UBND TP Hồ Chí Minh vừa họp tổng kết tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017. Trong báo cáo của Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, trật tự lòng lề đường có chuyển biến tích cực sau hai tháng ra quân. Nhưng sau đó, đâu lại vào đấy. Nhiều tuyến đường đã xuất hiện tình trạng tái chiếm vỉa hè để hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Thật ra, kế hoạch lấy lại vỉa hè là quyết tâm và chủ trương đúng của TP Hồ Chí Minh. Nhưng hiện nay, chỉ có một số quận, huyện thực hiện tốt, còn một số khác thì chuyển biến rất chậm, tình trạng tái chiếm vỉa hè lại xuất hiện. Điều này nếu không xử lý quyết liệt thì dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực, cách làm kiểu “phong trào”.
Trước thực trạng này, Ban An toàn giao thông TP đề xuất lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho lập Đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra thực hiện lập lại trật tự lòng lề đường, trả lại vỉa hè thông thoáng. Cụ thể, Đoàn kiểm tra sẽ nhắc nhở, phê bình, thậm chí quy trách nhiệm cho các địa phương buông lỏng quản lý trật tự lòng lề đường… Theo phân tích của các chuyên gia, đối với nền kinh tế đang phát triển, có diện tích đô thị nhỏ hẹp như TP Hồ Chí Minh thì việc “tẩy trắng” sinh hoạt lòng lề đường là điều không thể, bởi như vậy sẽ gây khó khăn cho việc mưu sinh của nhiều người có mức thu nhập thấp hoặc vừa phải. Hơn nữa, các phương tiện đi lại của người dân vẫn phổ biến là xe hai bánh, quỹ thời gian eo hẹp thì quan hệ mua bán qua những tụ điểm như vỉa hè, lòng lề đường, chợ nhỏ, những cửa hàng dọc hai bên đường là khó tránh khỏi. Trong khi đó, một số hệ thống siêu thị chỉ “ôm” một thị phần nhỏ nhu cầu của người dân. Cho nên, thay vì cho phép với một hệ thống quy định được nghiên cứu thận trọng thì thành phố chỉ đơn giản là… cấm! Kết quả là vấn đề trật tự lòng lề đường tại thành phố vẫn còn nguyên sự hỗn độn của nó. Đây là lý do khách quan khiến các nhà quản lý cần xem xét đến chính sách quản lý, quy hoạch một cách thấu đáo hơn. Nói cách khác, các ngành chức năng thay vì giải tỏa các trường hợp “đánh cắp” vỉa hè, lòng lề đường của người đi bộ ở khắp các tuyến phố và một số sinh hoạt cộng đồng khác thì TP cần quy hoạch lại, sở hữu hóa và tổ chức đấu giá hoặc cho thuê.
Như vậy sẽ tạo nguồn thu để đầu tư nâng cấp cho vỉa hè. Đối với từng vỉa hè hiện hữu, cần có những quy định về quản lý, sử dụng khác nhau. Khi đó, vỉa hè sẽ có đủ diện tích để trang bị những băng ghế nghỉ chân cho khách bộ hành, thùng chứa rác, trạm điện thoại, máy rút tiền tự động… và có cả chỗ cho hàng triệu xe hai bánh có chỗ đậu trên vỉa hè. Khi vai trò chủ sở hữu Nhà nước được thể hiện rõ ràng thì sẽ không xảy ra tình trạng bát nháo, “đánh cắp” vỉa hè như hiện nay. Chẳng hạn, trên nhiều tuyến đường có quán cà phê, quán nhậu có không gian hẹp đã chiếm dụng phần lớn diện tích vỉa hè để bày bán cho thực khách, thu lợi cao. Vì vậy, việc thu phí cho thuê cũng chính là cách quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện hợp pháp cho các hộ kinh doanh hoạt động ổn định, lâu dài mà không sợ làm trái quy định. Cụ thể, mỗi hộ kinh doanh đều phải đóng tiền thuê diện tích vỉa hè nếu muốn sử dụng và khi không có nhu cầu thì cũng có thể “chia” lại cho các căn hộ bên cạnh có nhu cầu kinh doanh, buôn bán. Mặt khác, việc phải trả tiền khi sử dụng vỉa hè khiến người không sử dụng vỉa hè sẽ không thể “làm ngơ” để người khác kinh doanh, lấn chiếm bừa bãi. Ngay cả những hàng rong, ngoài lúc đi thì khi đã ngồi lại trên vỉa hè, ở phần lùi vào bên trong đã được qui định thì cũng phải trả tiền, thành phố sẽ dành cho họ cơ hội mưu sinh bằng những quy định cụ thể . Cò như vậy mới hi vọng chấm dứt được tình trạng xé nát vỉa hè. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có hàng chục ngàn tủ thuốc, sạp báo, chỗ vá xe nằm rải rác trên khắp các nẻo đường, nếu thu phí sẽ tạo nguồn thu lớn để tái đầu tư, nâng cấp, trang bị cho vỉa hè.Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ra quyết tâm: “Về việc tổ chức lập lại trật tự lòng lề đường, TP sẽ kiên trì chứ không hô hào theo phong trào”. Ông Nguyễn Thành Phong gợi ý thêm: “Tại sao không tổ chức rộng rãi các phiên chợ? Nếu làm tốt việc này sẽ thì người dân sẽ có nơi buôn bán, mưu sinh, đồng thời sẽ giảm áp lực về mặt quản lý Nhà nước”…