Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện khi trong 9 tháng đầu năm 2024 mới chỉ giải ngân được hơn 16.787 tỉ đồng, đạt 21,2% kế hoạch.

Theo kế hoạch, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước cho TP Hồ Chí Minh là hơn 79.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 11/10, tổng số vốn TP Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân được hơn 16.787 tỉ đồng, đạt 21,2%.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân được hơn 1.154 tỉ đồng, đạt 31,3% tổng kế hoạch vốn giao và ngân sách địa phương mới giải ngân được hơn 15.632 tỉ đồng, đạt 20,7% tổng kế hoạch vốn giao.

9 tháng đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân được 20,7% vốn đầu tư công được Chính phủ giao. Ảnh minh họa
9 tháng đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân được 20,7% vốn đầu tư công được Chính phủ giao. Ảnh minh họa

Từ thực trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh nhìn nhận việc giải ngân đầu tư công trong 9 tháng đầu năm chưa đạt như kế hoạch đã đề ra. Trong những tháng cuối năm 2024, các cấp chính quyền TP đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể và đang tiếp tục bám sát để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giải ngân.

Cũng theo UBND Hồ Chí Minh, việc chậm giải ngân trong 9 tháng đầu năm chủ yếu do năm nguyên nhân chính.

Cụ thể, về đặc thù triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND Hồ Chí Minh giải thích khoảng trên 49% số vốn đầu tư công trung hạn của TP mới đủ cơ sở để triển khai thực hiện từ tháng 9/2023 thay vì được triển khai ngay đầu kỳ như các địa phương khác. Từ đó đã dẫn tới việc chuẩn bị đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn này bị chậm hơn so với các dự án sử dụng nguồn vốn được giao từ đầu kỳ trung hạn.

Về việc thay đổi thời gian hiệu lực của Luật Đất đai năm 2024, UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết việc thay đổi quy định của Luật Đất đai về chính sách bồi thường trong điều kiện số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của TP rất lớn, tính chất của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp đã tác động trực tiếp tới tỉ lệ giải ngân.

Trong đó, năm 2024, tổng số vốn sử dụng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của TP khoảng 33.000 tỉ đồng, chiếm 38% tổng vốn đầu tư công.

Theo kế hoạch từ đầu năm, TP dự kiến hoàn tất thủ tục và giải ngân kế hoạch vốn trong quý III. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai năm 2024 chuyển thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thành ngày 1/8/2024, phần lớn số vốn bố trí năm 2024 không thể giải ngân theo tiến độ. Vì vậy, dẫn tới tình trạng đa số các dự án phải điều chỉnh lại đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng để bảo đảm tránh khiếu kiện, khiếu nại và tuân thủ quy định mới. Do đó, đến nay, TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được hơn 3.000 tỉ đồng trên tổng số 33.000 tỉ đồng vốn đầu tư công phải giải ngân.

Về vấn đề phối hợp giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, theo UBND Hồ Chí Minh, trong năm 2024, TP dự kiến giải ngân vốn một số dự án có thực hiện thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương với số vốn dự kiến 10.517 tỉ đồng, tỉ lệ 13,3% tổng vốn.

Bên cạnh đó, về các vướng mắc điều chỉnh quy hoạch, TP Hồ Chí Minh phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 (số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm là 4.008 tỉ đồng) đối với 57 dự án đang chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, dự kiến chỉ giải ngân được chi phí chuẩn bị đầu tư khó có khả năng khởi công dự án và kịp giải ngân trong năm 2024.

Về quá trình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến giải ngân khoảng 8.925 tỉ đồng trong năm 2024 với với dự án khởi công mới (không vướng điều chỉnh quy hoạch 1/2000) nhưng các tháng đầu năm thực hiện còn chậm. Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các thủ tục đã được tháo gỡ và có thể đẩy nhanh thủ tục ở các bước tiếp theo.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, địa phương cũng đã rà soát và điều chỉnh cập nhật lại dự kiến tỉ lệ giải ngân trong các tháng còn lại và phấn đấu giải ngân tháng 10 từ 38,4% trở lên; tháng 11 là 45,1% trở lên; tháng 12 từ 85,9% trở lên. Dự kiến đến hết ngày 31/1/2025 đạt từ 94,6% trở lên.

Theo thống kê, tại TP Hồ Chí Minh có 9 đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm thấp hơn tỉ lệ chung của TP (20,2%) bao gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (8,6%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (7,9%), Ban quản lý Đường sắt đô thị (17,1%), Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (0,5%), UBND huyện Nhà Bè (10,5%), UBND quận 1 (11,6%), UBND quận 10 (8,8%) và UBND quận 5 (13,%).