Thực hiện Công văn số 947/KH-UBND ngày 2/4/2021 của UBND TP về triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP năm 2021, ngày 13/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP đã xây dựng Kế hoạch công tác truyền thông trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP năm 2021 (với kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách sự nghiệp của TP năm 2021).
Cụ thể, Kế hoạch hướng đến 3 mục đích quan trọng, gồm:
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ tác hại của nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không tham gia, không tiếp tay cho những hành vi này; đồng thời tham gia phát hiện, thông tin cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh tư liệu của Hải quan TP Hồ Chí Minh) |
Thứ hai, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh và quần chúng Nhân dân về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ ba, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trên địa bàn TP trong thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu, lực lượng chức năng các sở, ngành, cơ quan, mặt trận, đoàn thế, người dân, các cơ quan thông tin báo chí phải phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và Nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hình thức tuyên truyền phải đa đạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu rộng để mỗi người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác này, công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Đồng thời, công tác thông tin tuyên truyền cần được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, đảm bảo tính chủ động, tính thời sự trong định hướng dư luận. Đổi mới công tác truyền thông cả bề rộng và chiều sâu để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, các chủ sở hữu trí tuệ cũng phải chủ động công bố và giới thiệu cách phân biệt hàng thật, hàng giả.
Về hình thức tuyên truyền, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên nhiều phương tiện đại chúng như: Các cơ quan báo chí của TP; Cổng/trang thông tin điện tử, Bản tin Các sở, ban, ngành (Cổng thông tin điện tử của UBND TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện…); Mạng xã hội (Các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức đăng tải, chia sẻ các tin, bài viết về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua Facebook, Zalo, Youtube...); Hệ thống thông tin cơ sở…
Để thực hiện tốt Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông giao Phòng Báo chí, Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, Phòng Thông tin điện tử, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nghiêm túc thực hiện Kế hoạch. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm (thông qua Phòng Báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông) để tổng hợp, đánh giá.