Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Nhà hàng, quán nhậu…“cửa đóng then cài” vì dịch Covid-19

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn vì những ảnh hưởng đến từ dịch Covid-19, trong khi chi phí mặt bằng chiếm đến 15 - 30% doanh thu khiến nhiều hộ kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đã phải “cửa đóng then cài” vì quá ế ẩm.

Một quán Buffet tại Quận 12 đóng cửa và treo bảng sang quán hoặc sang mặt bằng

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, khi Nghị định 100 có hiệu lực đã khiến phần lớn các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, quán nhậu, karaoke… bị ảnh hưởng doanh thu nghiêm trọng. Khi đang loay hoay tìm phương thức kinh doanh phù hợp để thích nghi với Nghị định mới, thì dịch Covid-19 xuất hiện, kéo theo những khó khăn tiếp theo. Nhiều chủ kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh cho biết đang đứng trước nguy cơ phá sản. Một số khác, than vãn kiệt sức, khó cầm cự nếu như tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu như người TP Hồ Chí Minh đều hạn chế ra đường, ai cũng cố gắng không đến nơi công cộng, hàng quán, trung tâm thương mại… bởi lo ngại sẽ bị lây nhiễm bệnh. Do đó, việc kinh doanh bị ảnh hưởng, ế ẩm suốt một thời gian dài”, anh Nguyễn Thanh Huy (chủ một nhà hàng bán món Quảng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Tuy khó khăn chồng chất, thời gian đầu anh Huy vẫn cố gắng mở cửa, duy trì hoạt động kinh doanh vì không muốn mất đi những khách hàng thân thiết. Nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ cuộc, đóng cửa và trả mặt bằng.
Một quán nhậu kinh doanh hải sản tươi sống dọc đường Trường Sa (quận Tân Bình) cũng đóng cửa và đang có nhu cầu cho thuê mặt bằng.
Không riêng gì trường hợp của anh Huy, hàng trăm những hộ kinh doanh khác trên nhiều tuyến đường của TP Hồ Chí Minh cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Chỉ cần dạo quanh một vòng, không quá khó để bắt gặp hình ảnh nhà hàng, quán nhậu, shop quần áo… treo bảng sang mặt bằng hoặc đóng cửa chưa hẹn ngày mở lại.
Trong số đó, ghi nhận nhiều nhất chính là đoạn đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), một trong những khu ăn uống sầm uất nhưng đang phải đối mặt với việc rất nhiều hàng quán “thất thế” đóng cửa ngừng kinh doanh.
“Nghị định 100 là cú sốc đầu tiên nhưng vẫn còn nhẹ so với cú giáng “chí mạng” từ dịch Covid-19. Chỉ trong tháng 2, doanh thu một số nhà hàng của tôi đã giảm đến 50% so với thời điểm trước Tết”, anh Trần Hoàng (chủ một nhà hàng kinh doanh hải sản, trên đường Phan Xích Long) cho biết.
 Tiếp tục là nhà hàng kinh doanh ẩm thực trong tình trạng ngưng hoạt động, đóng cửa từ nhiều ngày nay.
Vì không thể kham nổi lương cho nhân viên, chi phí thuê mặt bằng cũng như nhiều khoản chi khác cho việc duy trì hoạt động, anh Hoàng đã đóng cửa nhà hàng gần 10 ngày nay và cho biết khi nào hết dịch, tình hình ổn định mới mở cửa kinh doanh trở lại.
Tương tự, tại nhiều trung tâm thương mại cũng gặp khó khăn khi lượng khách vào thăm quan, ăn uống và mua sắm giảm chóng mặt. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp phải chọn giảm giá sản phẩm, giảm giá cho thuê mặt bằng để tiếp tục cầm cự.
Điển hình về giảm giá thuê mặt bằng phải kể đến là đường Nguyễn Trãi, nơi được mệnh danh là “con đường thời trang” đông đúc bậc nhất của TP Hồ Chí Minh. Từ trước đến nay, mặt bằng ở đây ít khi nào để trống, giá thuê một căn nhà 4m ngang mặt tiền cũng ở mức khoảng 6.000 USD/tháng, căn 8m mặt tiền trở lên là 15.000 - 20.000 USD/tháng, thậm chí là 25.000 USD/tháng đối với những mặt bằng chất lượng.
Nhà hàng đồ nướng Hàn Quốc từng rất động khách, nay cũng đóng cửa trả mặt bằng
Tuy nhiên, hiện nay đường Nguyễn Trãi cũng đang đối mặt với tình trạng trả lại mặt bằng hàng loạt. Nhiều thương hiệu, cơ sở kinh doanh khó khăn về tài chính do chịu tác động của mùa dịch Covid-19 khiến tình hình buôn bán giảm mạnh.
Tại đây, theo ghi nhận với các nhà phố đang cho thuê, một số gia chủ chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng tiền nhà. Thậm chí, có gia chủ còn giảm 30 - 50% giá thuê trong ngắn hạn với khối kinh doanh các mặt hàng khó bán. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp chủ tài sản linh hoạt cho thuê theo diện tích khách mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn như trước đây.
Một quán karaoke trên đường Phan Xích Long, đóng cửa và treo bàng cho thuê nhà
Chị Mai Vân (chủ một cửa hàng bán giày dép, túi xách trên Nguyễn Trãi, quận 1) cho biết, sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, cửa hàng của chị Vân hầu như không có khách đến mua sắm, doanh thu giảm hơn một nửa so với những tháng khác.
“Thời buổi dịch bệnh, thay vì mua giày dép, túi xách, chị em phụ nữ chú trọng mua khẩu trang y tế hoặc gel rửa tay khô nhiều hơn. Hầu như không còn ai tha thiết đến chuyện làm đẹp trong những ngày này. Vì quá vằng khách nên từ sếp đến nhân viên chỉ biết ngồi bấm điện thoại cho hết ngày. Nếu tiếp tục đà này trong vài ngày tới, tôi sẽ đóng cửa, trả lại mặt bằng cho chủ nhà”, chị Mai Vân nói.
Để giải quyết hết số hàng tồn kho, chị Mai Vân cho biết, chị đang đẩy mạnh sang hình thức bán online. Với mong muốn, thứ nhất là hy vọng nhanh thu hồi lại được vốn, thứ 2 để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng.