Theo đại diện Sở LĐTB&XH, tại TP Hồ Chí Minh lao động bị mất việc làm, thất nghiệp có xu hướng tăng. Theo thống kê từ số liệu tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), trong 10 tháng năm 2023, số người đề nghị hưởng TCTN là 142.704 người, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 10,93%. So với đầu quý 2/2023, tình hình người lao động nghỉ việc hưởng TCTN tại tháng 10 có dấu hiệu giảm (tháng 6 là 17.729 người; tháng 10 là 14.227 người).
Số người nghỉ việc hưởng TCTN tăng so với cùng kỳ năm 2022 có nhiều nguyên nhân, trong đó ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến người sử dụng lao động không tiếp tục ký lại hợp đồng lao động sau khi hợp đồng hết hạn, hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP đăng ký hưởng TCTN cũng góp phần gia tăng số người nghỉ việc cần được giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Về giải pháp, đại diện Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, những tháng cuối năm sẽ tập trung thực hiện các hoạt động kết nối việc làm qua công tác tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm để giải quyết nhu cầu việc làm và nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 1 sàn giao dịch trực tuyến kết nối với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh và có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; giám sát tình hình chi trả tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động dịp Tết Nguyên đán.
Phổ biến các chương trình hỗ trợ tổ chức đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp; triển khai các hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa nhằm tạo điều kiện học tập thuận lợi cho người lao động góp phần nâng cao năng suất lao động, kỹ năng nghề nghiệp.
Phối hợp với các tỉnh, thành đang có lực lượng lao động làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trao đổi thông tin và có giải pháp phối hợp nhằm trao đổi, phát huy và chia sẽ lợi thế lẫn nhau, thúc đẩy thị trường lao động phát triển cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp, người lao động giữa các địa phương kết nối cung - cầu lao động.
Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra dự báo thị trường lao động từ nay đến cuối năm 2023. Theo đó, thị trường lao động những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, nhưng để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh dịp Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao, dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4/2023 cần khoảng 75.500 - 81.500 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,69% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,18%.