TP Hồ Chí Minh có 144.380 F0 đang điều trị, trong đó 83.643 bệnh nhân điều trị tại nhà

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, hiện TP có 144.380 bệnh nhân Covid-19 (F0) đang theo dõi, điều trị. Trong đó, 40.133 F0 tại các cơ sở y tế, 83.643 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà và 20.604 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện.

Theo HCDC, tính đến 6 giờ ngày 31/8, TP Hồ Chí Minh có 216.314 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 215.869 trường hợp mắc trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 40.133 bệnh nhân, trong đó có 2.449 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Ngành y tế TP đã tổ chức hơn 400 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện.

 Đội hình Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh trao túi thuốc và hướng dẫn bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà ở quận Phú Nhuận. Ảnh HCDC

Điều kiện để F0 ở nhà là dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì. Nếu chưa thoả điều kiện này, F0 phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi một. Đặc biệt, đây phải là những người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút.

Với những F0 tại nhà hay tại khu cách ly tập trung quận huyện, nếu có dấu hiệu trở nặng, sẽ được đưa vào một trong 74 bệnh viện (thuộc tầng 2 mô hình điều trị), có tổng cộng hơn 49.000 giường. Tầng này đang điều trị khoảng 37.500 F0. Chủ trương được đặt ra là "tăng xuất viện người khỏi bệnh, tăng chuyển viện người bị nặng" để luôn có sẵn giường trống cho F0 tầng một khi cần, giảm tử vong.

Ngoài ra, TP còn tổ chức cấp các túi thuốc dành cho F0 điều trị chăm sóc tại nhà. Túi thuốc A bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Túi thuốc B có thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông, được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Gói thuốc C chứa thuốc kháng virus Molnupiravir - thuốc này đang trong giai đoạn thử nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19.

Liên quan đến công tác tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho người dân TP, cùng ngày 31/8, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, từ nay đến cuối năm, TP cần 8,1 triệu liều vaccine các loại để phủ mũi 2 cho toàn bộ 7,2 triệu người hơn 18 tuổi trên địa bàn TP.

Cụ thể, tính đến ngày 30/8, TP đã tiêm hơn 6,1 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân. Trong đó, có gần 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người đã tiêm mũi 2. Theo tính toán, TP cần tiêm vaccine cho khoảng 7,2 triệu người.

Theo đó, việc tiêm vaccine cho người dân chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (29/8 - 5/9), TP cần hơn 2,7 triệu liều để tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người để đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên.

Thời gian này, TP tiêm nhắc mũi 2 cho hơn 2 triệu người đã tiêm mũi 1, gồm: 733.000 người cần tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer; 485.000 người tiêm Moderna; 31.000 người tiêm Pfizer; 840.000 người tiêm Vero Cell. Số này sẽ tiêm trong thời gian 6-10/9.

Giai đoạn 2 (16 - 30/9), TP cần hơn 1,3 triệu liều vaccine để phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Đồng thời, tiêm nhắc mũi 2 cho khoảng 656.900 người đã tiêm mũi 1, gồm: 500.000 người cần tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer; 18.200 người tiêm Moderna; 700 người tiêm Pfizer; 138.000 người tiêm Vero Cell.

Giai đoạn 3 (1 - 15/10), TP tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4 (16/10 - 31/12), TP tổ chức tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 (từ 29/8 đến 30/9) theo loại vaccine phù hợp.

Như vậy, tổng cộng số lượng vaccine cần sử dụng cho 4 đợt từ ngày 29/8 đến 31/12 là hơn 8,1 triệu liều. Trong đó, sử dụng cho mũi 1 khoảng 1,4 triệu liều; sử dụng cho mũi 2 khoảng hơn 6,7 triệu liều.

9 dụng cụ phòng hộ dành cho người chăm sóc F0 tại nhà
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4159/QĐ-BYT hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19. Các phương tiện phòng hộ tối thiểu được lựa chọn và sử dụng gồm:
- Găng tay: Gồm găng tay y tế (găng tay sạch hoặc vô khuẩn) tùy vào mức độ tiếp xúc với F0 hoặc F1, F2..., và găng tay vệ sinh.
- Khẩu trang: Khẩu trang y tế thông thường hoặc phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang hiệu suất lọc cao (N95).
- Bộ trang phục phòng hộ cá nhân: Quần áo liền (có mũ) hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch, dài che kín người. Bộ trang phục này phải được sản xuất từ vải không dệt, chống thấm, có khả năng bảo vệ chống vi sinh vật xâm nhập theo đường dịch, dễ sử dụng, thoáng mát.
- Tạp dề bán thấm: Vật liệu chống thấm, buộc dây hoặc đeo quanh cổ.
- Mũ: Che kín đầu, tóc, tai.
- Ủng bảo hộ: Dài quá bắp chân, dùng vật liệu có thể tái sử dụng.
- Bao giầy: Che phủ bàn chân, bắp chân có dây cố định tránh tuột và bao phủ được ống quần mặc bên trong. Bao giầy cũng phải là vật liệu bán thấm hoặc chống thấm.
- Tấm che mặt: Che hoàn toàn được hai bên tai và chiều dài khuôn mặt, làm bằng nhựa dẻo, trong, chống mờ do hơi nước, không làm biến dạng hình ảnh, cung cấp tầm nhìn tốt cho người dùng.
- Kính bảo hộ: Gồm gọng cài tai hoặc dây đeo sau đầu, phải trong suốt, ôm hết khuôn mắt hoặc che phủ hết mắt, hai bên thái dương.
Bộ Y tế cũng lưu ý phương tiện phòng hộ cá nhân chỉ hiệu quả khi áp dụng cùng với những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần