Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Giao thông vận tải, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo thẩm quyền quy định tại Quyết định 32/2023 của UBND TP Hồ Chí Minh.
"Các đơn vị tập trung thực hiện, đảm bảo tiến độ hoàn thành chậm nhất trong tháng 6/2024; nếu để xảy ra chậm trễ thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh"- văn bản nêu rõ.
Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành Quy trình nội bộ cấp phép thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, đảm bảo nguyên tắc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin và chuyển đổi số, không thực hiện thủ công, không dùng tiền mặt, không tương tác trực tiếp… Tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2024.
Cùng với đó, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại Công văn 2642/2024, đảm bảo đủ điều kiện để Sở Giao thông vận tải thực hiện hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin "Thuê dịch vụ phục vụ hệ thống quản lý cấp phép, thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" trong tháng 6/2024.
Trong thời gian chờ triển khai hệ thống quản lý sử dụng chung nêu trên, giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phối hợp với UBND quận 1 để tham khảo, nghiên cứu áp dụng mô hình, ứng dụng "Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1" đang được triển khai thực hiện thí điểm.
Công an TP Hồ Chí Minh, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử dụng lòng đường, hè phố sai quy định.
Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện để làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 11 của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, ngày 19/9/2023, đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 15 về việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố bắt đầu từ ngày 1/1/2024
Có 3 trường hợp được phép sử dụng tạm thời và phải đóng phí, bao gồm các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động này; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Đối với sử dụng tạm thời vỉa hè, có 5 trường hợp được phép và phải đóng phí, bao gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe; tổ chức hoạt động văn hóa và điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Mức thu phí sẽ được tính theo diện tích và vị trí tuyến đường, với khoảng biến động từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng cho hoạt động trông giữ xe và 20.000-100.000 đồng/m2/tháng cho các hoạt động khác.
TP Hồ Chí Minh sẽ chia thành 5 khu vực để áp dụng mức thu phí, với khu vực 1 (bao gồm quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có mức thu phí cao nhất, trong khi khu vực 5 (huyện Cần Giờ) có mức thu phí thấp nhất.