Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Hoa hồng Đà Lạt rớt giá trước lễ 8/3 vì dịch Covid-19

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá hoa hồng tại vườn Đà Lạt giảm mạnh dù dịp lễ 8/3 đang cận kề, tiểu thương tại nhiều chợ hoa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lo lắng, hoa hồng Đà Lạt sẽ ế ẩm vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chia sẻ với phóng viên, một số chủ vườn trồng hoa hồng tại Đà Lạt cung ứng cho dịp lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay đều cho biết, chỉ chốt được vài đơn hàng sỉ dù chỉ còn gần một tuần nữa là đến lễ 8/3.
Gần đến 8/3, giá hoa hồng Đà Lạt tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) vẫn chưa 'nhúc nhích'.

Theo các nhà vườn, lượng hoa hồng cung ứng cho thị trường 8/3 năm nay giảm hơn so với hàng năm, vì nhu cầu giảm. Các thương lái từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… đều giảm số lượng đặt hàng, vì vậy mà giá hoa hồng cũng giảm.

“Thời điểm này năm ngoái, hoa hồng đỏ được các mối trả ở mức từ 7.000 - 8.000 đồng/bông. Những loại hoa hồng màu khác có giá thấp hơn một xíu, từ 5.000 - 6.000 đồng/bông. Nhưng năm nay, giá hoa hồng chắc chắn là sẽ thấp kỷ lục”, chị Minh, một nhà vườn tại làng hoa Vạn Thành (Đà Lạt), dự đoán.

Cũng theo chị Minh, vì những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình dịch Covid-19, không riêng gì hoa hồng mà các loại hoa khác cũng rớt giá thảm hại, có thể xem là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

“Mới đây thôi, dịp lễ Tình nhân 14/2, hoa hồng đỏ tại vườn thương lái chỉ thu với giá 3.000 đồng/bông, hoa hồng màu các loại từ 2.000 - 2.200 đồng/bông. Cắt hơn 10.000 cành hồng trong đợt này nhưng tôi vẫn lỗ vốn”, chị Minh cho biết.

Anh Hiếu, một nhà vườn tại làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt) cho rằng, cùng với việc giá giảm sản lượng hoa hồng năm nay sẽ giảm nhiều so với hàng năm. “Từ lúc có dịch Covid-19 thì giá hoa hồng đã giảm, giảm từ Tết, đến ngày rằm, rồi đến lễ 14/2… dự là 8/3 này cũng không ngoại lệ. Đoán trước được tình hình này, nên nhiều nhà vườn đã cắt giảm số lượng hoa trồng. Ngoài ra, thương lái đặt hàng đến đâu thì cắt đến đó, không cắt trước để giảm xuống mức thấp nhất chi phi bảo quản hoa”, anh Hiếu nói.

Ghi nhận tại nhiều chợ hoa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong hôm nay (2/3), số lượng hoa hồng nhập về còn hạn chế, hầu hết các tiểu thương đều tỏ ra thận trọng không dám “ôm hàng”.

“Thông thường, hoa hồng Đà Lạt là mặt hàng có giá cao nhất và bán chạy nhất trong lễ 8/3. Tuy nhiên, năm nay dù giá hoa tương đối mềm tôi vẫn nhập hàng ít, bán đến đâu lấy đến đó”, chị Kim, chủ một shop hoa tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) chia sẻ.

Theo chị Kim, do ảnh hưởng dịch bệnh làm sinh hoạt của người dân xáo trộn, giá hoa không tăng nhưng dân ít ra đường, không tới nơi đông người, sinh viên nghỉ học... nhu cầu mua - tặng hoa hồng Đà Lạt ít khiến việc buôn bán, kinh doanh hoa sụt giảm mạnh.

“Nhà vườn thì không thèm trồng luôn, trồng cực khổ, bán cũng chẳng dễ dàng, nhưng lại lỗ vốn. Còn người mua bán như chúng tôi thì phải “cân đo đong đếm” sao cho hợp lý. Nếu những mặt hàng khác, không bán lúc này có thể bán lúc khác, thì hoa tươi chỉ để được một vài ngày. Không bán được đồng nghĩa với việc mất cả vốn lẫn lãi”, chị Kim nhấn mạnh.

Kinh doanh hoa tươi lâu năm tại chợ Hoa Hậu Giang, chị Diễm cho rằng, thị trường hoa biến động nên vụ hoa hồng Đà Lạt 8/3 chưa nói trước được.

“Từ đầu năm tới nay do ảnh hưởng bệnh dịch nên sinh hoạt của người dân xáo trộn, việc kinh doanh hoa khó khăn. Theo tôi, dịp 8/3 tới đây giá hoa hồng khó mà cao được khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp”, chị Diễm nhận định.

Rút kinh nghiệm, thay vì chỉ bán hoa theo kiểu truyền thông, dịp 8/3 này chị Diễm và nhiều tiểu thương khác bàn với nhau sẽ thử nghiệm bán hoa online. “Thời buổi dịch bệnh, khó khăn lắm, không thể ngồi một chỗ đợi khách được. Phải chủ động tìm người có nhu cầu. Chẳng hạn, chụp ảnh hoa đẹp, bó hoa bắt mắt, cắm giỏ hoa theo các chủ đề yêu thương… đăng lên mạng xã hội tận dụng lượng khách hàng mua online”, chị Diễm nói thêm.