TP Hồ Chí Minh: đấu thầu thuốc vẫn vướng do chưa có hướng dẫn

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng trong năm 2023. Từ đầu năm 2024, Luật Đấu thầu số 22 có hiệu lực nhưng hiện vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn khiến việc mua thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập càng khó khăn.

Chưa có Nghị định hướng dẫn

Đây là thông tin được bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cung cấp tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội của TP vào chiều 15/8.

Theo bà Quỳnh Như, sau nhiều giải pháp, quyết sách của Chính phủ và các Bộ ngành, như Luật Đấu thầu số 22 năm 2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024, các bệnh viện phần nào tháo gỡ được nút thắt trong đấu thầu mua sắm.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như thông tin tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, dù Luật Đấu thầu số 22 đã có hiệu lực nhưng chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như thông tin tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, dù Luật Đấu thầu số 22 đã có hiệu lực nhưng chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, do chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn kịp thời, dẫn đến chậm tiến độ mua sắm thuốc, vật tư y tế tại các CSYT công lập. Trong thời gian chờ ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, đến nay về cơ bản TP vẫn đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Một số thuốc bị gián đoạn tạm thời đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm bổ sung bằng nguồn cung ứng khác hoặc sử dụng các phác đồ điều trị thay thế.

“Không chỉ thiếu thông tư hướng dẫn đấu thầu, hiện nay Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và sản xuất thuốc. Tại một số thời điểm, nguồn cung ứng thuốc bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cuộc xung đột trên thế giới. Do đó, việc thiếu thuốc có thể xảy ra khi nhu cầu thuốc tăng đột biến như các đợt bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng...”, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết.

Cũng theo bà Như, có nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, nhất là các loại thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt. Đơn cử như thuốc không sẵn có trên thị trường và thường chưa có số đăng ký lưu hành trong khi nhu cầu thường phát sinh đột xuất; thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất; thuốc có giá thành rất cao trong khi nhu cầu sử dụng rất thấp và nguy cơ hủy thuốc cao sau mua sắm nếu không có ca bệnh sử dụng nên các CSYT không mua dự trữ.

Chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh

Để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, bà Quỳnh Như cho biết, Sở Y tế đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc Ngành y tế TP cũng chỉ đạo các CSYT công lập thuộc phạm vi quản lý, khẩn trương triển khai công tác mua sắm thuốc ngay khi có Nghị định, Thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Tại TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2024, có 20.148.006 lượt người khám chữa bệnh ngoại trú.
Tại TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2024, có 20.148.006 lượt người khám chữa bệnh ngoại trú.

Song song đó, các đơn vị phải chủ động giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.

Hiện nay, Sở Y tế đã triển khai chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn với mục đích có thể tìm kiếm nhanh nhất các loại thuốc cấp cứu đang tồn kho tại các CSYT; từ đó điều chuyển ngay đến nơi đang cần thuốc.

Đối với thuốc hiếm, các đơn vị đã chủ động lập kế hoạch đấu thầu mua sắm, dự trù đơn hàng nhập khẩu để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế duyệt các đơn hàng nhập khẩu như Globulin và Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng nặng, dung dịch cao phân tử Dextran điều trị sốc sốt xuất huyết. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP trình HĐND TP về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị.

 

6 tháng đầu năm 2024, có 20.148.006 lượt người khám bệnh

Bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượt khám chữa bệnh ngoại trú của TP Hồ Chí Minh đạt 20.148.006 lượt (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023). Mỗi ngày, các bệnh viện ở TP tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân ở khắp nơi đổ về để thăm khám và điều trị. Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các CSYT trên địa bàn TP đã tăng cường nhiều giải pháp phục vụ người bệnh từ khâu tiếp nhận, khám chữa bệnh đến khi xuất viện thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin cũng như phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu.

Ngoài ra, ngành y tế TP còn hình thành mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thông qua việc triển khai thực hiện đề án “Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tại TP” đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt.

“Ngành y tế cũng tăng tốc hoàn thiện ba bệnh viện cửa ngõ của TP. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng số vốn đầu tư xây dựng hơn 5.600 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2024. Ba bệnh viện này sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật và trình độ chuyên môn tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực huyện Hóc Môn, Củ Chi, TP Thủ Đức và các khu vực lân cận”, bà Lê Thiện Quỳnh Như chia sẻ.