Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh mời nhà khoa học đóng góp giải pháp chống ngập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín trong cuộc họp với các sở ngành, quận huyện để bàn các giải pháp chống ngập cấp bách trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tình trạng ngập trên diện rộng khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân rất khổ sở, ảnh hưởng nhiếu đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Nguyên nhân gây ngập thì có nhiều, do mưa lớn; do biến đổi khí hậu (thủy triều dâng); do đô thị hóa lấn kênh rạch làm mất các dòng chảy và còn do cả lỗi chủ quan trong việc thi công các công trình gây nên. TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác chống ngập nhưng xem ra không hiệu quả.
TP Hồ Chí Minh mời nhà khoa học đóng góp giải pháp chống ngập - Ảnh 1
Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, từ năm 2011 thành phố có 58 điểm ngập ở khu vực trung tâm. Trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư của thành phố, Trung tâm chống ngập đã khắc phục được 47 điểm ngập, hiện còn 11 điểm ngập và sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2014-2015.

Tuy nhiên Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh (GTVT) Lê Hoàng Minh cho rằng báo cáo của Trung tâm chống ngập như vậy là không đúng, theo sở hiện còn tới 25 điểm ngập. Khi được ông Tín hỏi về số liệu chính xác các điểm ngập hiện nay, ông Dũng giải thích: trong 47 điểm đã được đầu tư các dự án chống ngập thời gian qua hiện có 14 điểm tái ngập, đồng thời có thêm hai điểm ngập phát sinh mới là đường Gò Dầu và Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú) nâng tổng số điểm ngập lên 27. Lý giải cho việc tái ngập, ông Dũng cho rằng: “Công tác chống ngập hiện nay làm theo quy hoạch 752 (quyết định 752 năm 2001 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố) nên chỉ chịu được những trận mưa nhỏ hơn 100mm, mực nước ở mức 1m32. Nhưng hiện nay xảy ra mưa lớn trên 100mm, mực nước đỉnh đã lên tới 1m70 cho nên các điểm chống ngập trước đây bị tái ngập”.

“Coi như mấy năm qua chỉ giải quyết được 33 điểm ngập, hiện còn 27 điểm ngập hiện hữu, cộng tái ngập và phát sinh mới”, ông Tín yêu cầu Sở GTVT lưu lại số liệu những điểm còn ngập và ngay cả những điểm đã hết ngập để công bố cho người dân được biết cùng giám sát.

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, giải pháp trước mắt cần làm những hồ điều tiết nước nhỏ, sau đó sẽ tiến hành xây dựng hệ thống đê bao để giữ nước triều trong các kênh rạch ở mức 1,32m theo như quy hoạch 752, để cống thoát nước có thể chảy ra kênh được. Song song đó nên áp dụng theo hình thức xây dựng những ống chứa nước lớn ngay dưới hệ thống cống hiện hữu để nước chảy vào khi có mưa lớn, nước được trữ lại có thể dùng cho nhiều mục đích khác. Ðồng thời tăng thêm diện tích thấm nước và xây dựng các hồ điều tiết nước

Kết luận buổi họp, ông Tín cho rằng hiện khu vực trung tâm không còn chỗ nào để làm hồ điều tiết nước được, còn việc xây đê bao là việc của 5 – 10 năm sau. Trước mắt cần phải có giải pháp chống ngập cấp bách huy động cả hệ thống máy bơm chuyển tiếp nước ra kênh chứ không phải lèo tèo một vài cái như thời gian qua. Ông Tín giao Sở GTVT, trong vòng 10 ngày phải đề xuất mở hội thảo mời các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng đóng góp giải pháp chống ngập cấp bách cho những điểm ngập hiện nay.