Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh chặn đứng làn sóng trục lợi "đất công thành đất ông" - Bài 3: Nhiều người trả giá vì làm thất thoát đất công

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số vụ thôn tính đất công có tính chất bất thường đã bị chặn lại trong thời gian qua, một số vụ đã bị khởi tố, các bị can bị truy tố tội cố ý làm trái. “Dấu ấn” cá nhân thể hiện vai trò tối quan trọng, có chữ ký quyết định cuối cùng để sự việc diễn ra thể hiện rõ trong các vụ việc. Làm gì để chấm dứt tình trạng một người hoặc vài người ký vài chữ ký, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị rơi vào tay tư nhân?

Vài chữ ký, hàng nghìn tỷ đồng ngân sách “đội nón” ra đi
Khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP Hồ Chí Minh) diện tích hơn 4.896m2, có lợi thế đặc biệt về thương mại. Khu đất 8 - 12 Lê Duẩn được xác lập quyền sở hữu Nhà nước vào năm 1994, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP quản lý, cho thuê. Sau vài thay đổi, khu “đất kim cương” số 8 - 12 Lê Duẩn đang được trao quyền sở hữu cho Công ty CP đầu tư Lavenue. Công ty CP đầu tư Lavenue có các cổ đông: Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP góp vốn tỷ lệ 20% (tương đương 155 tỷ đồng vốn góp); Công ty TNHH đầu tư Kido tỷ lệ 50% (tương đương hơn 387 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tỷ lệ 30% (tương đương 232 tỷ đồng), tổng giá trị khu đất là 774 tỷ đồng.
 Khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn
Việc chuyển giao khu “đất kim cương” số 8 - 12 Lê Duẩn cho Công ty CP Lavenue đã bị Thanh tra Chính phủ chặn lại, Bộ Công an đã khởi tố vụ án… Theo tính toán của Thanh tra Chính phủ, khu “đất vàng” 8 - 12 Lê Duẩn nếu đưa ra đấu giá sẽ mang về cho ngân sách ít nhất là 2.000 tỷ đồng (tạm tính, thực tế có thể còn cao hơn). Rõ ràng, nếu vụ việc không bị chặn lại, ít nhất gần 1.300 tỷ đồng đã rơi vào túi tư nhân. Người có chữ ký mang tính quyết định để chuyển giao khu “đất kim cương” này vào tay công ty tư nhân là ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
Tương tự, khu “đất kim cương” số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh (khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng) từng được Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trực tiếp sử dụng theo phương án sắp xếp lại nhà, đất công của Bộ Tài chính. Khu đất rộng hơn 6.000m2, sở hữu 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách và Công trường Mê Linh. Sabeco được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất này để xây dựng trụ sở văn phòng Tổng Công ty và Trung tâm Thương mại dịch vụ văn phòng.
Sau vài thủ thuật, thủ tục, khu “đất kim cương” này được giao cho Sabeco Pearl có vốn điều lệ hơn 566 tỷ đồng, 4 cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An sở hữu 25,5% và Công ty CP Đầu tư Mê Linh sở hữu 25,5%, Sabeco sở hữu 26% và Công ty CP Attland sở hữu 23%.
Ngày 10/4/2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 1660 do ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký, phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) với giá trị là 997,2 tỷ đồng
Tiếp đó, ngày 11/5/2015, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 2493 chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn 6 sao, Trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Sau đó, Sabeco thoái vốn, khu “đất Kim cương” chính thức thuộc về một pháp nhân tư nhân với một cái giá rẻ bèo, theo đánh giá chỉ bằng một phần tư giá trị thực tế của khu đất, hàng nghìn tỷ đồng đã rơi vào túi tư nhân.

Quan chức trả giá vì “thèm đất công”

Hàng loạt cựu quan chức cấp cao của TP Hồ Chí Minh đã lần lượt tra tay vào còng và bị trừng trị thích đáng vì dính dáng đến các vụ việc làm thất thoát đất công. Đến nay đã có 2 cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh là các ông Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố đã đưa ra xét xử. Cựu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh là ông Lê Hoàng Quân cũng bị đề nghị xử lý trách nhiệm trong vụ chuyển đổi khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh từ đất công thành đất tư nhân gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 1.900 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Thành Tài - Cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, 4 cựu cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP và doanh nghiệp trục lợi vừa kết thúc cách đây ít ngày là một thông điệp cứng rắn và nghiêm khắc dành cho những người có “bệnh thèm đất công”. Ông Nguyễn Thành Tài bị xử phạt 8 năm tù, người đại diện pháp luật doanh nghiệp trục lợi bị tuyên phạt 5 năm tù...

Cuối năm 2019, một cựu phó chủ tịch khác của TP Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Hữu Tín cũng đã phải ra tòa vì liên quan đến việc chuyển đổi khu đất 15 Thi Sách, quận 1 từ đất công lọt vào tay doanh nghiệp bất động sản. Ông Nguyễn Hữu Tín và ông Đào Anh Kiệt - cựu Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường và một số thuộc cấp đã thực hiện không đúng quy định pháp luật dẫn đến việc Nhà nước thất thoát 6,7 tỷ đồng do Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất Nhà nước chưa thu được. Sau 2 phiên tòa, ông Nguyễn Hữu Tín bị tuyên phạt 7 năm tù, ông Đào Anh Kiệt bị tuyên phạt 6 năm, 6 tháng tù.

Ngăn chặn hiệu quả
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Luật sư Đặng Anh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức và Cộng sự cho rằng, từ năm 2017 trở lại đây, các công cụ pháp lý về quản lý sử dụng quỹ nhà đất thuộc quyền sử dụng của Nhà nước (gọi tắt là đất công) đã hiệu quả hơn rất nhiều. Những vụ việc tiêu cực liên quan đến đất công trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ trước khi có Nghị định 167/2017/NĐ-CP.
Khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng
Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định hình thức chuyển mục đích sử dụng đất chỉ áp dụng đối với nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng. Việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Riêng việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án đầu tư khi chuyển mục đích sử dụng đất, việc lựa chọn nhà đầu tư để liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Quy định này đã chính thức chấm dứt tình trạng một vài chữ ký, những khu đất ngàn tỷ “đội nón ra đi”.
Ở góc độ địa phương, cuối năm 2019, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.
Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện nhằm tổ chức kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn tất việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, xác định số lượng, loại hình, diện tích, vị trí, hồ sơ pháp lý, chủ thể quản lý, mục đích và hiện trạng sử dụng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP. Mục tiêu là đảm bảo các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không có hiệu quả; thu hồi, xác lập sở hữu Nhà nước các mặt bằng bỏ trống, nhà, đất có nguồn gốc sở hữu Nhà nước đang bị chiếm dụng, chưa xác lập sở hữu để xác lập sở hữu, đưa vào diện quản lý.