Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Hơn 50 cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh tại nhà để phòng dịch Covid-19

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 50 cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đăng ký khám chữa bệnh tại nhà, việc làm này nhằm bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính… trong mùa dịch Covid-19.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hôm nay (25/8), toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh có tất cả 52 cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi và người mắc các bệnh lý mạn tính.

 Một bệnh nhân đang được bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất đo các chỉ số sức khỏe tại nhà
Mục đích của việc triển khai dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà trong thời điểm này là nhằm bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cụ thể, 52 cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh tại nhà gồm 20 bệnh viện quận, huyện (trừ Bệnh viện quận 3, Bệnh viện quận 5, Bệnh viện Quận 10 và Bệnh viện huyện Cần Giờ); 2 trung tâm y tế gồm Trung tâm Y tế quận 5 và Trung tâm Y tế quận 10.
Ngoài ra, 30 trạm y tế phường, xã cũng đã đăng ký triển khai hoạt động khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi.
Chị Đặng Thị Mỹ Dung (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị lựa chọn sử dụng dịch vụ khám bệnh tại nhà cho mẹ mình vì nhận thấy giải pháp này khá phù hợp.
“Di chuyển khó khăn, thời gian chờ đợi đôi lúc nhiều hơn thời gian thăm khám, nguy cơ bị lây nhiễm chéo Covid-19...là những trở ngại trong quá trình thăm khám cho người cao tuổi. Do đó, được khám bệnh tại nhà sẽ tốt hơn với mẹ tôi lúc này”, chị Dung nói.
Có bố bị tai biến nằm liệt giường nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ, anh Nguyễn Thanh Tùng (quận 6, TP Hồ Chí Minh) suy nghĩ đến việc sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà.
“Từ nhà tôi qua Bệnh viện Quận 6 không quá xa, nhưng mỗi lần đưa bố đi khám phải duy động ít nhất 3 đến 4 người trong gia đình. Cách làm nay đã được duy trì nhiều năm qua, và chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi mới liên hệ bệnh viện, đăng ký khám chữa bệnh tại nhà cho bố mình”, anh Tùng kể lại. 
22 Bệnh viện quận, huyện và Trung tâm Y tế thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi ở TP Hồ Chí Minh
Theo anh Tùng, giờ anh không phải loay hoay hay quá lo lắng về việc phải sắp xếp thời gian chở bố mình đi tái khám, vì đã có các bác sĩ đến tận nhà.
Bận rộn với guồng quay công việc, quỹ thời gian lại vô cùng eo hẹp, chị Trần Thị Kim Thư (quận 1, TP Hồ Chí Minh) gần như không thể sắp xếp được 1 buổi hoặc vài tiếng đồng hồ trong tuần để đưa bố mẹ đi thăm khám tại bệnh viện. Vì vậy, theo chị Thư đăng ký khám chữa bệnh tại nhà giúp chị vừa hoàn thành công việc, vừa chăm sóc được sức khoẻ cho bố mẹ. Và quan trọng hơn cả, chính là thói quen khám sức khỏe định kỳ dần được hình thành và duy trì.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng (75 tuổi, quận 8, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, nhà neo đơn, không có con cái, trong khi hai vợ chồng đều đã có tuổi nên việc đi khám ở bệnh viện rất bất tiện. Chưa kể, mùa dịch người lớn tuổi cũng được khuyến cáo hạn chế ra đường, may mắn có chương trình đăng khám tại nhà, đã hỗ trợ vợ chồng bà Hồng rất nhiều.
Về lợi ích của khám bệnh tại nhà, bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Khoa Thận Nhân tạo, bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh (bác sĩ phụ trách dịch vụ khám tại nhà) cho rằng, khi khám bệnh tại nhà, bệnh nhân và thân nhân bệnh không mất thời gian, công sức và chi phí đi lại; các bác sĩ sẽ có thời gian khám và trao đổi cặn kẽ hơn về các vấn đề sức khoẻ với bệnh nhân; giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
"Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp hiện nay, việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện là yếu tố được đưa lên hàng đầu, đặc biệt là đối với những người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý mạn tính kèm theo vốn là những người có nguy cơ cao", bác sĩ Quân nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Quân, mặc dù là khám chữa bệnh tại nhà, nhưng với những trường hợp khó, sau khi được bác sĩ khám, xác định rõ thì sẽ được khuyên nhập viện, không thể để bệnh nhân tiếp tục ở nhà tránh tình trạng nặng hơn. 
 
Danh sách 30 trạm y tế khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi ở TP Hồ Chí Minh
Đồng quan điểm, PGS Cao Văn Thịnh - giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phụ trách đơn vị khám bệnh tại nhà Bệnh viện Quận 2 cho biết, khám chữa bệnh tại nhà giúp các bệnh viện điều chỉnh được luồng bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện và dễ dàng quản lý về mặt sức khỏe cho người dân.
"Uớc tính cứ 100 người đến bệnh viện thì có đến 86 người không cần phải nhập viện, tức số người này có thể khám và chăm sóc tại nhà. Những trường hợp bệnh mãn tính, nội khoa, thậm chí ngoại khoa vẫn có thể khám tại nhà được như thay băng, đo huyết áp, đái tháo đường, suy giãn tĩnh mạch... tức những bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân, không nằm trong cấp cứu tức thời", bác sĩ Thịnh nói.
Về những khó khăn, bác sĩ Thịnh cho rằng, hiện nay nhiều người vẫn còn e dè với việc khám chữa bệnh tại nhà, một phần do chưa thay đổi được thói quen, lo ngại về chi phí. Do đó, muốn phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà cần triển khai theo hướng phục vụ người dân là chủ yếu.
Trước đó, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã thuê một phần mềm của Nga, chi phí khoảng 80 triệu đồng/năm để ngành y tế thành phố ứng dụng trong khám, chẩn đoán, hội chẩn, hội nghị trực tuyến...
Hiện Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã thí điểm ứng dụng phần mềm này để khám bệnh từ xa tại nhà cho bệnh nhân. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ đánh giá xem người dân đã hài lòng với cách khám bệnh này không? Cách khám bệnh từ xa này đã đáp ứng được về mặt chuyên môn hay chưa? Cơ chế chi trả thế nào?... từ đó mới tính đến có nên nhân rộng mô hình này hay không.
“Nếu thấy mô hình này nên nhân rộng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ có kiến nghị với Bộ Y tế để Bộ Y tế kiến nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ chế chi trả cho những bệnh nhân BHYT được khám chữa bệnh tại nhà”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin.