TP Hồ Chí Minh: Dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát, 70% người dân (trên 18 tuổi) sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Văn bản 2556/UBND-VX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP để phòng chống dịch Covid-19. Như vậy, đến nay TP Hồ Chí Minh đã trải qua 2 tháng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau, trong 2 tháng chạy đua chống dịch quyết liệt, đợt dịch Covid-19 thứ 4 đang có dấu hiệu được kiểm soát.

Số ca nhiễm hàng ngày có xu hướng đi ngang
Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính từ 19 giờ ngày 31/7 đến 6 giờ ngày 1/8, TP ghi nhận thêm 2.027 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 01/8. Trong 24 giờ (tính từ 19 giờ ngày 30/7 đến 19 giờ ngày 31/7), TP ghi nhận 4.180 trường hợp nhiễm mới… Theo dõi số liệu của HCDC cho thấy, số ca nhiễm mới hàng ngày trong 5 gần nhất đang có xu hướng đi ngang.
 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chủ trì một cuộc họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn - Ảnh: TTBC
Tại buổi họp báo chiều ngày 30/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đưa ra nhận định, số ca F0 trên biểu đồ dịch Covid-19 đang đi ngang. Đây là điều đã được dự liệu, đúng như dự đoán của ban lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Nếu các lực lượng phòng, chống dịch thực hiện nghiêm các giải pháp TP Hồ Chí Minh đã đề ra, người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tình hình dịch bệnh trên địa bàn sẽ sớm ổn định.
Tính đến sáng ngày 01/8, đã có 93.037 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố; trong đó: 92.733 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh. Trong ngày 31/7, có thêm 3.493 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 34.639. Hiện đang điều trị 35.218 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh dương tính) trong đó có 933 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 1.338 bệnh nhân tử vong.  
Điều chỉnh liên tục để chống dịch hiệu quả hơn
TP Hồ Chí Minh đã trải qua 3 đợt dịch Covid-19 và đang tập trung cao độ để chống đợt dịch thứ 4. Đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021, khi một số ca nhiễm được ghi nhận tại một số bệnh viện. Đợt dịch thứ 4 cũng là đợt dịch kéo dài nhất, từ ngày 27/4 đến nay. Để đối phó với đợt dịch lần thứ 4, TP Hồ Chí Minh đã phải liên tục điều chỉnh các chiến lược, linh hoạt đối phó với tình hình diễn biến dịch bệnh.
TP Hồ Chí Minh đã có quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 31/5/2021. Đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 nơi có nhiều ca F0, áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.
Kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, TP Hồ Chí minh quyết định tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0 giờ ngày 15/6 đến 0 giờ ngày 29/6. Trong quá trình thực hiện chỉ thị 15, ngày 19/6, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 10, siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng…
Mặc dù áp dụng các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh, thế nhưng tình hình dịch bùng phát trên địa bàn TP vẫn không có dấu hiệu suy giảm. TP Hồ Chí Minh quyết định, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian 15 ngày và sau đó, TP tiếp tục gia hạn giãn cách xã hội thêm 2 tuần đến ngày 1/8.
Ngày 22/7, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ký Chỉ thị 12 tăng cường một số biện pháp thực hiện chỉ thị số 16. Đến ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ký công văn số 2468 tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cho đến thời điểm hiện tại TP Hồ Chí Minh đã áp dụng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau tròn 2 tháng và sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa kể từ ngày 1/8.
 Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh tiến hành khử khuẩn toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: Tân Tiến
Chạy đua lọc F0 ra khỏi cộng đồng và tiêm vaccine
Trong diễn biến đi ngang của số ca nhiễm hàng ngày, đáng mừng hầu hết các ca nhiễm được phát hiện trong các khu phong tỏa, khu cách ly. Theo HCDC, đến ngày 1/8 đã không phát hiện các ổ dịch mới trên địa bàn.
Trong đợt dịch Covid -19 thứ 4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh các biện pháp chuyên môn nhằm tận dụng thời gian giãn cách xã hội để lọc các ca F0 ra khỏi cộng đồng. TP Hồ Chí Minh đã xác định một số quận huyện là địa bàn trọng điểm của dịch Covid-19, đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn dân. Tại các ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao…ngành y tế đã tổ chức xét nghiệm 3 ngày một lần nhằm lọc triệt để các ca F0 mới xuất hiện ra khỏi cộng đồng.
Song song với việc xét nghiệm lọc F0 ra khỏi cộng đồng, công tác truy vết cũng được triển khai quyết liệt, các trường hợp tiếp xúc gần F1 được đưa đi cách ly; các khu vực có ca bệnh được phong toả nghiêm ngặt.
Theo HCDC, kể từ ngày 27/4 đến 31/7, ngành y tế đã lấy 1.033.362 mẫu xét nghiệm, trong đó có 558.260 mẫu đơn, 475.102 mẫu gộp. Tính đến ngày 31/7 đã có 4.199.648 người được lấy mẫu tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...Tổng số mẫu chưa có kết quả: 10.903 mẫu, trong đó có 8.573 mẫu đơn và 2.330 mẫu gộp.
Thực hiện Chỉ thị số 12 về siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16, TP Hồ Chí Minh đang chuyển dần chiến lược điều trị để hạn chế số ca tử vong… Tính đến ngày 1/8, đã có hơn 34.000 bệnh nhân xuất viện.  
TP Hồ Chí Minh xác định, giải pháp căn cơ để chống lại dịch Covid-19 là vaccine + 5K. Các chiến dịch tiêm vaccine đã được triển khai đồng loạt trên địa bàn TP. Hiện tại, TP đang triển khai chiến dịch tiêm đợt 5 với 930.000 liều vaccine. Chiến dịch sẽ được đẩy nhanh tiến độ bên cạnh việc giữ an toàn trong tiêm chủng và phòng chống Covid-19. TP mở rộng đối tượng được tiêm chủng, phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, sẽ có khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vaccine mũi 1.
Chăm lo cho người yếu thế
Ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản 2556 về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP để phòng chống Covid-19.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 2/8/2021. TP Hồ Chí Minh sẽ tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi TP nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách trừ các trường hợp được UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu. TP Hồ Chí Minh yêu cầu tiếp tục thực hiện giảm mật độ giao thông trên đường; yêu cầu các quận huyện, TP Thủ Đức tổ chức tiêm vaccine nhanh, an toàn và hiệu quả, mỗi đội tiêm ít nhất tiêm cho 200 người/ngày, tùy theo điều kiện có thể tổ chức tiêm sau 18 giờ, tổ chức tiêm lưu động. TP đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu các cấp các ngành tổ chức đảm bảo cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm cho người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn nguồn dự trữ, nhất là người dân tại các khu phong toả, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; tổ chức hỗ trợ y tế cho người dân trong khu vực phong tỏa…
Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sau 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16, trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9/7/2021, các đơn vị đã nỗ lực để đảm bảo hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn. Sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường TP Hồ Chí Minh trung bình hơn 5.000 tấn/ngày. Để để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ người dân, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường nâng cao khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ hàng phục vụ người dân.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát, đánh giá, đảm bảo điều kiện cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện và TP Thủ Đức gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mni, cửa hàng tiện lợi và 28.700 cửa hàng bách hóa. Ngành Công Thương cũng đã tăng cường tổ chức các điểm bán hàng thực phẩm bình ổn lưu động trên khắp địa bàn với nhiều mô hình mới như xe bus bán thực phẩm lưu động, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến người dân tại từng địa bàn dân cư…

Sau một số điều chỉnh, đến nay, việc cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội nhìn chung đã khá ổn định. Nguồn hàng thực phẩm thiết yếu từ những tỉnh thành khác vào TP Hồ Chí Minh đã được đi theo "luồng xanh", các ách tắc đã được tháo gỡ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần