Cống hơn trăm tỷ, mưa xuống vẫn ngập!
Điển hình là hệ thống cống hộp thoát nước trên đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12) do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN) TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với trị giá 160 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2015 và hoàn thành vào tháng 5/2016. Những tưởng có cống thoát nước giá hơn trăm tỷ đồng sẽ giải quyết được tình trạng ngập vào mùa mưa. Thế nhưng mới chỉ vài cơn mưa đầu mùa tuy không lớn, nhưng trên tuyến đường này xảy ra ngập nặng khiến người dân bức xúc.Đường Bình Tây (Quận 6) vừa đặt cống thoát nước và đã tái lập mặt bằng vào giữa tháng 4/2017, nhưng đoạn giữa con đường vẫn ngập sau những con mưa đầu mùa! |
Ông Nguyễn Văn Hiếu (60 tuổi, có nhà trên đường Nguyễn Văn Quá) bức xúc: “Trước kia con đường này thường xuyên ngập nặng khi mưa xuống khiến việc mua bán, sinh hoạt, đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Khi thấy TTCN TP thi công cống hộp để thoát nước, người dân chúng tôi vui lắm. Nhưng niềm vui này chỉ được năm 2016, còn năm nay dù mới bước vào mùa mưa, nhưng cứ sau mỗi cơn mưa là đường ngập như cũ”.
Tại quận 12, theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng gì đường Nguyễn Văn Quá ngập nặng sau mưa mà còn nhiều con đường khác cũng chung tình cảnh như: Nguyễn Ánh Thủ, Song Hành, Phan Văn Hớn...Tương tự tình trạng vừa đặt xong cống thoát nước nhưng vẫn ngập sau mưa là đường Bình Tây (Quận 6). Con đường này nằm trong dự án 19 tuyến đường (tổng chiều dài phải đặt cống thót nước là 10 km - PV) thuộc các quận 5, 6 và 11, và đặt 3 trạm bơm ở các khu vực: Phan Văn Khỏe, Cầu Mé và Phạm Phú Thứ. Tổng mức đầu tư của dự án là 500 tỷ đồng. Theo nhiều người dân, khoảng đầu năm 2016, tuyến đường Bình Tây được thi công, đến giữa tháng 4/2017 mặt đường được tái lập. Thế nhưng kể từ cơn mưa ngày 15/5 đến nay, cứ sau mỗi cơn mưa thì đoạn giữa con đường lại ngập! Tuy mực nước ngập chỉ qua nửa bánh xe và thời gian ngập không kéo dài, nhưng vẫn khiến người dân không khỏi băn khoăn về hiệu quả chống ngập. Bởi lẽ, không những công trình chống ngập đường Nguyễn Văn Quá không hiệu quả mà ngay cả công trình thoát nước trên đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Võ Văn Kiệt dù đã hoàn chỉnh, nhưng vẫn ngập sau mưa!Ngoài những tuyến đường thường xuyên ngập nêu trên, còn phải kể đến nhiều tuyến khác thường ngập nặng sau mưa, như: Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Xa lộ Hà Nội (Quận Thủ Đức), Phan Huy Ích (Q.12), An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Kinh Dương Vương (Quận Bình Tân), Nguyễn Hữu Cảnh (Quận Bình Thạnh)… Trong đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những điểm ngập nặng nhất TP, có trận mưa phải sau 2 ngày nước mới rút (tháng 9/2016). Đến nỗi mới đây đích thân ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phải xuống tận nơi thị sát.Ngập do hệ thống thoát nước… bị lấn chiếm?Diễn giải về tình hình ngập hiện nay, theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đó là tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước như: lấn chiếm kênh, rạch (đầu năm 2017, còn 67 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm. Đến nay đã xử lý 7 vị trí, còn 60 vị trí). Lấn chiếm tuyến cống (đầu năm 2017, còn 88 tuyến bị lấn chiếm với chiều dài 13,841 km và 392 hầm ga. Hiện đã khắc phục 5 vị trí, còn 83 vị trí). Lấn chiếm cửa xả (đầu năm 2017, còn 53 vị trí lấn chiếm. Nay đã khắc phục 2 vị trí, còn 51 vị trí)…Đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12) ngập nặng trong cơn mưa đầu mùa. |
Và để hạn chế tình trạng ngập nước do mưa, do triều cường, TTCN đặt ra mục tiêu năm 2017 giải quyết 13/17 tuyến đường, 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách; 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều. Ngoài ra, các quận, huyện cũng đã đề xuất danh sách 1.127 tuyến đường, hẻm cần phải nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước để kết nối đồng bộ với dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Tuy nhiên theo tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị, cách chống ngập của TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua không thay đổi. Có nhiều dự án chống ngập không phù hợp, không kết nối được với hệ thống thoát nước cũ và mới nhưng lại chưa được khắc phục. Còn Tiến sĩ Trương Văn Hiếu - nguyên giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng các dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh đang làm là dàn trải, không phù hợp yêu cầu thực tế. Đơn cử việc thi công các cống thoát nước nhỏ hơn so với thực tế dẫn đến quá tải, trong khi lượng mưa tăng lên hàng năm. Một số trạm bơm như trạm Thị Nghè có công suất trên dưới 100m3/s, trong khi mưa lớn lưu lượng nước chảy xuống các cống của trạm này lên đến 600m3/s!Theo số liệu của TTCN, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 35 tuyến đường bị ngập nước. Trong đó 14 tuyến thường xuyên bị ngập khi mưa, 21 tuyến đường thỉnh thoảng bị ngập. Thế nhưng chỉ với vài cơn mưa đầu mùa, nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh … vẫn ngập nặng! |