linh nổi dậy, đòi địch phải để cho nhân dân ra biển đánh bắt hải sản. Nhân dân khu tập trung Quán Ngang đấu tranh đòi địch phải để cho nhân dân đi rừng, buôn bán làm ăn sinh sống. Đỉnh cao của phong trào là nhân dân vùng đồng bằng Triệu Hải nổi dậy giải phóng các xã Triệu Trạch, Triệu Đại, Triệu Hòa huyện Triệu Phong; Hải Xuân, Hải Trường, Hải Chánh huyện Hải Lăng.

Ông Ngô Quận, 69 tuổi, trú ở đường Tôn Thất Thuyết, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) và ông Nguyễn Quang Dõng, 74 tuổi, Hội Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị, mỗi dịp gặp nhau vẫn thường kể về thời oanh liệt làm người "lính cụ Hồ".

Trong những câu chuyện dài về các trận đánh địch của hai ông, ký ức hào hùng về cuộc tiến công Xuân năm 1968 ở mặt trận Trị Thiên, vẫn còn in đậm trong tâm trí. Trong cuộc tiến công vào thị xã Quảng Trị Tết Mậu Thân năm 1968, ông Nguyễn Quang Dõng trực tiếp làm công tác tải thương.

Ông Dõng nhớ lại: "Trước sự tấn công bất ngờ của ta, địch co cụm ở các đồn bốt. Quân ta đã gây nhiều thiệt hại cho địch. Điển hình là đã phá nhà lao trong nội thị Quảng Trị, nơi địch dùng để giam cầm các chiến sỹ, cán bộ của ta..."

Hoạt động trên địa bàn rộng lớn, ông Dõng cũng chứng kiến nhân dân ở vùng nông thôn, nổi dậy chặn đánh địch ở nhiều nơi. Ông Dõng bảo, ở cái thời "đất nước đứng lên" đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, kể già trẻ, gái trai, tất cả cùng chung một ý chí quyết tâm đánh thắng giặc và bè lũ tay sai.

Năm 1968, anh lính Ngô Quận làm công tác binh vận, đơn vị K300B, thuộc Binh vận Quân khu Trị Thiên. Chứng kiến cuộc tiến công Xuân 1968 ở mặt trận Trị Thiên, ông Ngô Quận nhận định, sau khi địch tập trung lực lượng và hỏa lực phản công lại, gây cho quân ta không ít tổn thất, nhưng cuộc tiến công Xuân năm 1968 có tác động rất lớn đến cục diện chiến tranh Việt Nam.

Nếu như trước năm 1968, quân ta chủ yếu tấn công địch ở vùng nông thôn và đồng bằng, thì nay quân ta đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch ở ngay trong các đô thị. Việc thay đổi về chiến lược này đã làm cho Mỹ ngụy nhận thấy rằng, không có bất cứ vùng nào có thể đảm bảo an toàn được nữa.

Về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong Xuân 1968, ông Ngô Quận khẳng khái nói rằng, tất cả đều rất xứng đáng với tám chữ "vàng": Tấn công-nổi dậy-anh dũng-kiên cường.

Góp thêm vào câu chuyện, Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị Lê Xuân Tánh nhìn nhận, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên toàn miền Nam, đã góp phần quyết định làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam".