Giải tỏa nhiều khu nhà ổ chuột
Những năm đầu sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều vấn đề đô thị trầm trọng như: Nhà ổ chuột ở nhiều quận (15.000 căn), ở ven và trên nhiều kênh rạch (28.000 căn), hạ tầng cơ sở yếu kém và không đồng bộ…
Với phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, kinh phí của chính quyền địa phương chiếm khoảng 60%, dân đóng góp 40%, trong thời kỳ “khôi phục kinh tế” (1975 - 1985), TP Hồ Chí Minh đã giải tỏa được rất nhiều khu nhà ổ chuột, nhà lụp xụp rách nát ở ven và trên kênh rạch sình lầy ô nhiễm. Đồng thời xây dựng 16 nhà máy xử lý nước thải tại các lưu vực, biến dòng kênh đen thành dòng kênh xanh, từ đó cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Cũng trong giai đoạn khôi phục kinh tế, TP Hồ Chí Minh khởi xướng phong trào xây dựng “nhà tình nghĩa” cho người có công với đất nước và “nhà tình thương” cho người nghèo, trở thành TP nghĩa tình.
Bước vào thời kỳ đổi mới, để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân, hàng chục nghìn căn hộ của các chung cư được tiếp tục xây dựng ở khắp các quận, huyện. Nhiều nhà ở cao cấp, biệt thự, cao ốc văn phòng, siêu thị mọc lên san sát, mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho TP Hồ Chí Minh.
Xây dựng đô thị đáng sống
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đô thị TP Hồ Chí Minh có sự phát triển không ngừng với nhiều công trình, dự án được triển khai xây dựng. Năm 1993, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nhanh chóng trở thành khu đô thị kiểu mẫu và là động lực phát triển cho khu đô thị mới Nam Sài Gòn.
Trong xu thế toàn cầu hóa, để có thể trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại của cả nước và khu vực Đông Nam Á trong tương lai, năm 2004 TP Hồ Chí Minh quyết định mở rộng khu đô thị trung tâm sang Thủ Thiêm, vượt sông Sài Gòn với một đường hầm, 5 cầu và một tuyến metro nối 3 ga của Thủ Thiêm với ga trung tâm Bến Thành. Khu trung tâm mới Thủ Thiêm sẽ kết nối với Sài Gòn - Chợ Lớn trong cụm đô thị trung tâm để trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ.
Tờ New York Times nhận định: “Sau nửa thế kỷ chiến tranh và nghèo đói, TP Hồ Chí Minh đang gấp gáp bước về phía trước với những kế hoạch khổng lồ về mở rộng và phát triển đô thị. Quyết tâm đoạt lấy vị trí xứng đáng là một trong những đô thị hàng đầu của thế giới”. |
Riêng trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án giải quyết úng ngập 10.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019 cũng sẽ giúp TP chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Bảo tồn và phát triển
Trong quá trình cải tạo đô thị hiện hữu, nhất là khu trung tâm TP, để giữ lấy nét đẹp của Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh luôn hướng đến việc bảo tồn các di sản của đô thị đã được hình thành từ trước đây hơn 300 năm (có tới 168 di tích văn hóa, lịch sử). Bảo vệ diện mạo đô thị luôn tuân theo nguyên tắc xây dựng TP hiện đại, kết hợp phát triển với bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử, thúc đẩy lẫn nhau phát triển để trở thành TP hấp dẫn, có bản sắc.
Nhìn lại hành trình sau 44 năm qua, mặc dù vẫn còn rất nhiều thách thức lớn cho TP như vấn đề ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm... song với những thành tựu đạt được, TP Hồ Chí Minh đã và đang tận dụng những thời cơ để đi đầu trong việc đô thị hóa, trở thành tấm gương cho cả nước.
“TP đang phát triển nhanh, nhiều công trình phục vụ dân sinh được đầu tư cải tạo. Đời sống của bà con cũng dần được nâng cao. Quan trọng hơn cả là dù phát triển mạnh mẽ, TP vẫn giữ được nét văn hóa riêng và mãi là Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông trong trái tim mỗi người dân TP” - anh Huy (quận 3) tự hào chia sẻ.